Kinh tế

Bài cuối: Đổ nợ vì đất Nông nghiệp

Không chỉ đất nền dự án được mua bán rầm rộ mà ngay cả đất nông nghiệp ở khu vực Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu và Biên Hòa cũng lên cơn "sốt" giá tăng cao ngất ngưởng. Có những nơi giá đất nông nghiệp lên gấp 2-3 lần.

TIN LIÊN QUAN
Không chỉ đất nền dự án được mua bán rầm rộ mà ngay cả đất nông nghiệp ở khu vực Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu và Biên Hòa cũng lên cơn “sốt” giá tăng cao ngất ngưởng. Có những nơi giá đất nông nghiệp lên gấp 2-3 lần.

Đất được treo biển rao bán khắp nơi trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Rao bán đất nông nghiệp ở huyện Trảng Bom.
Đất được treo biển rao bán khắp nơi trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Rao bán đất nông nghiệp ở huyện Trảng Bom.

Không ít người dân đã đổ tiền mua đất nông nghiệp để đầu tư mong kiếm lời. Do đó, giá đất nông nghiệp ở những vùng trên đã bị đẩy tăng gấp 2-3 lần so với giữa năm 2016. Việc này gây bất ổn cho địa phương trong công tác quản lý vì khi triển khai các dự án sẽ gặp khó khăn trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất.

* Đất bị thổi giá sau dự án

Theo ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, hiện nay quy hoạch phát triển đô thị khu vực xung quanh Cảng hàng không quốc tế Long Thành chưa có. Do đó, việc mua bán đất đai không đầy đủ thủ tục theo quy định hoặc mua đất nông nghiệp giá cao đầu tư sẽ rất rủi ro. Với những người có nhu cầu thực về đất ở nên liên hệ với văn phòng đăng ký đất đai để nắm rõ thông tin về thửa đất trước khi giao dịch, tránh qua “cò lái” dễ bị lừa.

Sau khi cầu An Hảo khánh thành đi vào khai thác, đất nông nghiệp khu vực xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) tăng “chóng mặt”. Đầu năm 2016, giá đất từ 1-1,4 tỷ đồng/sào (1 ngàn m2) thì hiện đã lên đến 3-4 tỷ đồng/sào. Tương tự, đất nông nghiệp ở khu vực các xã: Tân Hạnh, Tam Phước, Phước Tân (TP.Biên Hòa) cũng tăng cao ngất ngưởng.

Dù tỉnh đã tạm ngưng việc cho tách thửa thành nhiều lô để bán, nhưng có những nhà đầu cơ vẫn sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua đi bán lại đất nông nghiệp kiếm lời.

Các khu vực khác như các xã: Tân Bình, Thạnh Phú, Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu) giá đất nông nghiệp cũng bị thổi lên 1-1,8 tỷ đồng/sào tùy vào từng vị trí, cao gấp hơn 2 lần so với đầu năm 2016. Tại các huyện Long Thành, Trảng Bom, Cẩm Mỹ (khu vực gần Cảng hàng không quốc tế Long Thành) giá đất cũng đẩy tăng gấp hơn 2 lần so với những năm trước.

Ông Nguyễn Bá Tính (xã Lộc An, huyện Long Thành) cho hay: “Tôi có 2 hécta đất nông nghiệp đang trồng cây ăn trái. Trước đây, một số “cò” đất vào hỏi mua với giá hơn 1 tỷ đồng/hécta nhưng tôi không bán, gần đây họ lại vào hỏi mua và trả gần 4 tỷ đồng/hécta”.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, phần lớn người mua đất chủ yếu nhằm đầu cơ đợi giá tăng tiếp tục bán ra kiếm lời. Đặc biệt, đất nông nghiệp ở những nơi gần đường, đông dân cư có giá khá cao, vì chủ đất hy vọng có thể phân lô bán nền lợi nhuận sẽ rất lớn.

Ông Trần Văn Đại (xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) nói: “Giá đất thổ cư nơi đây hiện là 500-700 triệu đồng/nền (khoảng 100m2) nên những người có nhu cầu về nhà ở thật sự ít có đủ khả năng để mua. Trong khi đó đất nông nghiệp tự phân lô bán giấy tay giá chỉ 150-200 triệu đồng/nền. Vì thế, nhiều công nhân vì bức thiết về nhà ở đã liều mua để xây dựng nhà để sinh sống”.

Đây chính là kẽ hở khiến cho việc phân lô, bán nền đất nông nghiệp vẫn xảy ra ở những khu vực đông dân.

* Rủi ro rất lớn

Mua đất nông nghiệp với giá cao để đầu cơ hoặc để ở mức độ rủi ro rất cao. Nếu xảy ra quy hoạch làm các công trình nhà nước thu hồi đất tiền bồi thường theo giá quy định tại TP.Biên Hòa cao nhất khoảng 1,5 triệu đồng/m2, tương đương 1,5 tỷ đồng/sào. 

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai, vay vốn trên lĩnh vực bất động sản tăng khá cao trên 25% so với cuối năm. Đây là lĩnh vực vay không ưu tiên khuyến khích nên các ngân hàng kiểm soát rất kỹ.

Ông Nguyễn Tấn Tài, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất chi nhánh Biên Hòa, nhấn mạnh người dân không nên mua đầu cơ đất nông nghiệp khu vực xã Hiệp Hòa và những khu vực khác trong thành phố vì hiện nay chính quyền các địa phương quản lý rất chặt. Việc phân lô bán nền đất nông nghiệp nếu bị phát hiện sẽ xử lý rất nghiêm, người ham rẻ mua để làm nhà cũng không được vì UBND các xã, phường siết chặt không cho xây dựng trái phép.

“Đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi làm dự án cộng cả tiền bồi thường lẫn hỗ trợ cao nhất chỉ 1,5 tỷ đồng/sào, thấp nhất 350 triệu đồng/sào. Như vậy bỏ ra 3-5 tỷ đồng mua 1 sào đất nông nghiệp để mong kiếm lời sẽ ôm rủi ro lớn” - ông Tài nói.

Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Lê Hữu Đảng cho biết: “Huyện đã ra chỉ thị cấm phân lô bán nền đất nông nghiệp, nếu vi phạm sẽ xử lý nghiêm. Trường hợp mua bán đất nền nông nghiệp giấy tay nếu phát hiện sẽ xử phạt hành chính, còn làm nhà trên đất nông nghiệp, nếu vi phạm sẽ buộc tháo gỡ trả lại hiện trạng ban đầu. Để quản lý chặt đất đai, huyện thường xuyên đi kiểm tra các xã, nếu phát hiện sẽ xử lý”.

Ông Đảng cũng khuyến cáo người dân, đất nông nghiệp trên địa bàn huyện đền bù cao nhất 500 triệu đồng/sào nên bỏ ra mua 1-2 tỷ đồng/sào “chờ thời” mà không biết rõ quy hoạch rất dễ thiệt thòi khi triển khai các dự án. Tại huyện Long Thành, giá bồi thường đất nông nghiệp từ trước đến nay cao nhất khoảng 500 triệu đồng/sào.

Hiện nay, khu vực xung quanh dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành chưa có quy hoạch cụ thể nên việc mua bán đất nông nghiệp đầu cơ là rất nguy hiểm. Vì khi có quy hoạch đầy đủ, đất đầu cơ nếu rơi vào các dự án làm hạ tầng, công trình công cộng... sẽ khó chuyển nhượng, còn đợi bồi thường thì người đầu cơ sẽ mất khoản tiền lớn.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,021,976       10/1,267