Kinh tế

"Duyên nợ" nghề may

Trong 11 năm lập nghiệp thì có đến 2 lần phá sản, thế nhưng ông Trần Minh Dũng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên may mặc Nhật Long Anh (phường An Bình, TP.Biên Hòa), vẫn kiên trì với nghề.

Ông Trần Minh Dũng cùng công nhân kiểm tra hàng. Ảnh: V.Nam
Ông Trần Minh Dũng cùng công nhân kiểm tra hàng. Ảnh: V.Nam

20 năm trước, ông Dũng từ Huế vào Biên Hòa kiếm việc làm. Được người thân dạy cho nghề may công nghiệp nên ông đã nhanh chóng trở thành chuyền trưởng ở các công ty may đồ xuất khẩu.

Cuối năm 2007, ông cùng người bạn mở doanh nghiệp làm ăn riêng. Sau khởi nghiệp được 1 năm thì công ty ông phá sản. Ông lại nộp đơn xin vào một doanh nghiệp may tư nhân để làm việc.

Vốn là người khá rành rẽ trong lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu, năm 2011 ông cùng bạn mở công ty để làm ăn. Lần này doanh nghiệp cũng chỉ tồn tại được 2 năm thì lại phá sản.

Ông Dũng cho biết thời điểm đó do bị dư chấn của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ngành may mặc Việt Nam gặp khá nhiều khó khăn, đơn hàng ít, giá thấp và bị khách hàng chiếm dụng vốn. Trong khi đó, doanh nghiệp của ông không trường vốn để duy trì hoạt động đành phải giải thể.  “Sau lần phá sản đó tôi thề không bao giờ quay lại làm hàng xuất khẩu nữa. Đến nay vẫn có doanh nghiệp liên hệ đặt hàng gia công nhưng tôi kiên quyết không nhận” - ông Dũng tâm sự.

Năm 2014, ông Dũng thành lập doanh nghiệp may đồng phục và đồ bảo hộ cho công nhân. Hiện mỗi tháng trung bình công ty ông xuất khoảng 2 ngàn sản phẩm theo đơn đặt hàng, vào những tháng cao điểm mùa hè may đồng phục học sinh lượng hàng lên đến 5 ngàn sản phẩm/tháng. 

Ông Dũng trăn trở ở Đồng Nai nguồn lao động thiếu thì vẫn thiếu nhưng thừa vẫn thừa. Đối tượng thừa ở đây là những công nhân lớn tuổi phải nghỉ việc ở các công ty. Có lẽ do nhiều năm làm việc ở lĩnh vực may mặc nên ông Dũng hiểu được những khó khăn của các nữ công nhân sau khi hết tuổi lao động ở các công ty may phải về nhà. Cũng chính vì thế mà hơn 200 lao động của công ty ông có đến 50% là các chị lớn tuổi nghỉ việc ở các công ty may được ông tuyển dụng vào làm việc. Ngoài ra, còn có nhiều công nhân nữ phải chăm sóc con nhỏ cũng được ông tạo điều kiện để có việc làm kiếm thêm thu nhập.

Ông Dũng giao máy và hàng cho công nhân mang về nhà làm để giúp công ty giảm bớt được chi phí mặt bằng và công nhân có thể làm việc linh hoạt được thời gian. 

Ông Dũng cho biết hiện công ty ông đang nhận may đồng phục cho hơn 20 đơn vị. Theo tính toán, lợi nhuận mang lại cho doanh nghiệp chủ yếu đến từ các đơn đặt hàng của các công ty nước ngoài, còn lại may đồng phục học sinh cũng như đồ công sở thì giá khá thấp nên mục đích tạo việc làm cho công nhân là chính. “Có những trường hợp tôi phải đi từ Biên Hòa xuống Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 chỉ để đo may 1 chiếc áo mẫu cho một công ty Nhật Bản, có lần thì đến thị trấn Trảng Bom đo may chỉ có 8 chiếc áo công sở. Tôi luôn cho rằng không có nhỏ thì khó có lớn được nên không nỡ phụ lòng mọi người” - ông Dũng nói.

Vân Nam

Đồng Nai

© 2021 FAP
  2,250,240       1/824