Kinh tế

Lộn xộn số nhà

Rất nhiều người than phiền là đến TP.Biên Hòa khi muốn tìm người thân, bạn bè, nếu chỉ biết số nhà và tên đường có khi tìm cả buổi cũng không ra. Nguyên nhân là do số nhà ở nhiều tuyến đường hiện tại khá lộn xộn...

Hai căn nhà gần đối diện nhau trên đường Hồ Hòa (phường Tân Phong) bên này số 27, bên kia M1/18/16.
Hai căn nhà gần đối diện nhau trên đường Hồ Hòa (phường Tân Phong) bên này số 27, bên kia M1/18/16 (ảnh nhỏ).

Ví dụ, trên đường Hồ Hòa (phường Tân Phong), tuyến đường lớn dẫn vào UBND phường Tân Phong, bên thì có số nhà 17, 27, 30... nhưng bên đối diện có số nhà M1/18/16, M1/17/15.

Tìm cả buổi không thấy nhà

Không chỉ người dân từ nơi khác đến TP.Biên Hòa mà ngay cả người dân sinh sống lâu năm cũng khó tìm được nhà theo số và tên đường nếu không kèm địa danh. Anh Trần Văn Hòa (ở KP.1, phường Tân Hiệp), nói: “Bạn học cùng trường của tôi ở TP.Hồ Chí Minh đến chơi, tìm nhà theo số lòng vòng mất gần 2 giờ không được đành phải gọi điện thoại hẹn đứng gần ngã tư Tân Phong để tôi ra đón”. Các tuyến đường TP.Hồ Chí Minh thường quy định số nhà bên lẻ, bên chẵn, người tìm chỉ cần nhìn 2-3 số nhà liền kề là hình dung được nơi mình cần tìm thuộc đoạn nào. Nhưng trên các tuyến đường Nguyễn Ái Quốc, Cách Cạng Tháng Tám, 30-4, Võ Thị Sáu, Phạm Văn Thuận (TP.Biên Hòa)... số nhà mới, số nhà cũ vẫn lung tung nên chẳng khác nào “mê hồn trận” cho những người tìm.

Trên đường Nguyễn Ái Quốc đoạn qua phường Tân Phong, nhà đang từ số1446 theo hướng tăng dần nhưng lại xen vào số 137A, 139 dù chỉ cách nhau một vài căn.
Trên đường Nguyễn Ái Quốc đoạn qua phường Tân Phong, nhà đang từ số1446 theo hướng tăng dần nhưng lại xen vào số 137A, 139 dù chỉ cách nhau một vài căn.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổ trưởng Tổ 3 (KP.5, phường Tân Phong), chia sẻ: “Có một bác đến KP.5 này tìm người thân lẩn quẩn cả buổi không thấy nhà. Sau đó, gặp tôi sống tại đây đã vài chục năm và cũng làm công tác tại khu phố mới biết rõ từng hộ và chỉ đến”. Từ xa xưa đến bây giờ, người Biên Hòa mời nhau đến nhà thường chỉ bằng địa danh. Cách nhanh nhất có thể đến nhà là đứng tại một địa điểm nào đó dễ nhận và gọi điện thoại đợi chủ nhà ra đón.

Ông Đoàn Quốc Hoan, Chủ tịch UBND phường Tân Phong, cho hay: “Số nhà mới được làm trình tự, song chưa cấp đồng bộ nên việc sử dụng vẫn rất lộn xộn”. Đến nay, phường Tân Phong nhận được gần 8,4 ngàn đơn đề nghị cấp số nhà và đã chuyển về Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa gần 7,6 ngàn đơn, nhưng chỉ cấp được hơn 3 ngàn số nhà mới. Trong cấp số nhà mới cũng  còn những điểm bất cập là có nơi chỉ có số nhà mới, không có số nhà cũ kèm theo, hoặc có số mới nhưng không có tên đường.

Dù làm xe  ôm hơn 10 năm nhưng ông Hồ Thành Thái (ở KP.2, phường Tân Tiến) thừa nhận: “Khách yêu cầu chở đi tìm số nhà tại Biên Hòa thì tôi chịu thua. Vì số nhà trên các tuyến đường, nhất là các hẻm rất lung tung không tìm nổi”. Một số nhân viên bưu tá đã làm nhiều năm tại Biên Hòa cũng còn than trời vì tình cảnh số nhà mới, số nhà cũ lộn tùng phèo, khó kiếm để chuyển bưu kiện đến cho người nhận.

Bao giờ hết lộn xộn?

Theo ông Doãn Văn Đồng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa, việc cấp số nhà mới đạt tỷ lệ khá cao gần 90%. Số nhà mới được cấp dựa trên số tờ, số thửa của đất và rất khoa học. Những nơi đã được cấp số nhà mới đồng bộ, người dân nên chú ý gắn đầy đủ và bỏ số cũ để không còn xảy ra tình trạng số nhà lộn xộn.

Các phường nội ô của TP.Biên Hòa dân cư sống ổn định từ lâu nên việc cấp số nhà mới cũng đạt tỷ lệ trên 90%, số còn lại chỉ là do đổi tên đường, nhầm lẫn cần điều chỉnh. Khi số nhà mới cấp được đồng bộ và người dân chấp hành việc treo số đầy đủ thì sẽ dần đi vào quy củ, không còn tình trạng loạn số nhà. Tuy nhiên, những phường ngoại ô, phường đất đai còn rộng việc mua bán, sang nhượng đất, xây dựng nhà biến động thường xuyên thì việc cấp số nhà mới đang là vấn đề nan giải. Công nghiệp phát triển, di dân từ nơi khác đến TP.Biên Hòa sinh sống và làm việc tăng nhanh, nhu cầu về nhà ở ngày một lớn. Đất thổ cư có giấy tờ đầy đủ để làm nhà giá thường cao gấp 2-4 lần đất nông nghiệp sang nhượng bằng giấy tay. Vì thế, nhiều người chấp nhận mua đất giấy tay, cất nhà trái phép để có nơi “an cư”. Nhà xây dựng trái phép thì không có số, chủ nhà tự đặt số cũng góp phần làm cho số nhà tại Biên Hòa thêm lung tung.

“Phường thống kê cấp số nhà mới cho người dân từ năm 2010, tỷ lệ cấp số nhà mới đạt 5.110/5.924 hộ dân, đạt gần 86%. Số còn lại là do các hộ dân không chịu làm đơn đề nghị cấp vì ngại ở trong hẻm số nhà có nhiều “sẹc”. Phường nhiều lần tuyên truyền, vận động nhưng các hộ vẫn chưa làm” - Phó chủ tịch UBND phường Tân Hiệp Mai Xuân Lượng cho hay. Thực tế, số hộ phát sinh sau này do xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại phường Tân Hiệp lên đến cả ngàn hộ chưa được cấp số nhà. Trong số đó, nhiều hộ nhà phù hợp với quy hoạch đất ở, người dân có thể xin chuyển mục đích, đóng thuế sang đất thổ cư, đề nghị cấp phép xây dựng và cấp số nhà. Số tiền chuyển từ đất nông nghiệp sang thổ cư khá cao, lên đến vài trăm triệu đồng nên các hộ không chuyển mục đích và tự chọn số nhà theo ý mình cho có. Đây đang là vấn đề nan giải ở nhiều phường, như: Tân Hiệp, Tân Phong, Trảng Dài, Long Bình...

Số nhà mới, số nhà cũ lộn xộn chưa cấp đồng bộ ngoài bức xúc cho người dân tìm đường thì chính quyền các phường cũng gặp khó khăn trong việc thu thuế. Còn người dân khi liên quan đến các thủ tục làm hộ khẩu, vay vốn ngân hàng cũng phải mất thêm thời gian chứng nhận số nhà mới, số nhà cũ...

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  2,409,425       55/1,159