Kinh tế

Gỗ mỹ nghệ "tăng ca" đầu năm

Thông thường, vào tháng Giêng tình hình sản xuất thường thong thả. Nhưng sau Tết Nguyên đán năm nay, một số cơ sở gỗ mỹ nghệ tại huyện Trảng Bom phải tăng ca vì đơn hàng xuất khẩu cao hơn mọi năm, nguyên nhân chính vẫn là do các cơ sở sản xuất gỗ theo hướng thủ công truyền thống ngày càng khó thu hút lao động.

Ngay từ đầu năm, nhiều cơ sở gỗ mỹ nghệ đã lo thiếu lao động. Trong ảnh: Cơ sở gỗ mỹ nghệ Nguyễn Đựng (huyện Trảng Bom).
Ngay từ đầu năm, nhiều cơ sở gỗ mỹ nghệ đã lo thiếu lao động. Trong ảnh: Cơ sở gỗ mỹ nghệ Nguyễn Đựng (huyện Trảng Bom).

Trước áp lực về nguồn nhân lực, các cơ sở gỗ mỹ nghệ nỗ lực giữ lao động cũ và đào tạo thêm thợ mới. Nhưng đây vẫn là bài toán khó giải cho sự phát triển của ngành gỗ mỹ nghệ. 

* Lo vì tăng đơn hàng

Bên cạnh làng gỗ mỹ nghệ Bình Minh (huyện Trảng Bom) có nhiều khu công nghiệp đầu tư. Do đó, lao động bị hút về các khu công nghiệp nên làng nghề thủ công ngày càng khó tìm và giữ chân người lao động tại địa phương. Các cơ sở cũng phải tìm và tuyển công nhân từ các tỉnh xa.

Sau mỗi dịp nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều cơ sở đã phải đối mặt với nỗi lo không đủ thợ làm đơn hàng. Ông Nguyễn Thành Nhân, chủ Cơ sở gỗ mỹ nghệ Thành Nhân (xã Bình Minh), than thở: “Mới vào đầu năm, cơ sở đã phải cho công nhân tăng ca vì đơn hàng về nhiều với mức tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Vậy mà có đơn hàng cơ sở buộc phải từ chối vì không đủ thợ làm, cho đến nay một số thợ về quê nghỉ tết không thấy quay lại”.

Ông Nguyễn Đựng, chủ Cơ sở gỗ mỹ nghệ Nguyễn Đựng (xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom), cũng cho rằng khan hiếm lao động đã trở thành nỗi lo thường trực của các cơ sở gỗ mỹ nghệ. “Trước đây, vào những tháng cuối năm khi làng nghề vào cao điểm sản xuất là phải lo giữ thợ, thì nay ngay từ đầu năm chủ cơ sở cũng phải trông đứng, trông ngồi sợ thợ về quê ăn tết rồi không quay lại làm việc. Đầu năm hoạt động sản xuất có hạ nhiệt so với cuối năm, nhưng đây là thời điểm khách hàng đặt mẫu mới rất nhiều nên cơ sở nào cũng lo thiếu thợ”.

* Phát triển theo hướng “tinh”

Tìm cách giữ chân thợ và đào tạo thêm đội ngũ kế thừa là giải pháp của nhiều cơ sở gỗ mỹ nghệ hiện nay. Bà Nguyễn Thị Kim Liên, chủ Cơ sở gỗ mỹ nghệ Linh Liên (xã Bình Minh, huyện Trảng Bom), chia sẻ bí quyết giữ đội ngũ lao động: “Vì là cơ sở sản xuất theo quy mô hộ gia đình nên tôi chỉ giữ ổn định gần 20 lao động. Đa số lao động đều là họ hàng, thân thích nên ít bỏ việc. Tuy vậy, tôi rất quan tâm chăm lo đời sống từ việc trích quỹ lo mọi vấn đề đau ốm, tai nạn, rồi sẵn sàng hỗ trợ khi gia đình công nhân gặp khó khăn. Tôi cũng đề ra chế độ thưởng lương tháng 13, cho nghỉ phép và những chế độ ưu đãi theo như các công ty nước ngoài dành cho công nhân”.

Để ứng phó với tình hình thiếu lao động nhiều cơ sở lại chọn giải pháp là không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến phân khúc thị trường trung và cao cấp chứ không chạy theo số lượng như trước. Ông Nguyễn Đựng cho biết thêm: “Tuy cơ sở có đầu tư máy móc nhưng chỉ đáp ứng được 20% khối lượng công việc, còn lại vẫn chủ yếu dựa vào sự tỉ mỉ của bàn tay người thợ vì đây là đặc thù của ngành thủ công. Một mặt, tôi quan tâm đến các chế độ lương, thưởng để giữ chân người lao động; mặt khác, tôi chuyển hướng làm các đơn hàng ở phân khúc trung, cao cấp để tăng giá trị sản xuất chứ không quá ham mở rộng quy mô hoạt động”.

Theo Trung tâm Khuyến công Đồng Nai, khan hiếm thợ lành nghề đang là khó khăn chung của ngành gỗ mỹ nghệ hiện nay. Vì thế, ngành gỗ thủ công mỹ nghệ buộc phải nâng cao uy tín bằng chất lượng sản phẩm, tinh về chất để tồn tại. Nhiều cơ sở nhỏ lẻ chạy theo phong trào dần bị sàng lọc. Thời gian tới, Trung tâm Khuyến công sẽ làm việc với các địa phương bàn giải pháp hỗ trợ cho những cơ sở gặp nhiều khó khăn.

 Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,155,642       1/691