Trong 9 tháng của năm 2017, ước xuất siêu Đồng Nai đạt khoảng 1,7 tỷ USD, là một kỷ lục mới trong xuất khẩu của tỉnh. Từ đầu năm đến nay, nhiều mặt hàng xuất khẩu của tỉnh vẫn giữ mức tăng trưởng cao.
Hơn 90% sản phẩm gỗ của Công ty TNHH Hố Nai (TP.Biên Hòa) xuất khẩu vào thị trường Mỹ. |
Theo Bộ Công thương, 7 tháng của năm 2017 cả nước nhập siêu hơn 3 tỷ USD và dự tính cả năm có thể lên đến 5 tỷ USD. Trong khi đó, Đồng Nai là một trong số ít địa phương trong 4 năm trở lại đây luôn xuất siêu và xuất siêu mỗi năm đều tăng. Đây là dấu hiệu tốt cho sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của tỉnh.
* Xuất khẩu bứt phá
Theo Cục Hải quan Đồng Nai, toàn tỉnh có hơn 3.500 doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu và con số này tiếp tục tăng khi nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào tỉnh đi vào hoạt động. Sở Kế hoạch - đầu tư đánh giá, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp của Đồng Nai trong năm 2017 và năm 2018 sẽ tiếp tục giữ mức tăng trưởng khá. Điều này tỷ lệ thuận với kim ngạch xuất khẩu, hứa hẹn năm nay và năm tới Đồng Nai sẽ gặt hái những kỷ lục mới về xuất siêu. |
Đồng Nai xuất khẩu hàng trăm mặt hàng khác nhau, nhưng có hơn 40 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn. Trong đó, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực là: giày dép, dệt may, xơ sợi dệt, sản phẩm gỗ, sản phẩm từ sắt thép, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị... Tỉnh hiện vẫn nằm trong tốp 5 của cả nước về xuất khẩu hàng hóa.
Trong nhiều năm qua, giày dép luôn là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu và xuất siêu lớn nhất của tỉnh. Riêng 9 tháng của năm, ngành này đã xuất khẩu hơn 2,52 tỷ USD, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm trước và dự ước cả năm sẽ đạt gần 3,46 tỷ USD.
Giày dép là mặt hàng được các doanh nghiệp đưa sang rất nhiều nước trên thế giới. Những thương hiệu giày nổi tiếng thế giới, như: Nike, Adidas, Reebok... đều đã đặt hàng với doanh nghiệp Đồng Nai và có những công ty đã nhận được đơn hàng đến giữa năm 2018.
Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Taekwang Vina ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2
(TP.Biên Hòa, là một trong 4 công ty sản xuất giày xuất khẩu lớn nhất Đồng Nai), cho biết: “Công ty sản xuất hơn 2 triệu đôi giày/tháng và sản phẩm hầu hết là xuất khẩu. Từ đầu năm 2017 đến nay, đơn hàng dồi dào nên công ty đã tăng công suất thêm khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước”.
Những doanh nghiệp sản xuất giày lớn tại Đồng Nai đều cho hay, những tháng cuối năm 2017 sẽ tiếp tục tăng công suất để đáp ứng các đơn hàng.
Ông Trần Văn Chuẩn, quản lý Phòng Tổng vụ Công ty TNHH Nagae Việt Nam (Khu công nghiệp Long Đức, huyện Long Thành), cho hay: “Mặt hàng linh kiện bằng nhôm của công ty có khoảng 60% xuất khẩu sang Nhật Bản, còn lại là tiêu thụ ở thị trường nội địa. Năm nay, xuất khẩu rất thuận lợi nên sản xuất và doanh thu tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2016. Công ty tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu để tăng công suất của nhà máy”.
* Thị trường rộng mở hơn
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm nay ước đạt xấp xỉ 17 tỷ USD và xuất siêu có thể đạt gần 2,2 tỷ USD. Trung bình mỗi tháng Đồng Nai xuất siêu gần 190 triệu USD, nếu những tháng cuối năm vẫn giữ được mức xuất siêu như trong 9 tháng của năm thì kỷ lục mới về xuất siêu của tỉnh sẽ tiếp tục được thiết lập.
Bà Quan Thị Liên Liên, Giám đốc Công ty TNHH Hoàn Mỹ (huyện Vĩnh Cửu), nói: “Tất cả sản phẩm phụ kiện cho ngành may mặc do công ty sản xuất ra đều xuất khẩu sang các nước châu Âu, Mỹ và nhiều nước khác. Công ty đang tiếp tục mở rộng sản xuất ở trong nước và sẽ đầu tư thêm nhà máy tại Indonesia để cung ứng cho những khách hàng đến từ những công ty thời trang lớn trên thế giới. Thị trường xuất khẩu cho mặt hàng linh kiện may mặc rất thuận lợi”.
Các doanh nghiệp tại Đồng Nai đang tận dụng khá tốt lợi thế từ những hiệp định thương mại tự do đã ký kết và Cộng đồng Kinh tế ASEAN để mở rộng và tăng sản lượng xuất khẩu.
Ông Dương Minh Dũng, Giám đốc Sở Công thương, nhận định: “Thị trường xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trong tỉnh tương đối ổn định và tiếp tục được mở rộng, đã giúp cho chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp trong 9 tháng của năm tăng hơn 8,3%. Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường lớn truyền thống như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu những tháng đầu năm tăng trưởng cao và tiếp tục được duy trì vì nhiều doanh nghiệp đã nhận được đơn hàng đến đầu năm 2018”.
Theo một số chuyên gia về kinh tế, trong năm 2018 nhiều mặt hàng của Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn có lợi thế hơn so với các nước trong khối ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ.
Hương Giang