Kinh tế

Khó nhân rộng chuỗi thực phẩm an toàn

Để tìm đầu ra bền vững cho nông sản, thời gian qua, tỉnh đã tích cực tham gia các chương trình, đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo, gà và tổ chức kết nối thị trường cho các chuỗi cung ứng thịt, trái cây, rau củ an toàn...

Thời gian qua, Đồng Nai đã phải tổ chức hàng loạt các cuộc “giải cứu” heo, chuối và nhiều loại nông sản khác. Tìm lời giải bài toán đầu ra bền vững cho nông sản, tỉnh đã tích cực tham gia các chương trình, đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo, gà của TP.Hồ Chí Minh và tổ chức kết nối thị trường cho các chuỗi cung ứng thịt, trái cây, rau củ an toàn...

Công ty TNHH một thành viên thực phẩm Ánh Nhi (huyện Trảng Bom) tham gia kết nối đưa nông sản vào chợ đầu mối Dầu Giây.
Công ty TNHH một thành viên thực phẩm Ánh Nhi (huyện Trảng Bom) tham gia kết nối đưa nông sản vào chợ đầu mối Dầu Giây.

Tuy nhiên, nông dân vẫn chưa mặn mà tham gia sản xuất an toàn, trong đó nút thắt vẫn là thị trường cho thực phẩm sạch còn khá hạn hẹp. Nguyên nhân chính là sản xuất sạch vẫn manh mún, mạnh ai nấy làm, thiếu sự kết nối, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ.

* Sản xuất sạch còn nhỏ, lẻ

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nhấn mạnh, thị trường đã chứng minh sau những đợt khủng hoảng, đơn vị nào xây dựng tốt chuỗi an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ đều tồn tại và phát triển. Tuy Đồng Nai đã nhân rộng và xây dựng được các chuỗi thực phẩm an toàn cả ở lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt, nhưng kết quả đạt được còn rất nhỏ so với tiềm lực nông nghiệp của tỉnh. Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình liên kết sản xuất, tiêu thụ, trong đó tiêu chí an toàn sẽ được đặt lên hàng đầu.

Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Đồng Nai đang tập trung xây dựng các chuỗi cung cấp nông, lâm, thủy sản an toàn. Cụ thể, về chăn nuôi toàn tỉnh đã có 79/2.410 trang trại chăn nuôi heo, bò, gà đạt chứng nhận VietGAP. Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) đã xây dựng được 3 vùng GAHP (vùng quy trình thực hành chăn nuôi tốt) có 66 tổ, nhóm GAHP với 1.280 hộ tham gia. Đến nay có 29 tổ hợp tác với 483 hộ thành viên đã được chứng nhận VietGAHP, toàn tỉnh đã có 90/127 cơ sở giết mổ được kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên nhìn chung sản xuất sạch vẫn khá manh mún, nhỏ lẻ. Đến nay toàn tỉnh chỉ có 9 chuỗi kiểm soát an toàn thực phẩm, gồm: 6 chuỗi kiểm soát an toàn thực phẩm với trứng gà, thịt gà và 3 chuỗi an toàn thịt heo tươi và sản phẩm thịt heo. Ông Nguyễn Văn Truyền, Hội Chăn nuôi huyện Thống Nhất, xót xa: “Hàng loạt trại nuôi heo phá sản sau hơn 1 năm giá heo luôn ở mức thấp. Kết nối tiêu thụ chính là cái phao cứu sinh cho người nuôi heo. Nhưng thực tế, các chuỗi tiêu thụ thịt heo giá tốt, ổn định hiện nay chủ yếu là của các tập đoàn nước ngoài hay doanh nghiệp lớn và đang cạnh tranh trực tiếp về đầu ra với người chăn nuôi”.

Về lĩnh vực trồng trọt, toàn tỉnh có 13 hợp tác xã rau củ quả được cấp chứng nhận VetGAP và 1 hợp tác xã được chứng nhận GlobalGAP và 15 vùng trồng rau đã được giám sát về thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, có 36/1.000 hộ nuôi trồng thủy sản có chứng nhận VietGAP. Do diện tích trồng rau, trái sạch của Đồng Nai vẫn manh mún, nhỏ lẻ nên đa số vẫn bán sản phẩm như hàng chợ vì chưa tham gia vào chuỗi kết nối cũng như xây dựng được các thương hiệu sản phẩm an toàn.

Theo bà An Tú Anh, Giám đốc Hợp tác xã rau Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất) thì: “Thời gian qua, nông dân trồng rau gặp không ít khó khăn. Vì sau những đợt mất mùa do mưa dầm kéo dài, thời tiết vừa thuận lợi thì gặp ngay cảnh đụng hàng, dội chợ, có thời điểm rau muống, rau mùng tơi chỉ còn 1 ngàn đồng/kg. Đầu ra quá bấp bênh tác động rất xấu đến việc khuyến khích nông dân trồng rau an toàn. Vì làm theo hướng này, nông dân phải đầu tư thêm công và chi phí nhưng rau sạch vẫn bán như hàng chợ nên càng khó thuyết phục xã viên tham gia”.

* Thị trường vẫn hẹp

Nhiều năm qua, thực phẩm an toàn luôn là vấn đề thời sự nóng hổi, người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao để mua thực phẩm an toàn. Dù sản xuất sạch dần trở thành phong trào thu hút cả doanh nghiệp và nông dân tham gia, nhưng thực tế thực phẩm sạch vẫn khó bán. Đây cũng là “nút thắt” lớn nhất khiến sản xuất sạch không dễ được nhân rộng.

Xoài VietGAP của Hợp tác xã Xoài Suối Lớn tham gia hội chợ sản phẩm nông nghiệp sạch do huyện  Xuân Lộc tổ chức.
Xoài VietGAP của Hợp tác xã Xoài Suối Lớn tham gia hội chợ sản phẩm nông nghiệp sạch do huyện Xuân Lộc tổ chức.

Từ khi còn ở quy mô hộ sản xuất, ông Lương Văn Nguyện (xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom) đã là nhà cung cấp nấm cho các hệ thống siêu thị vì biết tổ chức liên kết sản xuất an toàn. Với mong muốn mở rộng thị trường, năm 2016 Doanh nghiệp tư nhân Nấm Nguyện được thành lập. Ông Nguyện chia sẻ: “Chúng tôi đã bỏ rất nhiều công sức và chi phí để sản phẩm được cấp chứng nhận an toàn cũng như để thị trường nhận biết, nhưng đến nay sản phẩm của chúng tôi chủ yếu chỉ bán được vào siêu thị. Bởi nấm sạch có giá cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường, khó tiêu thụ ở các kênh chợ truyền thống”.

Cho rằng thực phẩm sạch vẫn chưa là lựa chọn của số đông người tiêu dùng, bà Đào Thị Ngọc Ánh, đại diện Công ty TNHH một thành viên thực phẩm Ánh Nhi (xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom), dẫn chứng: “Chúng tôi đã tham gia rất nhiều chương trình kết nối tiêu thụ do Đồng Nai tổ chức với mong muốn cung cấp nấm và các loại rau củ sạch cho các bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp. Dù chúng tôi đã bỏ rất nhiều công sức tiếp thị nhưng đến nay vẫn chưa có đơn hàng nào vì phần lớn chỉ quan tâm đến giá rẻ”.

Để tạo điều kiện để thực phẩm an toàn vào chợ, ông Trương Minh Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Thống Nhất, chủ đầu tư chợ đầu mối Dầu Giây, cho biết: “Doanh nghiệp đang phối hợp với Sở Khoa học - công nghệ triển khai chương trình truy xuất nguồn gốc cho các loại nông sản của Đồng Nai. Lộ trình tiếp theo sẽ dán tem truy xuất nguồn gốc cho tất cả các loại nông sản tiêu thụ tại chợ đầu mối này”. 

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,022,063       12/656