Kinh tế

Cao su chưa hết khó

Năm 2017, giá mủ cao su đã "ấm" trở lại, đây là điều kiện để ngành này có điều kiện phát triển trở lại. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành cao su dự báo trong năm 2018 giá mủ cao su sẽ không có nhiều biến động.

Năm 2017, giá mủ cao su đã “ấm” trở lại, đây là điều kiện để ngành này có điều kiện phát triển trở lại. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành cao su dự báo trong năm 2018 giá mủ cao su sẽ không có nhiều biến động.

Khai thác mủ cao su tại Nông trường Bình Sơn (huyện Long Thành).
Khai thác mủ cao su tại Nông trường Bình Sơn (huyện Long Thành).

Tổng công ty cao su Đồng Nai vừa có một năm khá thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn còn nhiều trăn trở.

* Cán đích sớm

Tổng giám đốc Tổng công ty cao su Đồng Nai Đỗ Minh Tuấn cho biết năm 2017 giá mủ cao su có tăng tốt nhưng tổng công ty lại gặp khó khăn về nguồn lao động. Đơn cử, chỉ riêng lao động khai thác mủ ngay từ đầu năm số lượng công nhân đã giảm gần 600 người, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động khai thác. “Đứng trước thực trạng này, chúng tôi phải tổ chức thống kê lại và điều chuyển lao động để đáp ứng kịp cho khai thác. Ngoài ra, phải ứng dụng cơ giới mạnh ưu tiên cho những nông trường thiếu hụt lao động” - ông Tuấn nói.

Vượt qua những khó khăn đó, Tổng công ty cao su Đồng Nai năm 2017 đã hoàn thành kế hoạch được Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam giao trước 17 ngày. Cụ thể, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam giao cho Tổng công ty cao su Đồng Nai khai thác 24.200 tấn mủ, sản lượng mủ thực tế khai thác cả năm đã lên đến 26.350 tấn, vượt 2.150 tấn so với sản lượng được giao; sản lượng mủ mua gom từ cao su tiểu điền lên đến 7.500 tấn, vượt 1 ngàn tấn; chế biến 33.600 tấn, vượt hơn 11% so với kế hoạch; sản lượng tiêu thụ đạt 31 ngàn tấn với giá bán bình quân 39.600 ngàn đồng/tấn. Tổng doanh thu trên 1.700 tỷ đồng, vượt 11,7% kế hoạch năm, lợi nhuận trước thuế đạt 573 tỷ đồng, vượt 30% so với kế hoạch.

Các chỉ tiêu của năm đạt khá tốt và thu nhập của công nhân tổng công ty cũng đã được cải thiện, thu nhập bình quân đạt 9,3 triệu đồng/người/tháng.

* Còn trở ngại

Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam đã xây dựng kịch bản giá cho năm 2018 để các công ty cao su có kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Tiến Đức, Phó tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, cho biết tập đoàn đã đưa ra kịch bản giá bán mủ cao su năm 2018 xoay quanh ở mức 36 triệu đồng/tấn.

Cán bộ kỹ thuật kiểm tra đường cạo mủ của công nhân tại Nông trường Cẩm Đường (huyện Cẩm Mỹ).
Cán bộ kỹ thuật kiểm tra đường cạo mủ của công nhân tại Nông trường Cẩm Đường (huyện Cẩm Mỹ).

Như vậy, để đảm bảo có lãi từ 5-6 triệu đồng/tấn mủ thì giá thành sẽ dao động ở mức 30-31 triệu đồng/tấn mủ. Về giá mủ cao su, dự báo sẽ không có thay đổi nhiều so với kịch bản giá của năm 2017 mà Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam đưa ra. Theo lãnh đạo tập đoàn, giá cao su năm nay được nhận định sẽ không có thay đổi nhiều, vì vậy các công ty cao su cần tập trung để giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.

Tổng giám đốc Tổng công ty cao su Đồng Nai Đỗ Minh Tuấn cho biết, khó khăn lớn nhất của đơn vị vẫn là thiếu hụt nguồn lao động và năng suất vườn cây chưa cao. Để giải quyết nguồn lao động, trong năm 2018 tổng công ty đã đưa ra kế hoạch tuyển dụng công nhân từ các tỉnh miền Tây. Bởi nếu chỉ trông vào tuyển dụng lao động tại địa phương là rất khó vì Đồng Nai là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, thu hút lượng lao động rất lớn.

Đối với năng suất vườn cây, ông Tuấn cũng cho rằng còn phải cải thiện nhiều. Năng suất hiện tại mới chỉ ở mức hơn 1,6 tấn/hécta, trong khi đó yêu cầu năng suất cần đạt mức 1,8 tấn/hécta. Về nguyên nhân năng suất mủ trung bình vườn cây của tổng công ty chưa được như mong muốn, ông Tuấn lý giải: “Suốt mấy năm liên tiếp giá mủ cao su thấp nên chi phí chăm sóc vườn cây giảm đã ảnh hưởng đến năng suất. Bên cạnh đó, có khoảng 2 ngàn hécta diện tích cao su thuộc diện đất xấu, chỉ riêng Nông trường Ông Quế có gần 1 ngàn hécta. Hiện tại tổng công ty đang đưa ra hướng xử lý”.

Khắc Giới

Đồng Nai

© 2021 FAP
  2,308,857       14/878