Kinh tế

Vì sao nông dân dễ bị lừa?

Vừa qua, tại một vài huyện của Đồng Nai xảy ra tình trạng thương lái tìm mua rễ tiêu với giá 20 ngàn đồng/kg tươi và 80 ngàn đồng/kg rễ khô, một doanh nghiệp đứng ra thu mua mặt hàng này và cho biết sẽ liên kết với một công ty tại TP.Hồ Chí Minh nhằm xuất đi Trung Quốc làm thuốc bắc.

Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Đồng Nai đã phải phát văn bản cảnh báo nông dân cân nhắc trước khi đào rễ tiêu đem bán bởi hiện tượng mua bán này có tính bất thường và chưa rõ mục đích thực sự. Về chủ quan, thời gian qua giá tiêu hạt xuống thấp nên khi rễ tiêu được thu mua, dễ dẫn đến nhiều chủ vườn phá vườn tiêu lấy rễ đem bán. Nếu diễn ra trên diện rộng, diện tích tiêu - mặt hàng chủ lực của địa phương - có thể giảm mạnh và phá vỡ quy hoạch chung của ngành nông nghiệp.

Trên thực tế, đây là hiện tượng hoàn toàn không mới. Việc thương lái thu mua những mặt hàng nông sản “lạ” đã diễn ra trên 10 năm qua tại nhiều địa phương trong cả nước chứ không riêng gì với Đồng Nai. Có thể kể đến các “mặt hàng” lạ lùng được thu mua như: đỉa, lá điều khô, rễ tiêu, rễ sim, lá khoai mì, lá khoai lang... Trong đó, cũng có vài mặt hàng xác định được nhu cầu tiêu thụ, song lại không rõ ràng về thị trường như đọt khoai mì, lá khoai lang (thực phẩm rau xanh), đọt sắn muối (đặc sản), rễ sim (làm thuốc)...

Trên báo điện tử Vietnamnet, GS.Võ Tòng Xuân từng phân tích việc tìm mua nông sản dị biệt của thương lái Trung Quốc là những chiêu bài thu lợi trong ngắn hạn, chứ không phải thực sự có nhu cầu tiêu thụ. Theo đó, ở giai đoạn 1, các thương lái Trung Quốc sẽ đưa thông tin cần mua một khối lượng lớn lá điều khô với giá 500 đồng/kg và chỉ vài ngày (giai đoạn 2) giá thu mua được đẩy lên 1 ngàn đồng/kg. Sau vài tuần (giai đoạn 3) tiếp tục đẩy lên gần 2 ngàn đồng/kg. Đến một mức giá vừa ý sau khi đã tạo nhu cầu giả trên thị trường, thương lái Trung Quốc sẽ đẩy chính mặt hàng lá điều khô mà mình đã mua vào giai đoạn 1 (với giá rẻ) ra bán ngược trở lại cho nông dân để ăn chênh lệch.

Hiện tại, phải thừa nhận là không nhiều những vụ tạo nhu cầu giả để thu mua nông sản dị biệt nhằm thu lợi được cơ quan chức năng phanh phui và quy trách nhiệm rõ ràng. Do đó, sau nhiều năm những chiêu thu mua này vẫn tiếp tục được thương lái Trung Quốc sử dụng khắp cả nước và đáng buồn là nông dân vẫn tiếp tục bị lừa. Tính trên diện rộng, mặc dù chưa có vụ việc nào gây ảnh hưởng quá nghiêm trọng, song điều này đặt ra một vấn đề đáng lo ngại là khả năng “miễn dịch” của nông dân còn quá yếu trước những diễn biến bất thường của thị trường, đặc biệt trong bối cảnh nông nghiệp Việt Nam đã và đang mở cửa hội nhập ngày càng sâu rộng. Việc trang bị cho nông dân những kỹ năng và kiến thức cần thiết nhằm có sự độc lập trong nhận định thông tin, có tư duy phản biện nhằm bảo vệ chính mình là điều vô cùng cần thiết. Nếu không, với tất cả những chiêu trò ngày càng tinh vi của những người muốn thu lợi bất chính, nông dân Việt vẫn sẽ là đối tượng bị nhắm tới đầu tiên.

Vi Lâm

Đồng Nai

© 2021 FAP
  2,252,807       62/1,168