Kinh tế

Tiếp tục trễ hẹn xử lý rác

Theo lộ trình vạch ra, đến đầu năm 2016, tỷ lệ chôn lấp rác thải sinh hoạt của tỉnh phải dưới 15%. Thế nhưng đã trễ hẹn hơn 1 năm mà tỷ lệ chôn lấp rác sinh hoạt hiện vẫn ở mức 71%. Dù các chủ đầu tư có làm hết tốc lực thì cuối năm 2017, khả năng chỉ giảm tỷ lệ chôn lấp xuống 36%.

Ở Khu xử lý rác Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu), rác sinh hoạt đưa về chủ yếu vẫn được chôn lấp.
Ở Khu xử lý rác Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu), rác sinh hoạt đưa về chủ yếu vẫn được chôn lấp.

Theo Sở Tài nguyên - môi trường, hiện nay khối lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 1.622 tấn/ngày, khối lượng thu gom, xử lý khoảng 1.564 tấn/ngày, đạt 96,4%. Rác thải sinh hoạt được thu gom về các khu xử lý rác theo quy hoạch và mới có khoảng 29% được xử lý bằng cách đốt hoặc làm phân bón.

* “Nóng” với xử lý rác

Sở dĩ các chủ đầu tư dự án xử lý rác sinh hoạt còn chần chừ chưa “mặn mà” trong đầu tư là vì hiện giá xử lý rác thành phân bón hoặc đốt chỉ 420-490 ngàn đồng/tấn, trong khi thu gom rác về chôn lấp lại trên 500 ngàn đồng/tấn. Tuy nhiên, việc này sẽ không kéo dài vì cuối năm 2016, Kiểm toán Trung ương đã nhắc nhở Đồng Nai phải sớm hoàn thành đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý rác và đưa ra đấu thầu để tạo tính công bằng.

Phải mất một thời gian dài, Đồng Nai mới cơ bản xử lý xong hơn 40 bãi rác tự phát, trả lại môi trường trong lành cho nhiều hộ dân. Gần 2 năm nay, rác sinh hoạt thu gom được đưa về 9 khu xử lý chất thải theo quy hoạch của tỉnh để xử lý.

Ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, cho biết: “Tiến độ đầu tư các dự án xử lý rác thải sinh hoạt rất chậm, dẫn đến tỷ lệ chôn lấp vẫn còn 71%. Chúng tôi đã phối hợp với các địa phương đi kiểm tra và yêu cầu đẩy nhanh tiến độ dự án, song nhiều chủ đầu tư vẫn còn lừng chừng”. Thời gian qua, ở một vài địa phương, như: Bàu Cạn (huyện Long Thành), Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu), Phú Thanh (huyện Tân Phú) vẫn “nóng” chuyện rác thu gom xong đưa về các khu quy hoạch xử lý bằng việc chôn lấp. Theo nhiều người dân, việc gom rác sinh hoạt từ mọi nơi về một khu để chôn lấp thì cũng không khác nào đưa ô nhiễm từ nơi khác về.

Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành Nguyễn Tấn Hưng cho hay: “Dự án xử lý rác tại  xã Bàu Cạn triển khai chậm, rác đưa về đây hầu hết vẫn là chôn lấp. Dự án vẫn đang trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng và người bị thu hồi đất chưa nhận được tiền hỗ trợ nên chưa giao đất và không cho thi công”. Do đó, dù chủ đầu tư này cam kết sau 6 tháng nhận được mặt bằng sẽ đưa tỷ lệ chôn lấp xuống dưới 15% rất khó thành hiện thực. Bãi rác Bàu Cạn ở xã Bàu Cạn (huyện Long Thành) đang tiếp nhận khoảng 450 tấn rác sinh hoạt/ngày vẫn đang chôn lấp gần 100%.

Đến đầu tháng 3-2017, toàn tỉnh chỉ có Khu xử lý chất thải Quang Trung (huyện Thống Nhất) và Khu xử lý chất thải Túc Trưng (huyện Định Quán) đạt tỷ lệ xử lý rác dưới 15%.

* Không để dây dưa

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, để giảm tỷ lệ chôn lấp rác về dưới 15%, các chủ đầu tư không thể dây dưa kéo dài dự án thêm nữa. Trong cuối tháng 3-2017, tỉnh sẽ cho rà soát lại tất cả các dự án xử lý rác tại Đồng Nai xem tiến độ thực hiện đến đâu, sau đó buộc chủ đầu tư phải ký cam kết tiến độ thực hiện từng tháng. Nếu chủ đầu tư tiếp tục kéo dài dự án và không đủ khả năng thực hiện, có thể thu hồi giao cho các chủ đầu tư khác đủ năng lực triển khai nhanh. “Các địa phương hỗ trợ doanh nghiệp giải phóng mặt bằng để thi công nhanh, cuối năm 2017 có thể đưa tỷ lệ chôn lấp rác sinh hoạt về dưới 36%”- ông Chánh yêu cầu.

Sở Tài nguyên - môi trường cũng đã trình UBND tỉnh 2 phương án để giảm tỷ lệ chôn lấp rác thải sinh hoạt về 36% vào cuối năm 2017. Trong đó, phương án 1, các chủ đầu tư đã cam kết đến tháng 9-2017 sẽ đưa dây chuyền xử lý rác bằng cách làm phân bón và đốt vào hoạt động nếu không đúng lộ trình sẽ tạm ngưng đưa rác về. Như vậy lượng rác trên sẽ đưa về các lò đốt rác, nhà máy đang còn dư công suất, như: Quang Trung, Thanh Tùng, Thiên Thanh... Với phương án 2, tỉnh sẽ yêu cầu các đơn vị thu gom rác phân loại đưa rác về những lò đốt còn dư công suất để xử lý, huy động cả các lò đốt rác nguy hại tham gia xử lý rác sinh hoạt và gia hạn thêm một thời gian ngắn cho các chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ dự án và các sở, ngành sẽ giám sát chặt nếu không thực hiện đúng cam kết sẽ thu hồi giao cho chủ đầu tư mới đủ năng lực.

Như vậy, nếu các chủ đầu tư tăng tốc thì đến năm 2018 mới đưa tỷ lệ chôn lấp chất thải sinh hoạt xuống dưới 15%

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,136,162       45/1,636