Kinh tế

Vụ "đeo vòng" cho heo: Cần siết chặt quản lý

Người chăn nuôi là đối tượng chính tham gia thực hiện đề án truy xuất nguồn gốc heo vào thị trường TP.Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đề án đã được áp dụng hơn 3 tháng, nhưng người chăn nuôi vẫn đứng ngoài cuộc.

Người chăn nuôi là đối tượng chính tham gia thực hiện đề án truy xuất nguồn gốc heo vào thị trường TP.Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, dù đề án đã được áp dụng hơn 3 tháng qua, nhưng đến nay đây là chuyện của thương lái vì người chăn nuôi vẫn đứng ngoài cuộc.

Người chăn nuôi lo lắng vì giá vòng đeo truy xuất nguồn gốc heo đang bị bán theo kiểu “chợ đen”. Trong ảnh: Trại chăn nuôi thuộc xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất).
Người chăn nuôi lo lắng vì giá vòng đeo truy xuất nguồn gốc heo đang bị bán theo kiểu “chợ đen”. Trong ảnh: Trại chăn nuôi thuộc xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất).

TP.Hồ Chí Minh đang có chính sách giảm 50% chi phí vòng đeo cho heo để hỗ trợ người chăn nuôi. Nhưng thực tế, các trại chăn nuôi chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ mà đang phải mua vòng với giá cao theo kiểu “chợ đen” thông qua thương lái.

* Mua vòng đeo giá “chợ đen”

Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, hiện việc thực hiện truy xuất nguồn gốc heo mỗi tỉnh làm một kiểu nên gặp nhiều khó khăn. Hiệp hội vừa gửi văn bản kiến nghị Bộ Công thương nên thống nhất để đưa ra quy định chung trong việc truy xuất nguồn gốc heo. Ông Công cũng góp ý thêm, đề án truy xuất nguồn gốc heo vì lợi ích chung của người tiêu dùng nên người tiêu dùng cũng nên tham gia ủng hộ. Cụ thể, những điểm bán thịt heo an toàn nên có mức giá cao hơn đôi ba trăm đồng/kg để hỗ trợ phần nào khó khăn cho người chăn nuôi tham gia đề án.

Với chính sách hỗ trợ, người chăn nuôi hiện chỉ mất 3 ngàn đồng tiền phí mua vòng đeo. Nhưng muốn mua vòng đeo truy xuất nguồn gốc cho heo, người chăn nuôi phải liên hệ với Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh và lên tận nơi để mua. Điều này rất bất tiện nên đa số các trại nuôi đều mua lại từ thương lái.

Thực tế đã xảy ra tình trạng thương lái cung cấp vòng đeo truy xuất nguồn gốc cho heo mỗi nơi mỗi giá. Một chủ trại heo ở xã Suối Nho (huyện Định Quán) cho biết: “Tôi vừa bán đợt heo và mỗi con heo, tôi bị thương lái trừ hơn 10 ngàn đồng chi phí vòng đeo. Dù rất bức xúc nhưng nói ra cũng chỉ thiệt cho mình vì người chăn nuôi đang “lụy” thương lái”.

Ông Phạm Đức Thu, chủ trại heo tại xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất), chia sẻ: “Tôi dự nhiều hội thảo triển khai đề án đeo vòng truy xuất nguồn gốc heo, nghe rất nhiều lời hứa hỗ trợ người chăn nuôi nhưng thực tế chưa có gì. Tôi không thể mỗi lần bán vài chục con heo là mỗi lần lên TP.Hồ Chí Minh để mua vòng, vì không có nơi nào khác cung cấp mặt hàng này nên người chăn nuôi buộc phải mua vòng qua thương lái theo kiểu “chợ đen”. Họ tính bao nhiêu, chúng tôi trả bấy nhiêu dù họ bán cao hơn giá gốc chứ nói gì đến giá hỗ trợ”.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết: “Hiện đa số các trại chăn nuôi của Đồng Nai đều mua vòng đeo truy xuất nguồn gốc từ thương lái, mức giá như thế nào đều do thương lái đưa ra. Gần đây, hiệp hội có nhận một số phản ánh từ các trại nuôi về việc phải trả từ 10-12 ngàn đồng/cặp vòng đeo cho heo, cao gấp 3-4 lần mức giá hỗ trợ Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh công bố”. 

* Cần siết chặt quản lý

Việc đeo vòng cho heo chỉ có tác dụng thực sự khi người chăn nuôi ý thức rõ về chương trình và nghiêm túc thực hiện từ trại nuôi. Việc thương lái đưa heo về các lò mổ mới tổ chức đeo vòng để đủ điều kiện tiêu thụ tại TP.Hồ Chí Minh chỉ mang tính ứng phó tạm thời. Tuy nhiên, với lý do người chăn nuôi chưa biết đeo vòng cho heo, Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh đã chấp nhận để thương lái tiếp tục đeo vòng cho heo trước khi đưa vào thị trường TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, những chương trình tập huấn, hướng dẫn cho nông dân về thực hiện đeo vòng cho heo chủ yếu mới tổ chức một số hội nghị điểm ở cấp tỉnh. Việc triển khai về tận địa phương hầu như chưa được quan tâm nên đa số các trại chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn “mù mờ” về chương trình. Đề án nên tăng cường tập huấn, hướng dẫn cho người chăn nuôi theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Việc cung cấp vòng đeo cũng cần tổ chức lại kênh phân phối, có sự quản lý không để tình trạng người chăn nuôi phải mua vòng theo kiểu “chợ đen” với mức giá bất hợp lý như hiện nay.

Các chủ trại nuôi cũng cho rằng, chương trình nên quan tâm đến việc tổ chức các kênh phân phối vòng đeo chân truy xuất nguồn gốc heo về tận địa phương, công khai giá bán, có dịch vụ tư vấn, hỗ trợ cho người chăn nuôi trong việc sử dụng sản phẩm... Ông Phạm Ngọc Bình, chủ trại heo tại xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất), nêu ý kiến: “Thời gian đầu còn mới, người chăn nuôi chúng tôi chấp nhận mua vòng qua thương lái vì khá tiện lợi. Nhưng Nhà nước phải quản lý và có quy định rõ mức giá cung cấp chứ không nên để thương lái thao túng giá như hiện nay”.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,127,533       4/823