Kinh tế

Thị trường hồ tiêu kém lạc quan

Nông dân trồng tiêu đang đối mặt với vụ thu hoạch thua lỗ nặng vì hồ tiêu mất mùa, rớt giá. Một số nông dân cũng điêu đứng vì chọn cách trữ tiêu vào vụ thu hoạch chờ tiêu tăng giá, nhưng càng trữ giá càng giảm sâu.

Ông Đinh Ngọc Châu, nông dân xã Bàu Hàm (huyện Trảng Bom) lo lắng vì tiêu mất mùa, rớt giá.
Ông Đinh Ngọc Châu, nông dân xã Bàu Hàm (huyện Trảng Bom) lo lắng vì tiêu mất mùa, rớt giá.

* Mất mùa, giá giảm sâu

Ông Đinh Ngọc Châu, nông dân xã Bàu Hàm (huyện Trảng Bom), than thở: “Đầu mùa giá tiêu được gần 70 ngàn đồng/kg, tôi thấy giá thấp không bán, để đến nay thì giá giảm tiếp còn có 62 ngàn đồng/kg. Năm nay vườn tiêu của gia đình tôi mất mùa, năng suất chưa bằng một nửa so với mọi năm. Tiêu bị lép nhiều nên càng tốn công thu hoạch, hái cả ngày chỉ đạt khoảng 6kg tiêu khô thì đã mất 3kg trả công thu hoạch, còn lại không thể bù cho chi phí đầu tư. Giá tiêu quá thấp nên những nhà vườn tiêu kém phát triển hay gặp sâu bệnh nhiều, nông dân đều chặt bỏ cây tiêu chuyển qua cây trồng khác”.

Là nông dân trồng tiêu kỳ cựu nên tuy thời tiết bất thường nhưng vườn tiêu của ông Hoàng Văn Lập (xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) vẫn ổn định về năng suất. Nhưng gia đình ông cũng đang điêu đứng vì vụ thu hoạch trước ông trữ tiêu chờ tăng giá. Ông Lập cho biết: “Nông dân trồng tiêu đang bị lỗ kép, vì càng trữ giá tiêu càng giảm. Hiện nay mỗi tấn tiêu bán ra, nông dân lỗ hàng trăm triệu đồng so với vụ năm ngoái. Bên cạnh đó, người trồng tiêu vừa phải gánh thêm lãi suất ngân hàng trong trường hợp phải vay vốn đầu tư thay cho tiền bán tiêu”.

Nông dân trồng tiêu hiện như đang “ngồi trên lửa” vì mới vào vụ thu hoạch, giá tiêu đã liên tục lao dốc. Dự báo, hồ tiêu khó nhích giá vì nguồn tiêu tồn trong dân còn nhiều và sản lượng đang tiếp tục tăng lên nhanh chóng khi rộ vụ thu hoạch.

* Khó khởi sắc

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, thị trường hồ tiêu đang đối mặt với 1 năm đầy khó khăn. Dù giá tiêu giảm sâu nhưng khó tăng về sản lượng xuất khẩu vì tiêu Việt Nam đang mất lợi thế cạnh tranh về giá trên thị trường thế giới. Ông Trần Văn Tánh, Phó giám đốc Hợp tác xã hồ tiêu Lâm San (huyện Cẩm Mỹ), cho  biết: “Từ đầu năm đến nay, tình hình xuất khẩu chậm hơn vì khó cạnh tranh về giá với tiêu Brasil. Dự đoán, thị trường xuất khẩu tiêu năm nay sẽ khó khăn hơn do nguồn cung vẫn vượt cầu”.

Chỉ rõ khó khăn của thị trường xuất khẩu tiêu, ông Nguyễn Văn Lâm, đại diện Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam (tỉnh Bình Dương), so sánh: “Không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đang tăng trưởng nóng về sản lượng hồ tiêu. Tôi chỉ lấy ví dụ như năm 2017 Brasil chỉ xuất khẩu trên 30 ngàn tấn thì năm nay dự đoán sẽ tăng gấp đôi. Giá tiêu Brasil hiện rẻ hơn so với Việt Nam vì có nhiều lợi thế cạnh tranh về giá do chi phí đầu tư rẻ hơn hẳn so với Việt Nam”.

Thời điểm này dù giá tiêu giảm thấp ở mức kỷ lục, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn chưa mấy mặn mà thu mua tiêu ngoài thị trường, vì Việt Nam đang mất lợi thế cạnh tranh về giá trên thị trường thế giới. Mặt khác, hiện nay hàng rào kỹ thuật như: dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng sản phẩm... của các nước nhập khẩu ngày càng đòi hỏi cao nên hồ tiêu Việt Nam càng khó cạnh tranh.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,988,538       5/869