Kinh tế

Thực phẩm bẩn vẫn là mối lo

Liên tiếp những năm gần đây, chủ đề của Tháng Hành động an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) quốc gia đều có liên quan đến sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn. Đây là vấn đề "nóng", luôn được người dân rất quan tâm vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe của mỗi người, mỗi nhà.

Liên tiếp những năm gần đây, chủ đề của Tháng Hành động an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) quốc gia đều có liên quan đến sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn. Đây là vấn đề “nóng”, luôn được người dân rất quan tâm vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe của mỗi người, mỗi nhà.

Một cơ sở giết mổ heo trái phép, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở xã Bình Minh, huyện Trảng Bom bị phát hiện. Ảnh: A.Lộc
Một cơ sở giết mổ heo trái phép, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở xã Bình Minh, huyện Trảng Bom bị phát hiện. Ảnh: An An

Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai (thuộc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn), kết quả kiểm tra vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm trái phép trong năm 2016 và 3 tháng đầu năm 2017, cho thấy tình trạng vi phạm tuy có giảm về số lượng các vụ vi phạm nhưng nguy cơ vẫn cao.

* Vẫn còn sai phạm

Tăng cường truyền thông vì chất lượng an toàn thực phẩm

Tháng Hành động vì an toàn vệ sinh thực phẩm, ngoài tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, rượu, còn là đợt cao điểm truyền thông nhằm đẩy mạnh các hoạt động vì chất lượng an toàn thực phẩm và chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm do sử dụng thực phẩm không an toàn nói chung và do sử dụng rau, thịt, hải sản tươi sống và rượu nói riêng.

Cụ thể, nếu như năm 2015 có đến 12,17% mẫu được kiểm tra dương tính với chất cấm Salbutamol thì năm 2016, con số này chỉ còn 1,12%. Ngoài ra, tình hình giết mổ gia súc, gia cầm trái phép cũng có xu hướng giảm mạnh. Đây là những dấu hiệu đáng mừng cho thấy ý thức của người sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật ngày một tăng cao.

Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Quang, hiện nay nguy cơ thực phẩm không đảm bảo ATVSTP vẫn còn rất lớn do tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm trái phép vẫn còn nhiều tại một số địa phương, như: TP.Biên Hòa, các huyện Trảng Bom và Long Thành. Trong đó, TP.Biên Hòa qua báo cáo chỉ còn 5 cơ sở, nhưng trên thực tế kiểm tra của Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai vẫn còn khoảng trên dưới 40 cơ sở. Số lượng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trái phép trên địa bàn tỉnh luôn luôn biến động vì khi đoàn đi kiểm tra thì cơ sở đóng cửa, khi không kiểm tra lại hoạt động bình thường.

Gần nhất là vào ngày 5-4, đoàn kiểm tra của Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai phối hợp cùng Đội Quản lý thị trường số 2 tiến hành kiểm tra và bắt quả tang cơ sở của ông Trương Minh Tấn (ấp Tam Hòa, xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) đang giết mổ heo trái phép. Tại đây, đoàn kiểm tra đã phát hiện cơ sở đang giết mổ 3 con heo trên nền nhà dơ bẩn với tổng trọng lượng khoảng 180kg. Việc giết mổ không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y về cơ sở, trang thiết bị, nước sử dụng, người tham gia; không thực hiện vệ sinh động vật trước khi giết mổ.

* Nâng cao ý thức người sản xuất, kinh doanh

Theo ông Huỳnh Cao Hải, Phó giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo đảm bảo ATVSTP tỉnh, chủ đề của Tháng Hành động vì ATVSTP năm nay (từ ngày 15-4 đến ngày 15-5) là “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu”. Mục tiêu của tháng hành động nhằm giải quyết căn bản bức xúc nổi cộm hiện nay là sử dụng hóa chất, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; đảm bảo an toàn thực phẩm tươi sống (rau, thịt, thủy sản). Trọng tâm là giảm thiểu rõ nét mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh, ô nhiễm vi sinh vật trong thịt, thủy sản nhằm cải thiện niềm tin cho người tiêu dùng.

Ông Trần Văn Quang cho rằng ý thức của người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đóng vai trò rất quan trọng, không chỉ với người tiêu dùng mà cả với chính sự tồn tại của họ trong thời buổi hội nhập và cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Bởi chỉ có làm ra sản phẩm sạch mới có thể cạnh tranh và đứng vững được, nhất là khi TP.Hồ Chí Minh, nơi tiêu thụ tới khoảng 50% sản phẩm chăn nuôi của Đồng Nai, đang siết chặt kiểm soát chất lượng sản phẩm thịt động vật bằng phương pháp truy xuất nguồn gốc, xác định sản phẩm có tồn dư kháng sinh, chất cấm hay không. Nếu sản phẩm không đạt chất lượng, không được người tiêu dùng chấp nhận thì cơ sở sản xuất, kinh doanh khó tồn tại được.

Theo ông Nguyễn Hữu Danh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Đồng Nai, hiện nay người dân vẫn còn thói quen đi chợ truyền thống. Do vậy, để có thực phẩm sạch đến người tiêu dùng, các địa phương cần tiếp tục nhân rộng mô hình lập các cửa hàng bán thực phẩm sạch đã qua kiểm soát, có nguồn gốc rõ ràng ở các chợ truyền thống đang được triển khai thí điểm thành công tại một số địa phương trong tỉnh, như: TX.Long Khánh, các huyện Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Tân Phú. Mô hình này khi triển khai thí điểm đã được người dân đánh giá cao vì đã tạo thêm một kênh phân phối thực phẩm sạch về tận các chợ truyền thống, chợ ở vùng nông thôn.

Đặng Ngọc

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,127,068       3/828