Kinh tế

Truyền thông cho hàng Việt cần đi vào chiều sâu

(ĐN)- Đó là một trong những nội dung chỉ đạo của Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư tại hội nghị tổng kết Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" năm 2017 diễn ra ngày 29-12,...

(ĐN)- Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2017 do Ban chỉ đạo 264 tổ chức ngày 29-12, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư đánh giá cao sự phối hợp để cả hệ thống chính trị vào cuộc vận động cho hàng Việt.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Đồng chí Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu phải vận dụng, khai thác tốt nguồn lực xã hội hóa cho cuộc vận động này, đồng thời đánh giá sâu hơn trách nhiệm của nhà sản xuất để hàng Việt cạnh tranh được cả bằng chất lượng, lẫn giá cả và mẫu mã…

Đồng chí cũng nhất trí với mục tiêu do Ban chỉ đạo 264 đề ra, đó là: tích cực, chủ động thúc đẩy cả sản xuất và thị trường cho hàng Việt. Tuy nhiên, đồng chí lưu ý cần phải quan tâm đến công tác tuyên truyền cả về bề rộng, lẫn chiều sâu, nhất là trong khối đoàn thể, vì đông đảo các hội viên, đoàn viên thanh niên, phụ nữ, nông dân... cũng chính là người tiêu dùng.

Đồng chí gợi ý, trong điều kiện hội nhập, nên chăng cần mở rộng thêm khẩu hiệu hiện nay và cả cách tiếp cận người tiêu dùng. Vì, chúng ta không chỉ vận động người Việt, mà còn vận động ngay cả Việt kiều và người nước ngoài dùng hàng Việt.

Quang cảnh phiên chợ hàng Việt tại
Quang cảnh Phiên chợ hàng Việt được tổ chức tại Trung tâm thể dục - thể thao huyện Trảng Bom (ảnh tư liệu)

Theo Ban Chỉ đạo 264, trong năm 2017, toàn tỉnh đã tổ chức 131 chuyến bán hàng lưu động về vùng sâu, vùng xa; 27 phiên chợ hàng Việt về nông thôn, về các khu công nghiệp và phiên chợ công nhân. Ngoài ra, các chương trình “Tuần hàng Việt Nam”, Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao,...thu hút đông đảo người tiêu dùng tham gia.

Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, trong thời gian tới, Chương trình hàng Việt cần vận động doanh nghiệp nhận thức sản xuất hàng hóa cho thị trường nội địa cũng cần được quan tâm, chú trọng như làm hàng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, như: giới thiệu sản phẩm, doanh nghiệp trên báo, đài; hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng vào siêu thị; tập trung cho công tác quản lý, xử lý hàng lậu, hàng gian, hàng giả, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho hàng Việt…

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,016,816       2/1,018