Ông Ngô Bá Bản là nông dân có vườn bưởi đào đặc sản miền Bắc lớn và lâu năm nhất tại xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ). Theo ông Bản, trồng giống bưởi đặc sản miền Bắc trên đất phương Nam vẫn đạt năng suất cao, chất lượng bưởi ngon nên lợi nhuận tốt.
Ông Ngô Bá Bản giới thiệu vườn bưởi đào đặc sản miền Bắc trồng trên đất Cẩm Mỹ cho lợi nhuận tốt. Ảnh: B.Nguyên |
* Nhân rộng vườn bưởi đào
Ông Bản kể: “Quê tôi ở tỉnh Hải Dương, mấy anh em vào huyện Cẩm Mỹ sinh sống, lập nghiệp. Cha mẹ ở quê đi thăm con đem theo cành bưởi đào vào trồng bên hiên nhà để con có quà đặc sản trái quê”. Cây bưởi đào đất Bắc nhưng lại sinh trưởng rất tốt trên đất phương Nam, cho trái sai trĩu cành, chất lượng trái ngon mà lại ít sâu bệnh. Sau nhiều lần trồng các loại cây hàng năm, lâu năm không mấy hiệu quả, ông Bản quyết định nhân rộng vườn bưởi đào. Từ vài cây bưởi ban đầu, hiện ông Bản đã có vườn bưởi đào rộng hơn 2 hécta đang vào thời kỳ cho năng suất tốt nhất.
Chỉ vào gốc bưởi đào hơn 20 năm tuổi, ông Bản chia sẻ: “Đây là những gốc bưởi lâu năm nhất trong vườn. Vì tôi để cây trồng phát triển tự nhiên mà không thúc phân, ép thuốc nên bưởi càng lão càng sai trái, chất lượng trái càng ngon”.
Theo ông Bản, là trái bưởi đặc sản miền Bắc nhưng giá bán thường chỉ rẻ bằng một nửa giá bưởi da xanh miền Nam. Tuy nhiên, giống bưởi này vẫn cho lợi nhuận cao so với nhiều cây trồng khác vì cây ít sâu bệnh, ít công chăm tưới nhưng năng suất lại rất cao. Thấy giống bưởi đào cho lợi nhuận tốt, nông dân nhiều nơi tìm đến ông Bản mua cây giống. Nhờ đó, vườn bưởi của ông Bản có nguồn thu nhập không nhỏ từ việc cung cấp giống bưởi đặc sản ít “đụng hàng” này.
* Nuôi thêm đặc sản
Vườn bưởi được ông Bản lắp hệ thống tưới nước tiết kiệm, tự động. Vườn trái cây của ông phát triển tự nhiên theo hướng hữu cơ, hầu như không phải dùng nhiều phân, thuốc. Chính vì vậy, ông Bản tiết kiệm được khá nhiều chi phí đầu tư cho vườn cây.
Theo ông Bản: “Tôi muốn trồng ra trái bưởi đào đặc sản nhưng bán với giá bình dân hợp với túi tiền mọi người tiêu dùng, người trồng vẫn thu lời cao, khai thác bền và ít rủi ro về thị trường”.
Để từng tấc đất cho hiệu quả cao nhất, ông Bản tận dụng đất bờ rào để trồng cây đinh lăng, trong vườn bưởi ông cho trồng xen canh cây sả và các loại rau, hoa màu để có nguồn thức ăn cho đàn heo lai rừng. Chất thải từ chăn nuôi lại là nguồn phân bón chính cho cây trồng.
Nhờ trồng bưởi đặc sản với sản lượng lớn, vườn bưởi đào xứ Bắc của ông Bản được nhiều thương lái tìm về đặt hàng vào mùa thu hoạch. Trái bưởi đào miền Bắc trồng trên đất Cẩm Mỹ hiện được tiêu thụ khắp các tỉnh, thành khác nhau nên có đầu ra khá ổn định.
Bình Nguyên