Kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 40 tỷ USD là nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề ra tại hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch năm 2018 của ngành nông nghiệp vừa diễn ra.
Hợp tác xã xoài Suối Lớn (huyện Xuân Lộc) tham gia hội chợ nông sản sạch do huyện Xuân Lộc tổ chức vào tháng 7-2017. |
Để đạt mục tiêu trên, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải tổ chức nguồn hàng đạt an toàn, đạt chất lượng và sản lượng để không chỉ đáp ứng thị trường xuất khẩu mà còn giữ được thị trường nội địa trước cơn sóng hàng ngoại.
* Tiềm năng lớn
Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, năm 2017 Chính phủ đã bãi bỏ 50% thủ tục hành chính, nhất là thủ tục, hồ sơ trong lĩnh vực xuất khẩu. Trung ương sẽ có hàng loạt các chính sách cởi mở hơn về tín dụng, khuyến khích, thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Tuy nhiên, để chính sách đi vào thực tế có vai trò rất lớn từ các địa phương trong tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, xuất khẩu nông sản. |
Đồng Nai có nhiều lợi thế để nắm bắt cơ hội về xuất khẩu nông sản, nhất là những nhóm mặt hàng đầy tiềm năng. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Đồng Nai có sản lượng lớn những nhóm mặt hàng nông sản đứng tốp đầu xuất khẩu, như: cao su, điều, cà phê...
Cụ thể, sản lượng cao su của Đồng Nai đạt gần 41,5 ngàn tấn, hạt điều đạt gần 25,7 ngàn tấn, tiêu đạt gần 27, 5 ngàn tấn, cà phê đạt gần 7,9 ngàn tấn. Đồng Nai cũng có sản lượng lớn với một số mặt hàng trái cây xuất khẩu mạnh, như: chuối đạt gần 103 ngàn tấn, xoài trên 74 ngàn tấn, bưởi trên 31 ngàn tấn...
Theo đánh giá của Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, Đồng Nai có lợi thế rất lớn về sản lượng nhiều loại nông sản xuất khẩu, trong đó có mặt hàng trái cây. Nhưng kết quả đạt được còn rất nhỏ bé so với tiềm lực nông nghiệp của tỉnh. Đồng Nai sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình liên kết sản xuất an toàn theo chuẩn thị trường xuất khẩu.
* Cần liên kết vùng
Bà Trần Thị Kim Nhung, Giám đốc Công ty TNHH Kim Đồng Thuận (huyện Tân Phú), chia sẻ: “Để đủ nguồn chuối cung cấp cho các đơn hàng xuất khẩu đi Nga, chúng tôi phải thu gom chuối tại nhiều tỉnh, thành khác nhau.
Với nhiều mặt hàng đang là thế mạnh xuất khẩu khác của doanh nghiệp như gạo, rau quả, chúng tôi không chỉ đầu tư các dự án cánh đồng lớn cho cây lúa tại huyện Tân Phú mà còn mở rộng liên kết đầu tư tại một số tỉnh miền Tây. Chúng tôi không chỉ đầu tư, liên kết với nông dân mà còn hợp tác với các doanh nghiệp tại nhiều tỉnh, thành khác nhau”.
Mới đây, tại hội nghị trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (tỉnh Ninh Bình), doanh nghiệp đi đầu trong xuất khẩu nông sản, dẫn chứng về thế mạnh xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam.
Cụ thể, Việt Nam đang đứng đầu thế giới về sản lượng thanh long, đứng thứ 3 thế giới về chanh dây, chuối đứng thứ 13 thế giới. Cả nước có những vùng cam, quýt, vùng vải quy mô lớn, nhiều tỉnh miền Nam cũng đã hình thành những vùng cây ăn trái rất lớn.
“Việt Nam lại có lợi thế về thời tiết là có thể sản xuất, xuất khẩu quanh năm nhiều loại rau, quả. Ở đây cần mở rộng liên kết vùng để đáp ứng vùng nguyên liệu cho thị trường xuất khẩu. Đồng thời đảm bảo về nguồn nguyên liệu thì mới khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư nhà máy chế biến nông sản” - ông Khuê nói.
Bình Nguyên