Kinh tế

Đánh bắt kiểu hủy diệt hồ Trị An

Hồ Trị An là nơi mưu sinh của hơn 1,1 ngàn hộ ngư dân đánh bắt thủy sản. Từ lâu, việc đánh bắt theo kiểu tận diệt, như: dùng xung điện, dùng lưới mắt nhỏ, thuốc nổ, chất độc... đã bị cấm, nhưng không ít ngư dân vẫn bất chấp.

Lực lượng kiểm tra phát hiện tàu đánh cá trên hồ Trị An dùng xung điện vào 2 giờ sáng 12-4-2017.
Lực lượng kiểm tra phát hiện tàu đánh cá trên hồ Trị An dùng xung điện vào 2 giờ sáng 12-4-2017.

Những ngư dân đánh bắt thủy sản trên hồ Trị An phải hợp đồng với Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Còn tàu thuyền đánh bắt thủy sản đăng ký, đăng kiểm với Chi cục Thủy sản Đồng Nai (Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn). Dù lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra nhưng nhiều ngư dân vẫn lén lút hoạt động không đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền và dùng xung điện để đánh bắt.

* Dùng xung điện để bắt cá

Năm 2016, Chi cục Thủy sản Đồng Nai đã phát hiện 140 vụ dùng xung điện và 2 vụ dùng chất nổ để đánh bắt thủy sản trên hồ Trị An, sông Đồng Nai và khu vực rừng ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch, giảm 220 trường hợp so với năm 2009. Bên cạnh việc kiểm tra xử lý, mỗi năm chi cục tổ chức 7-8 lớp tuyên truyền về lĩnh vực này cho các ngư dân để nâng cao ý thức trong việc đánh bắt và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Để ngăn chặn và xử lý kịp thời tệ nạn sử dụng xung điện trên hồ Trị An, đêm 11 và 12-4, Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 01 về cấm sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác thủy sản của tỉnh đã tiến hành kiểm tra trực tiếp tình trạng đánh bắt thủy sản trên hồ. Đây là một trong 3 khu vực ngư dân thường dùng xung điện để đánh bắt thủy sản, phá vỡ đa dạng sinh học và hủy diệt các loài thủy sản.

Ông Hồ Minh Trung, Trưởng phòng Thanh tra pháp chế Chi cục Thủy sản Đồng Nai, cho hay: “Tình trạng sử dụng xung điện để đánh bắt thủy sản trên hồ Trị An ngày càng tinh vi. Dù lực lượng chức năng thường xuyên đi kiểm tra nhưng một số ngư dân vẫn cố tình dùng xung điện, khi thấy lực lượng kiểm tra đến gần thì đem bỏ cục xung điện xuống hồ để phi tang và giong thuyền chạy trốn. Do đó, lực lượng chức năng lặn xuống hồ tìm được tang vật cũng không xử lý được đối tượng”.

“Những khu vực bị dùng xung điện để đánh bắt thủy sản, từ cá lớn đến cá bé đều bị chết. Nếu sử dụng trên diện rộng, nhiều loài thủy sản quý hiếm sẽ tuyệt chủng, phá vỡ hệ đa dạng sinh học trên lòng hồ” - ông Nguyễn Hữu Phước, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, nói. Cũng theo ông Phước, trên hồ Trị An hiện có khoảng 130 loài cá, trong đó khoảng 10 loài quý hiếm nằm trong sách đỏ cần bảo vệ. Mỗi năm chỉ riêng lực lượng kiểm lâm của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai phát hiện gần 100 vụ dùng xung điện, nhưng chỉ bắt được hơn 30 vụ.

Những đối tượng bị bắt quả tang dùng xung điện trên hồ Trị An đa số dùng thuyền nhỏ vừa dùng lưới đánh bắt thủy sản vừa lén dùng xung điện. Khi bị bắt quả tang, ngoài tịch thu tang vật còn bị phạt hành chính hơn 7 triệu đồng. Mức phạt này không đủ sức răn đe so với lợi nhuận họ thu được nên không ít ngư dân vẫn bất chấp lệnh cấm để làm.

* Biết luật, vẫn vi phạm

Bên cạnh việc kiểm tra xử lý tình trạng sử dụng chất nổ, chất độc và xung điện để khai thác thủy sản, đoàn thanh tra của tỉnh còn kiểm tra tình trạng đăng ký, đăng kiểm tàu cá, giấy phép khai thác thủy, trang thiết bị trong hoạt động nghề cá. Tình trạng các tàu thuyền thiếu đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác khá nhiều.

Ông Nguyễn Thái Uy, ấp Bến Nôm 2, xã Phú Cường (huyện Định Quán), bày tỏ: “Tôi nghĩ hồ rộng, cơ quan nhà nước khó quản lý hết nên để từ từ mới đi đăng kiểm, đăng ký và hợp đồng khai thác”. Hầu hết các trường hợp vi phạm đều thừa nhận những quy định của nhà nước về đánh bắt thủy sản trên hồ đều nắm khá rõ. Theo ngư dân Nguyễn Văn Thuần (ở ấp 5, xã La Ngà, huyện Định Quán), dù biết dùng xung điện đánh bắt thủy sản là tận diệt nguồn lợi thủy sản trên hồ, nhưng thấy một số người làm trộm thu được nhiều cá nên cũng liều làm.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Nai Phùng Cẩm Hà  cho biết: “Tàu có từ 20 mã lực trở lên mới phải đăng kiểm, ngư dân có hồ sơ đầy đủ gửi về chi cục. Sau khi kiểm tra phương tiện, khoảng 3 ngày sau sẽ cấp phép và phí dưới 100 ngàn đồng/chiếc. Với tàu dưới 20 mã lực, đăng ký không mất phí và sau khi gửi đơn về chi cục cũng trong 3 ngày sẽ cấp phép”. Việc đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền đánh cá khá đơn giản, ngư dân không làm, khi kiểm tra phát hiện sẽ bị phạt từ 300-750 ngàn đồng/chiếc. Ông Hà còn cho biết thêm, tới đây chi cục sẽ tiếp tục phối hợp với công an, kiểm lâm tiếp tục kiểm tra 3 vùng trọng điểm là: hồ Trị An, sông Đồng Nai, La Ngà và khu vực rừng ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch để hạn chế tình trạng dùng chất nổ, chất độc, xung điện đánh bắt thủy sản, đồng thời siết chặt quản lý các phương tiện đánh bắt thủy sản.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,125,741       6/822