Kinh tế

Chuyên gia hiến kế cho công nghiệp - đô thị

Tứ giác kinh tế phía Nam gồm: TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu là các địa phương đóng góp quan trọng cho ngân sách quốc gia, chiếm 30% GDP của cả nước.

Vừa qua khi làm việc tại Đồng Nai, các chuyên gia kinh tế chỉ ra những khả năng phát triển về công nghiệp - đô thị của Đồng Nai - 2 lĩnh vực mà nhiều người ngỡ như đã hết không gian để phát triển thêm.

Đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã rút ngắn khoảng cách giữa các đô thị của Đồng Nai với TP.Hồ Chí Minh. Trong ảnh: Cầu Long Thành của đường cao tốc.
Đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã rút ngắn khoảng cách giữa các đô thị của Đồng Nai với TP.Hồ Chí Minh. Trong ảnh: Cầu Long Thành của đường cao tốc.

Để phát triển tốt trong thời gian tới, theo các chuyên gia, tỉnh cần chú trọng hơn để khai thác tối đa những lợi thế sẵn có và hạn chế những điều bất lợi.

* Làm mới ngành công nghiệp

TS.Trần Du Lịch chỉ ra “cánh cung” phát triển công nghiệp ở phía Nam, từ khu vực Bến Lức (tỉnh Long An) vòng về Bình Dương, Đồng Nai và kết thúc ở Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trong dải cánh cung này, Đồng Nai có lợi thế phát triển công nghiệp nhất. Theo quy hoạch, Đồng Nai là trọng điểm phát triển công nghiệp của cả vùng, bởi nơi đây có lợi thế nhất để làm công nghiệp. Không phải ngẫu nhiên mà từ gần 1 thế kỷ trước, nhiều người đã xác định xây dựng công nghiệp ở đây. Tiềm năng lớn nhất ở Đồng Nai được khẳng định là phát triển công nghiệp. Trong bối cảnh có những dịch chuyển về phát triển công nghiệp như hiện nay, địa phương cần tính toán để gia tăng giá trị lợi thế.

Về vấn đề phát triển công nghiệp sớm, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng thu hút đầu tư nước ngoài rất sớm nên cơ cấu thu hút đầu tư chủ yếu của Đồng Nai trước đây là ngành công nghiệp chất lượng thấp, thâm dụng lao động (dệt may, giày dép, đồ gỗ). Trong tương lai những ngành này không còn là lợi thế nữa, việc dịch chuyển sang ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao là buộc phải thực hiện. “Thu hút đầu tư sớm có cái hay, nhưng cũng có những hạn chế nhất định. Vì lúc đó nhận thức là như vậy, đến nay đã phát triển khá xa và Đồng Nai đến lúc phải thay đổi cơ cấu công nghiệp để tạo ra sự phát triển mới” - ông Tuyển chia sẻ.

Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng Đồng Nai cần phải làm mới ngành công nghiệp, cụ thể là thu hút những ngành công nghệ có giá trị gia tăng cao mới xứng tầm của một trung tâm công nghiệp. TS.Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đánh giá cao về việc Đồng Nai đã định hướng tập trung cho những khu công nghiệp công nghệ cao. Đây là những nơi mang giá trị lớn cho phát triển công nghiệp lâu dài.

* Động lực từ đô thị

Theo quy hoạch vùng đô thị TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai có 3 đô thị là: TP.Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch và TX.Long Khánh. Đánh giá về không gian phát triển đô thị này, TS. Trần Du Lịch cho là ít nơi có được, đặc biệt là đô thị Nhơn Trạch. Ông Lịch lưu ý, chỉ cần có cầu Cát Lái thì Nhơn Trạch sẽ phát triển tương tự như quận 2 của TP.Hồ Chí Minh, thậm chí phát triển đô thị ở Nhơn Trạch đẹp hơn rất nhiều so với Nam Sài Gòn vì ở đây địa thế tốt. TS.Trần Du Lịch đã lý giải về sự “ngủ yên” của Nhơn Trạch, ông cũng lý giải vì sao TP.Nhơn Trạch quy hoạch nhiều năm nhưng không lên được thành phố, bởi nơi đây thiếu hạ tầng kết nối và chỉ tập trung vào phát triển công nghiệp, mà công nghiệp thì không bao giờ trở thành đô thị mà phải là thương mại, dịch vụ. “Phát triển công nghiệp mạnh nhưng toàn công nhân nghèo, chỉ ở nhà thuê nhà trọ làm sao thành đô thị được. Song về lâu dài khi hạ tầng kết nối tốt hơn, đây là nơi đẹp hơn Nam Sài Sòn để phát triển đô thị” - ông Trần Du Lịch nhận xét.

Tuy chưa hình thành, song các nhà kinh tế cũng nhìn nhận Long Thành tương lai cũng là một đô thị đáng chú ý của Đồng Nai khi Sân bay Long Thành được xây dựng. Ở đây sẽ hình thành một khu đô thị với công năng là phục vụ hoạt động logistics cho Sân bay Long Thành. Để khai thác tốt tiềm năng này, theo TS.Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Đồng Nai cần sớm có định hướng và chuẩn bị tâm thế để phát triển khu đô thị công nghiệp này. Khu đô thị dịch vụ này không chỉ đơn thuần là phát triển kinh tế mà sẽ hỗ trợ rất nhiều cho phát triển ngành công nghiệp của tỉnh. 

Vân Nam

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,103,586       16/1,032