Kinh tế

Thị trường ASEAN: Chưa như mong đợi

Đầu năm 2016, Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức thành lập, nhiều dòng thuế giảm về 0%, vì thế các doanh nghiệp Đồng Nai kỳ vọng xuất khẩu sang thị trường này sẽ tăng cao. Song thực tế lại không như chờ đợi.

Sản xuất bánh kẹo tại Nhà máy Bibica ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (TP.Biên Hòa).
Sản xuất bánh kẹo tại Nhà máy Bibica ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (TP.Biên Hòa).

Theo Cục Hải quan Đồng Nai, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong tỉnh vào thị trường ASEAN gần 6 tháng đầu năm đạt gần 597 triệu USD, tăng không đáng kể so với năm 2015. Đây là thị trường có hơn 620 triệu dân với GDP 2.300 tỷ USD, thì xuất khẩu của Đồng Nai vào thị trường trên là quá ít ỏi, chỉ chiếm khoảng 8% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

* Cơ hội chưa đến

Nhiều doanh nghiệp Đồng Nai có xuất khẩu sang thị trường ASEAN đều khẳng định, dù đã hình thành thị trường chung, hàng hóa, dịch vụ, vốn... luân chuyển tự do, song doanh nghiệp trong tỉnh có xuất khẩu sang thị trường này chưa hưởng được nhiều lợi thế.

Ông Lê Đức Vinh, Giám đốc Hành chính - nhân sự Công ty TNHH sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa), cho hay: “Công ty rất trông đợi Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức thành lập để mở rộng xuất khẩu sang thị trường này. Nhưng đã 6 tháng trôi qua, xuất khẩu hàng hóa của công ty vào thị trường ASEAN vẫn chưa có tăng trưởng rõ nét dù công ty có nhiều chính sách phát triển thị trường trên 600 triệu dân này”. Thực tế, kim ngạch xuất khẩu vào ASEAN của Đồng Nai cũng như cả nước tăng không đáng kể là do những mặt hàng Việt Nam cũng như Đồng Nai sản xuất thì các nước khác như: Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia cũng đang sản xuất khá nhiều và giá cả tương đối cạnh tranh.

“Nhiều năm nay, thị trường ASEAN chiếm khoảng 50% kim ngạch xuất khẩu của Bibica. Khi Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức thành lập, công ty dự kiến mở rộng xuất khẩu vào thị trường trên, song kim ngạch xuất khẩu vẫn không tăng được vì bánh kẹo của Thái Lan, Indonesia, Malaysia khá đa dạng và giá rất cạnh tranh với hàng Việt, nên mở rộng thị phần không dễ” - ông Nguyễn Quốc Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Bibica có nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (TP.Biên Hòa), nói.

Các doanh nghiệp cho hay, từ khi Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức thành lập, xuất khẩu chưa tăng nhưng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc giữ thị trường nội địa vì hàng Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore tràn vào Việt Nam với số lượng lớn. Điều khiến doanh nghiệp Việt Nam phải để tâm là người tiêu dùng trong nước tương đối tin tưởng chất lượng sản phẩm của các nước trong khối ASEAN.

* Hàng mang tiêu chuẩn khu vực

Tuy cơ hội từ Cộng đồng kinh tế ASEAN mang lại cho doanh nghiệp Đồng Nai còn ít, song bước đầu đã đánh động nhiều doanh nghiệp trong sản xuất phải chú ý đến chất lượng hàng hóa, đổi mới công nghệ để tăng sức cạnh tranh. Đặc biệt, các doanh nghiệp đã từng bước thay đổi, sản xuất có kế hoạch ngắn, trung, dài hạn 5-10 năm và phải xây dựng sản phẩm mang tiêu chuẩn khu vực.

Cộng đồng kinh tế ASEAN gồm 10 nước là: Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Brunei và Myanmar. Mục tiêu phát triển của Cộng đồng kinh tế ASEAN là tạo ra không gian chung của 10 nước để thu hút đầu tư từ Hoa Kỳ, châu Âu, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Ông Phạm Thế Linh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thế Linh ở phường Hố Nai (TP.Biên Hòa), chia sẻ: “Sản phẩm chăn, drap, gối, nệm của công ty xuất sang thị trường Lào, Campuchia từ năm 2012, mỗi năm xuất khoảng 12 ngàn sản phẩm. Từ đầu năm 2016, Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức thành lập, tuy xuất khẩu sang những thị trường này chưa tăng song công ty đã ý thức việc sản xuất sản phẩm mang tầm khu vực để có thể cạnh tranh được hàng trong khối về chất lượng và mẫu mã”. Theo ông Linh, hàng Việt Nam xuất khẩu hiện đang yếu thế hơn nhiều nước trong khu vực vì chưa xây dựng được thương hiệu quốc gia. Đây sẽ là dịp sàng lọc những doanh nghiệp làm ăn không đúng đắn, chụp giật và sẽ bị đào thải trong tương lai gần.

Nhiều doanh nghiệp Đồng Nai bày tỏ mong muốn tỉnh sẽ tổ chức nhiều đợt xúc tiến thương mại ra nước ngoài hơn nữa. Đồng thời, các đợt xúc tiến thương mại nên đi theo ngành hàng, như vậy khi tham gia các hội thảo sẽ chuyên sâu, các doanh nghiệp dễ tìm đối tác liên kết sản xuất và cung ứng hàng hóa hơn. Ông Dương Minh Dũng, Phó giám đốc Sở Công thương, cho biết: “Không chỉ xuất khẩu sang thị trường ASEAN mà các thị trường khác cũng đang có dấu hiệu chậm lại. Hàng Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh gay gắt với các nước trong khu vực lẫn Trung Quốc và Ấn Độ. Doanh nghiệp muốn tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường ASEAN và các nước khác thì sản phẩm ngoài đảm bảo chất lượng thì giá cả còn phải cạnh tranh”.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  2,484,268       4/990