Những ngày gần đây, người trồng mía tại các nông trường 1, 2 và 3 của Công ty cổ phần mía đường La Ngà (huyện Định Quán) đang khốn đốn trước vụ thu hoạch mía đầy khó khăn.
Ông Võ Văn Hồng (xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) bên ruộng mía đã khô quắt vì bị phơi nắng. |
Ngoài giá mía giảm, người trồng mía tại các khu vực trên cho rằng nông dân đang “bị ép” vì phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp thu mua.
* Mía khô héo trên cánh đồng
Theo phản ảnh của người trồng mía, do doanh nghiệp chậm thu mua nên nhiều cánh đồng mía bị héo khô. Bên cạnh đó, công ty không giữ đúng cam kết với nông dân từ việc tổ chức thu mua mía đến thanh toán tiền; thiếu rõ ràng trong đánh giá chữ đường (Commercial Cane Sugar, viết tắt là CCS - độ đường có trong cây mía).
Phóng viên Báo Đồng Nai đã liên hệ với Công ty cổ phần mía đường La Ngà xin được làm việc về những vấn đề người trồng mía phản ảnh, nhưng doanh nghiệp từ chối trả lời. Trong khi đó, đại diện UBND huyện Định Quán cho biết nông dân đã nhiều lần kiến nghị về tình trạng Công ty cổ phần mía đường La Ngà không thực hiện đúng cam kết trong thu mua mía, cách tính chữ đường chưa phù hợp... Đầu tháng 1-2018, UBND huyện Định Quán đã mời lãnh đạo công ty làm việc để bàn giải pháp giải quyết cho người dân. Phía doanh nghiệp đồng ý sẽ tổ chức đối thoại với người trồng mía, nhưng đến nay vẫn im hơi lặng tiếng. |
Ông Nguyễn Văn Lập, nông dân trồng mía của Nông trường số 2 (xã Phú Ngọc), than: “Gia đình tôi có hơn 2 hécta mía đến kỳ thu hoạch, nhưng chỉ có 8 sào khi bị khô cháy mới được phía công ty cho chặt trước và phải đợi đến 5 ngày sau mới có xe chở. Mía khô nên chữ đường chỉ còn 4,7-5 CCS. Còn rẫy mía của em trai tôi công ty cho chặt rồi… “phơi khô” trên đồng, chờ mãi chẳng thấy xe đến chở. Nếu tình hình này kéo dài thì vụ mía năm nay anh em tôi cầm chắc thua lỗ”.
Ông Võ Văn Hồng, người có 6 hécta mía cũng thuộc Nông trường số 2 đang chờ thu hoạch, bức xúc: “Mùa thu hoạch năm trước xe chở mía tấp nập qua lại cánh đồng, thì nay chỉ lác đác vài chuyến. Thu hoạch chậm nên cánh đồng mía cứ khô quắt vì nắng gắt. Đáng kể là nhiều cánh đồng mía công ty cho chặt nhưng cứ chất đống vì không có xe đến đem đi. Lỗi là do cách tổ chức thu mua của doanh nghiệp, nhưng thiệt thòi hoàn toàn thuộc về người trồng mía”.
* Người trồng mía bị phụ thuộc
Theo đông đảo người trồng mía, do người dân làm hợp đồng thuê đất trồng với Công ty cổ phần mía đường La Ngà nên nông dân không thể bán cho nơi khác.
Mọi hoạt động thu hoạch, vận chuyển đều phụ thuộc vào kế hoạch do công ty đưa ra nên việc chậm chễ trong thu mua, chuyên chở nhà máy quyết định. Khi mía đưa về nơi sản xuất tính chữ đường, doanh nghiệp không thể hiện tính minh bạch mà đẩy cái khó về phía người trồng. Việc thanh toán tiền bán mía chậm, người dân cũng không biết kêu ai.
Chỉ vào cột tính mức chữ đường chỉ đạt từ 4-5 CCS, bà Nguyễn Thị Mận, nông dân trồng mía tại Nông trường số 3, phàn nàn: “7,5 hécta mía của tôi được chọn làm mô hình điểm vì năng suất tốt, nhưng nay trừ chi phí tôi lỗ hàng chục triệu đồng. Nguyên do vì mía bị phơi nắng nên chữ đường giảm nhiều”.
Bình Nguyên