Kinh tế

"Mở khóa" cho thị trường gỗ EU

Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) vừa ký tắt văn bản Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) về tăng cường thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và buôn bán gỗ (FLEGT).

Sản xuất gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần gỗ Nhất Nam (TP.Biên Hòa).
Sản xuất gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần gỗ Nhất Nam (TP.Biên Hòa).

Hiệp định sẽ được Việt Nam và EU thông qua dựa trên văn bản đã ký tắt này.

* Nhắm vào dư địa

Theo các chuyên gia, Hiệp định đối tác tự nguyện này giúp cải thiện quản lý rừng, giải quyết tình trạng khai thác gỗ trái phép và thúc đẩy việc xuất khẩu các sản phẩm gỗ hợp pháp đã được kiểm chứng từ Việt Nam sang EU và các thị trường khác tốt hơn trong tương lai.

Cuối tháng 5 vừa qua, tại hội thảo về phát triển ngành lâm sản bền vững tại TP.Hồ Chí Minh, đại diện Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn cho biết Việt Nam đã theo đuổi gần 6 năm đàm phán VPA/FLEGT với EU. Đến cuối năm 2016, đàm phán này mới kết thúc và văn bản ký tắt vừa được thực hiện.

VPA/FLEGT được xem là giấy thông hành để doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gỗ vào EU không phải giải trình về truy xuất gỗ hợp pháp khá phức tạp như trước đây. Về lâu dài, hiệp định giúp việc quản trị rừng bền vững và phát triển ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam được bền vững hơn.

Việt Nam là một trong 15 quốc gia tham gia VPA/FLEGT với EU. Tại châu Á, vào năm 2016 Indonesia trở thành quốc gia đầu tiên cấp giấy phép FLEGT. Chuyên gia phân tích chính sách của Tổ chức Forest Trends Tô Xuân Phúc cho hay, mục đích của EU là muốn gỗ sản xuất và tiêu thụ tại chính các nước đã ký VPA/FLEGT là hợp pháp, vì vậy họ quy định khá chặt chẽ.

Theo thống kê của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, mỗi năm thị trường EU tiêu thụ gỗ và sản phẩm từ gỗ khoảng 90 tỷ USD. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam sang EU hiện nay mới đạt khoảng 800 triệu USD. Vì vậy, dư địa để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng xuất khẩu sang thị trường này còn rất nhiều. Việt Nam được xem là trung tâm sản xuất thương mại sản phẩm gỗ, bởi nguồn gỗ để chế biến được nhập khẩu từ 80 quốc gia, gồm: châu Phi, châu Âu, châu Á và Nam Mỹ. Sản phẩm gỗ của Việt Nam cũng xuất khẩu đến tất cả các thị trường chính trên thế giới, vì vậy việc thực hiện VPA/FLEGT sẽ tạo cho ngành chế biến gỗ của Việt Nam bền vững hơn về lâu dài.

* Doanh nghiệp nhỏ còn gặp khó

Theo Phó tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài, để đưa được VPA/FLEGT vào thực thi không dễ, bởi hiện chỉ mới doanh nghiệp lớn xuất khẩu hàng sang thị trường EU đủ điều kiện để tuân thủ nghiêm ngặt quy định. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ trong nước chưa có điều kiện thực hiện đầy đủ các quy định này. Khó khăn hơn nữa là các làng nghề vẫn sử dụng gỗ khai thác tự nhiên, gỗ nhập khẩu từ châu Phi và nhiều quốc gia khác nhau để phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Đồng tình với quan điểm này, ông Phan Văn Bình, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowooha), cho rằng hầu hết các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu trực tiếp, đặc biệt xuất sang châu Âu, đều hiểu được FLEGT. Còn các doanh nghiệp nhỏ và cơ sở sản xuất gỗ tiêu thụ trong nước còn rất mơ hồ, cần được phổ biến nhiều hơn để nâng cao nhận thức. Theo đại diện Tổ chức Forest Trends, kinh nghiệm từ Indonesia cho thấy việc ký FLEGT với EU đồng nghĩa với việc nước này thắt chặt quản lý đối với các cơ sở chế biến, bao gồm cả các cơ sở chế biến quy mô nhỏ, hộ gia đình. Các cơ sở này hiện phải đăng ký hoạt động, nếu không sẽ bị coi là bất hợp pháp.

Vân Nam

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,107,282       3/1,014