Ngay từ đầu vụ thu hoạch năm nay, giá tiêu bán ra khoảng 130 ngàn đồng/kg, thấp hơn 70-80 ngàn đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều nông dân, cơ sở chế biến chọn giải pháp trữ tiêu chờ giá tốt, nhưng suốt cả vụ giá tiêu vẫn liên tục lao dốc.
Giá tiêu xuống thấp, không chỉ nông dân mà nhiều đại lý cấp 1, cấp 2 cũng chấp nhận rủi ro tranh thủ trữ tiêu chờ giá tốt (ảnh chụp tại một đại lý thu mua tiêu ở huyện Trảng Bom). |
Cuối vụ, giá hồ tiêu chưa đến 80 ngàn đồng/kg, mức giá thấp kỷ lục trong vòng 10 năm trở lại đây khiến không ít người ôm nợ vì trữ tiêu. Tuy tuần qua giá tiêu có nhích nhẹ nhưng theo các doanh nghiệp (DN) chuyên xuất khẩu, giá tiêu khó khởi sắc lại do cung đang vượt cầu.
* Càng trữ, giá càng giảm
Dự báo, sự mất cân đối cán cân cung cầu cho thị trường tiêu sẽ càng lớn trong vài năm tới khi các lứa tiêu trồng trong năm 2016, 2017 bắt đầu cho thu hoạch. Giá tiêu sẽ khó tăng như kỳ vọng của người trồng trong những năm tới. |
Ông Trần Văn Thắng, nông dân trồng tiêu tại huyện Xuân Lộc, nhận xét: “Từ đầu mùa, hầu hết nông dân trồng tiêu ở địa phương đều trữ lại tiêu chờ giá cao hơn mới bán. Hộ nào kẹt tiền phân, thuốc buộc phải bán tiêu cũng cố gắng trữ lại một vài tấn chờ giá cao hơn. Ngay cả khi giá tiêu lao dốc xuống mức thấp kỷ lục như hiện nay, nông dân chấp nhận đi vay nợ đầu tư, vẫn trữ hàng để không phải thua lỗ lớn”.
Đây cũng là câu chuyện chung tại nhiều vùng trồng tiêu trên địa bàn Đồng Nai. Ông Trần Văn Tánh, Phó giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Lâm San (huyện Cẩm Mỹ), cho biết: “Hoạt động xuất khẩu của hợp tác xã gặp không ít khó khăn vì gom không đủ tiêu cung cấp cho các đơn hàng xuất khẩu. Đến nay, sản lượng tiêu đơn vị thu mua chỉ bằng 1/4 mọi năm. Và khi giá xuống thấp hơn 80 ngàn đồng/kg, hầu như không có nông dân nào bán ra. Ước lượng tiêu còn tồn trong dân phải chiếm 70% trên tổng sản lượng thu hoạch vụ vừa qua”.
Không chỉ nông dân trữ hàng phải đối mặt với nguy cơ lỗ lớn, nhiều vựa thu mua, cơ sở chế biến cấp 2, cấp 3 cũng thua lỗ không ít vì trữ tiêu. Bà Nguyễn Vũ Kiều, chủ đại lý thu mua và chế biến tiêu sọ tại xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom), chia sẻ: “Cơ sở lỗ nặng do đầu mùa mạnh tay thu mua tiêu trữ chờ giá tốt. Đến giữa mùa, cả giá tiêu đen và tiêu sọ đều giảm sâu, thấp hơn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Mọi năm hàng vào kho của DN là được thanh toán ngay, nhưng vụ này công nợ thường kéo dài 1-2 tháng vì DN cũng gặp không ít khó khăn trong xuất khẩu mặt hàng này. Nhiều giai đoạn, hoạt động sản xuất của cơ sở chỉ cầm chừng do DN xuất khẩu nhập hàng chậm”.
Khâu thu mua của các đại lý cũng vất vả hơn vì nông dân đều trữ tiêu, ai cần tiền trang trải mới bán nhưng thường bán với sản lượng nhỏ. Vào giai đoạn giá tiêu xuống thấp như hiện nay, nhiều cơ sở, đại lý cấp 2, cấp 3 cũng đang thu gom mặt hàng này. Ngoài Đồng Nai, họ phải thông qua bạn hàng mua tiêu từ nhiều tỉnh, thành khác.
* Rủi ro lớn
Tiêu có lợi thế hơn hẳn nhiều mặt hàng nông sản phải bán đổ bán tháo thời gian qua vì có thể trữ lại hàng năm trời mà không lo giảm chất lượng nếu bảo quản tốt. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều nông dân, các vựa, đại lý thu mua chọn giải pháp trữ hàng khi giá rớt. Tuy nhiên, việc trữ hàng này như đánh bạc với rất nhiều rủi ro. Theo bà Nguyễn Thị Nga, đại diện Công ty TNHH một thành viên thương mại xuất nhập khẩu Ân Nga (huyện Xuân Lộc): “Năm nay, xuất khẩu tiêu gặp rất nhiều khó khăn nên chủ yếu DN cung cấp cho nội địa và xuất đi Trung Quốc. Tuần qua, giá tiêu có tăng do thương lái Trung Quốc thu gom nhưng số lượng không nhiều, giá vẫn đang có chiều hướng giảm dần. Thị trường tiêu Việt Nam và thế giới đang cung vượt cầu nên rất khó dự đoán giá mặt hàng này trong thời gian tới. Hiện giờ phải có đơn đặt hàng, DN mới nhập tiêu và xuất ngay chứ không dám trữ nhiều trong kho vì thị trường này hiện quá rủi ro”.
Phân tích về thị trường tiêu hiện nay, ông Nguyễn Văn Lâm, đại diện Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam (tỉnh Bình Dương), ví von: “Người trữ tiêu đang rơi vào cảnh “cốc mò cò xơi” vì người được lợi là người nhanh chân bán tiêu khi giá còn tốt do nông dân trữ tiêu đã góp phần làm giảm áp lực về sự mất cân đối cung - cầu của thị trường. Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu tiêu giảm, Việt Nam lại có xu hướng trữ hàng nên nhiều DN buộc phải nhập tiêu từ các nước về chế biến khiến áp lực tồn hàng càng tăng”. Theo ông Lâm, nhiều DN, đại lý kinh doanh tiêu của Việt Nam thường vay vốn để trữ hàng nên buộc phải đẩy nhanh để thu hồi vốn, và tình trạng đua nhau bán tiêu, giá rớt là khó tránh khỏi trong tương lai gần.
Bình Nguyên