Trong 6 tháng đầu năm 2017, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào tỉnh khoảng 641 triệu USD, đạt 64% kế hoạch năm, nhưng chỉ bằng 62% so với cùng kỳ năm 2016.
Doanh nghiệp nước ngoài tìm hiều thông tin về môi trường đầu tư của Đồng Nai. |
Mặc dù có ưu thế hơn về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông cũng được cải thiên nhiều, nhưng thu hút đầu tư FDI của Đồng Nai có dấu hiệu chững lại so với các địa phương lân cận, như: Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
* Khắt khe hơn
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, trong thu hút đầu tư FDI các địa phương, khu công nghiệp không chỉ để ý đến vốn nhiều hay ít mà phải xem hiệu quả đồng vốn doanh nghiệp mang lại. “Các khu công nghiệp, huyện, thị, thành phố trong lựa chọn dự án FDI nên chú ý thu hút những dự án vốn ít nhưng lợi nhuận cao, công nghệ thân thiện với môi trường và thu nhập của người lao động cao còn hơn chọn dự án vốn nhiều nhưng lợi nhuận thấp, công nghệ cũ dễ gây ô nhiễm” - ông Vĩnh nói. |
Theo kết quả thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - đầu tư), dẫn đầu trong thu hút đầu tư FDI đến thời điểm này là TP.Hồ Chí Minh, tiếp đến lần lượt là 2 tỉnh Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu và TP.Hà Nội. Về phát triển công nghiệp, Đồng Nai có “2 cái nhất” so với cả nước là: phát triển công nghiệp sớm nhất và số lượng khu công nghiệp nhiều nhất. Thế nhưng so với 3 tỉnh, thành lân cận thì thu hút đầu tư FDI của Đồng Nai lại đang giảm.
Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, một trong những nguyên nhân khiến đầu tư FDI vào Đồng Nai 6 tháng đầu năm nay chậm lại là vì tỉnh chỉ tập trung thu hút các dự án công nghệ cao, dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ, dự án thân thiện môi trường, các dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ, hạ tầng, giao thông. Những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao hoặc sử dụng nhiều lao động đều bị từ chối.
Bên cạnh đó, nhiều khu công nghiệp trên địa bàn TP.Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom đã được lấp đầy, chỉ còn những khu công nghiệp vùng sâu, vùng xa thuộc các huyện: Tân Phú, Xuân Lộc, Định Quán mới còn nhiều đất cho thuê. Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư, cho biết: “Diện tích đất cho thuê trong các khu công nghiệp của Đồng Nai không còn nhiều nên để sử dụng tài nguyên đất hiệu quả, việc thu hút đầu tư FDI được chọn lọc kỹ càng hơn, không chạy theo số lượng mà tập trung vào nâng cao chất lượng dự án đầu tư”. Do đó, những dự án FDI thu hút trong 6 tháng đầu năm 2017 có đến hơn 50% là sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, như: dự án Công ty cổ phần Chang Hae Việt Nam của Hàn Quốc có vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 20 triệu USD (TP.Biên Hòa); dự án Công ty TNHH sợi Long Thái Tử của Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Long Khánh (TX.Long Khánh) với vốn đăng ký tăng thêm trên 50 triệu USD...
* Đơn giản thủ tục
Theo Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ số năng lực cạnh tranh của Đồng Nai những năm gần đây có cải thiện tích cực. Tuy nhiên so với các tỉnh lân cận, như: Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An... Đồng Nai lại thua xa trong xếp hạng năng lực cạnh tranh. Trong khi các doanh nghiệp muốn đầu tư vào tỉnh, thành nào ngoài tìm hiểu về giao thông, địa lý còn rất quan tâm đến môi trường đầu tư và thường tham khảo thêm đánh giá của VCCI về chỉ số năng lực cạnh tranh.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho biết: “Khi đầu tư, các doanh nghiệp rất quan tâm đến môi trường đầu tư và hay tham khảo chỉ số năng lực cạnh tranh của địa phương đó. Năng lực cạnh tranh của Đồng Nai năm 2016 tăng bậc nhưng một vài chỉ số gồm: chi phí không chính thức, thiết chế pháp lý, tính năng động của chính quyền tỉnh, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp chưa được đánh giá cao. Đây là điều gây cản trở trong thu hút đầu tư FDI”. Mặc dù chính quyền tỉnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, nhưng thực tế vẫn còn không ít doanh nghiệp than phiền trong việc thời gian giải quyết hồ sơ kéo dài, kiểm tra doanh nghiệp nhiều, mất nhiều chi phí không chính thức...
Ông Park Noh Wan, Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.Hồ Chí Minh, cho biết: “Hàn Quốc đang dẫn đầu trong đầu tư vào Đồng Nai. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đa số thuận lợi. Tuy nhiên, để nhiều doanh nghiệp nước này tiếp tục đầu tư vào Đồng Nai thì UBND tỉnh nên tiếp tục cải cách, đơn giản thủ tục hành chính, giảm bớt thời gian và chi phí cho doanh nghiệp”. Đại diện các Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan tại Đồng Nai cũng nhận xét, nếu các thủ tục hành chính của tỉnh giải quyết nhanh và được đơn giản thì số doanh nghiệp đến tỉnh đầu tư sẽ nhiều hơn.
Hương Giang