Kinh tế

Dự án nút giao Dầu Giây: Nguy cơ "vỡ" tiến độ

Dự án nút giao Dầu Giây (khu vực ngã tư Dầu Giây, huyện Thống Nhất) khởi công được 1 năm và dự kiến hoàn thành vào tháng 10 năm nay. Tuy nhiên, đến nay khối lượng công việc còn khá nhiều do chưa giải phóng xong mặt bằng. Chủ đầu tư dự án hiện như "ngồi trên lửa" vì dự án liên quan đến vốn vay nước ngoài.

Dự án nút giao Dầu Giây (khu vực ngã tư Dầu Giây, huyện Thống Nhất) khởi công được 1 năm và dự kiến hoàn thành vào tháng 10 năm nay. Tuy nhiên, đến nay khối lượng công việc còn khá nhiều do chưa giải phóng xong mặt bằng. Chủ đầu tư dự án hiện như “ngồi trên lửa” vì dự án liên quan đến vốn vay nước ngoài.

Thi công cầu vượt qua ngã tư Dầu Giây.
Thi công cầu vượt qua ngã tư Dầu Giây.

Đây là nút giao khá phức tạp trong giao thông, bởi là nơi giao cắt giữa quốc lộ 1 và quốc lộ 20 có lượng xe qua lại hàng ngày rất lớn.

* Hết chỗ để thi công

Dự án nút giao Dầu Giây gồm: cầu vượt nút giao Dầu Giây có chiều dài 346m, chiều rộng là 16m cho 4 làn xe cơ giới lưu thông với tốc độ đảm bảo đạt 60 km/giờ; đoạn mở rộng tuyến quốc lộ 20 từ nút giao đến cầu Gia Đức (1,7km) có phần đường được mở rộng hơn 20m cho 6 làn xe (4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ). Tổng kinh phí xây dựng núi giao Dầu Giây và phần mở rộng trên quốc lộ 20 là gần 300 tỷ đồng, được lấy từ phần dư của dự án nâng cấp mặt đường quốc lộ 20.

Ông Nguyễn Khắc Hảo, Phó giám đốc Công ty cổ phần BT20 - Cửu Long (chủ đầu tư dự án), cho biết theo tiến độ cam kết với Bộ Giao thông - vận tải, công tác giải phóng mặt bằng do địa phương thực hiện và phải xong trước ngày 31-1-2018. Tuy nhiên, đến nay công trình vẫn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Cụ thể, toàn bộ phạm vi từ nút giao trên quốc lộ 1 về hướng TP.Biên Hòa, các hộ dân 2 bên đường chưa thực hiện xong giải phóng mặt bằng. Dù khởi công từ đầu năm 2017, nhưng đơn vị thi công chủ yếu là tập trung sản xuất dầm, cọc và mở rộng nền đường trên quốc lộ 20 đoạn từ cầu Gia Đức đến nút giao có chiều dài khoảng 1,7km, dự kiến hoàn thành trước ngày 10-2.

Về phần cầu vượt qua nút giao trên quốc lộ 1, đến cuối năm 2017 đơn vị thi công mới tiến hành triển khai thi công đường dẫn và mố M1, các trụ T1, T2. Do thiếu mặt bằng nên đơn vị thi công chưa thể triển khai công tác mở rộng nền đường trên quốc lộ 1 và thi công các hạng mục là các trụ T3, T4, T5, T6, T7, T8, T9, mố M2, đường dẫn phía mố M2 và mở rộng nhánh rẽ từ quốc lộ 20 sang quốc lộ 1 (hướng về TP.Biên Hòa). “Trong trường hợp tiến độ giải phóng mặt bằng thi công chậm, nhiều khả năng đến tháng 3-2018 nhà thầu không còn mặt bằng để thi công” - ông Hảo nói.

* Chậm xác định mặt bằng

Phó giám đốc Sở Giao thông - vận tải Dương Văn Đông cho hay, việc chậm bàn giao mặt bằng dự án cho đơn vị thi công là do chồng lấn bản đồ, không xác định được phần đất của người dân 2 bên đường trước đây đã được đền bù hay chưa. Vì liên quan đến quốc lộ nên mọi hồ sơ do cơ quan của Bộ Giao thông - vận tải quản lý.

Thi công cầu vượt qua ngã tư Dầu Giây (DG2 – T. Thụ)
Thi công cầu vượt qua ngã tư Dầu Giây (DG2 – T. Thụ)

Ông Đặng Văn Dũng, Trưởng phòng Dự án 1 Ban Quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông - vận tải), lý giải trước đây khi mở rộng quốc lộ 1, cơ quan chuyên môn của Bộ Giao thông - vận tải lại không lưu trữ kỹ hồ sơ nên nay không lục lại được để có căn cứ pháp lý đền bù cho dân. Mới đây, bộ đã thống nhất sử dụng hồ sơ hoàn công của Tổng công ty 319 (thuộc Bộ Quốc phòng, thực hiện nâng cấp mặt đường quốc lộ 1) để làm cơ sở pháp lý. Hiện tại các cơ quan chuyên môn của huyện Thống Nhất và Sở Tài nguyên - môi trường đang lập hồ sơ đền bù cho dân.

Theo chủ đầu tư dự án, việc giải phóng mặt bằng chậm tháng nào là dự án bị chậm thêm tháng đó. Bởi đây là dự án nằm trên giao lộ 2 quốc lộ có lượng xe lưu thông lớn, không thể thi công cùng một lúc mà phải thực hiện theo hình thức cuốn chiếu. Ông Hảo chia sẻ: “Chúng tôi cam kết với Bộ Giao thông - vận tải sẽ hoàn thành dự án trước ngày 31-10-2018. Hiện đơn vị đang tranh thủ mùa khô để đẩy nhanh tiến độ, tuy nhiên đến nay mặt bằng chưa giải phóng xong, xem ra việc thực hiện đúng tiến độ là rất khó khăn”.

Khắc Giới

Đồng Nai

© 2021 FAP
  2,299,152       3/709