Kinh tế

Truy xuất nguồn gốc theo xu hướng "4.0"

Xu hướng "cách mạng công nghiệp 4.0" đang được áp dụng và nhân rộng trên nhiều lĩnh vực, trong đó hoạt động truy xuất nguồn gốc thực phẩm, phân biệt hàng thật - giả cũng không phải là ngoại lệ.

Xu hướng “cách mạng công nghiệp 4.0” đang được áp dụng và nhân rộng trên nhiều lĩnh vực, trong đó hoạt động truy xuất nguồn gốc thực phẩm, phân biệt hàng thật - giả cũng không phải là ngoại lệ.

Người tiêu dùng thực hiện truy xuất nguồn gốc các loại thịt bằng điện thoại thông minh tại Co.op Mart Biên Hòa.
Người tiêu dùng thực hiện truy xuất nguồn gốc các loại thịt bằng điện thoại thông minh tại Co.op Mart Biên Hòa.

Với chiếc điện thoại thông minh và một vài thao tác đơn giản, người tiêu dùng hoàn toàn có thể kiểm tra nguồn gốc mặt hàng cần mua. Đây là xu hướng được người tiêu dùng cũng như các nhà sản xuất, đơn vị cung ứng ngày càng quan tâm trong thời đại khoa học - công nghệ ngày càng phát triển và xu thế tiêu dùng bền vững như hiện nay.

* “Soi” nguồn gốc sản phẩm bằng smart phone

Sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc thực phẩm hiện đã được nhiều hệ thống siêu thị bán lẻ trên địa bàn tỉnh triển khai, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm tươi sống, như: thịt heo, thịt gà, rau, củ, quả... Với các mã QR được gắn trên bao bì sản phẩm, người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tra cứu thông tin cùng các tiện ích đi kèm, như: thông tin về trang trại, thú y, điểm bán lẻ, thức ăn, tiêm chủng, chu trình xử lý, giết mổ của thực phẩm... bằng các ứng dụng trên điện thoại thông minh một cách đơn giản. Giải pháp này được người tiêu dùng phản ánh tích cực và sẽ được nhiều đơn vị bán lẻ nhân rộng thời gian tới.

Đồng Nai đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai các đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt, trứng gia cầm trên địa bàn tỉnh. Trong đó, UBND sẽ phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành tiến hành triển khai đề án này.

Ông Phạm Thanh Phong, Tổ trưởng Tổ thực phẩm tươi sống của Co.op Mart Biên Hòa, cho biết siêu thị hiện đã áp dụng truy xuất nguồn gốc các loại thịt heo, thịt gà, trứng gà bằng ứng dụng trên điện thoại thông minh (smart phone) từ vài tháng trước. Ngoài ra, siêu thị cũng áp dụng việc truy xuất bằng điện thoại trên một số loại rau, củ, quả. Đến nay, việc truy xuất bằng điện thoại đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng.

Bà Tuyết Mai (ngụ phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) chia sẻ:  “Việc truy xuất nguồn gốc rất quan trọng trong thời buổi hiện nay. Những phần mềm truy xuất bằng điện thoại vừa tiện ích, dễ sử dụng, vừa giúp người tiêu dùng yên tâm hơn trong việc chọn mua thực phẩm an toàn”. Bên cạnh đó, việc phát hiện, kiểm tra hàng thật - giả cũng ngày càng trở nên dễ dàng và uy tín hơn nhờ những chiếc tem thông minh áp dụng công nghệ mã vạch QR. Khi người tiêu dùng sử dụng smart phone có cài phần mềm quét vào tem này thì thông tin về sản phẩm sẽ xuất hiện. Ngoài ra, một số loại tem thấm nước công nghệ cao cũng được một số doanh nghiệp áp dụng.

Ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Công thương, nhận định những giải pháp công nghệ cao như thế này thường rất khó để làm tem giả, góp phần đảm bảo chất lượng, uy tín cho sản phẩm. Các loại tem công nghệ cao không chỉ giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc tiện dụng mà còn hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quản lý các kênh bán hàng, hệ thống lưu thông hàng hóa một cách khoa học, cũng như góp phần giúp cơ quan quản lý nhà nước, các đội quản lý thị trường dễ dàng quản lý, nắm bắt nguồn gốc sản phẩm, phát hiện hàng giả.

* Nhân rộng mô hình

Sắp tới, Đồng Nai sẽ triển khai đề án truy xuất nguồn gốc thực phẩm theo hướng hiện đại, áp dụng công nghệ cao. Theo đó, đề án có tính liên kết cao, gắn liền với việc quản lý đàn gia súc, gia cầm Đồng Nai và đề án xây dựng vùng chăn nuôi an toàn cho nông nghiệp chất lượng cao trong tương lai, hướng tới ứng dụng chuẩn nhận diện toàn cầu hướng đến xuất khẩu các sản phẩm về chăn nuôi, nông nghiệp...

TS. Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh, đánh giá Đồng Nai có nhiều thuận lợi để thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với thịt heo, gà và trứng sạch do địa phương vừa sản xuất, vừa tiêu thụ các sản phẩm. Nhiều trang trại, cơ sở giết mổ tại Đồng Nai cũng đã đáp ứng các yêu cầu phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc, xây dựng vùng chăn nuôi an toàn. Nhiều siêu thị trên địa bàn tỉnh hiện đã bán thịt heo có truy xuất nguồn gốc.

Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng  Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai (thuộc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn), cho biết việc tiến hành truy xuất nguồn thực phẩm nói chung và thực phẩm có nguồn gốc động vật nói riêng là vô cùng cần thiết. Đây là giải pháp thúc đẩy người chăn nuôi, cơ sở giết mổ thực hiện nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi, giết mổ sạch, đảm bảo các tiêu chuẩn, chất lượng để hướng tới sản xuất chăn nuôi hiện đại, phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, cũng như hướng tới xuất khẩu trong tương lai. Điều này phù hợp với xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0 và có nhiều điều kiện về công nghệ, kỹ thuật cao để thực hiện.

Cũng theo ông Quang, hiện TP.Hồ Chí Minh đang phối hợp cùng với Đồng Nai để tiếp tục tiến hành giai đoạn 2 của dự án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, gà vào TP.Hồ Chí Minh.

Hải Quân

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,999,678       1/1,803