Chính trị

Thiên sử vàng Điện Biên Phủ - 60 năm vẫn còn vang dội

PN - Hôm nay, nhân dân Việt Nam và bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới long trọng kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), một sự kiện lịch sử mà ngay cả những người bên kia chiến tuyến cũng phải nể phục.

Trước thềm lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Tân Hoa Xã viết: “Dám chiến đấu, dám chết cho chiến thắng của Điện Biên Phủ!” - là câu nói ghi lòng tạc dạ của mỗi người lính Việt Nam tham gia chiến dịch giải phóng Điện Biên Phủ cách đây 60 năm. Trước đó, ngày 2/5, Tân Hoa Xã có bài viết Hồi ức Điện Biên Phủ sống mãi trong tâm trí các cựu chiến binh Việt Nam với nhiều câu chuyện cảm động và đáng nhớ của các chiến sĩ Điện Biên năm xưa.

AFP dẫn lại hồi ức của ông Hoàng Đăng Vinh, người lính trẻ năm xưa đã bắt sống Đờ Cát, vị tướng chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Japan Times cũng đăng lại câu chuyện bắt tướng Đờ Cát của chiến sĩ trẻ này.

Hãng tin Anh BBC có bài dài 1.280 chữ với tiêu đề Điện Biên Phủ: Có phải Mỹ từng đề nghị cung cấp cho Pháp một quả bom A? Bài báo cho biết, theo nhà sử học Julian Jackson, sự kiện quân đội Pháp bị lực lượng Việt Nam đánh bại tại Điện Biên Phủ 60 năm trước là một bước ngoặt trọng đại trong lịch sử của cả hai quốc gia, cũng như trong chiến tranh lạnh, và là trận chiến mà một số nhân vật tại Mỹ dường như đã dự tính đến việc sử dụng vũ khí nguyên tử để giải quyết.

Các hãng thông tấn và báo chí quốc tế khác như AP, Reuters, RIA Novosti, Strait Times, Le Figaro,… đều đưa tin về các hoạt động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ và đăng lại những bức ảnh tư liệu của chiến dịch Điện Biên năm 1954.

Chiến sĩ Việt Nam phất cờ chiến thắng trên nóc hầm tướng Đờ Cát ở Điện Biên Phủ - Ảnh: Tư liệu TTXVN

Nếu như ngày 2/9/1945 đánh dấu sự ra đời của một nhà nước non trẻ ở châu Á, thì chín năm sau, ngày 7/5/1954 đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi, “một tiếng sét trong thế giới thuộc địa”. Nhà văn Pháp Maurice Genevoix (1890-1980) là người đã đi hầu khắp châu Phi. Trong cuốn sổ ghi chép của ông về thời cuộc, ông viết: “Khắp những nơi tôi đi qua, từ Tunisia, Algeria, Morocco, Senagal, Sudan, Guinea, Bờ Biển Ngà hay Niger, hiển nhiên các sự kiện quan trọng tại Đông Dương được coi là có tính chất quyết định”. Do vậy, sau khi người Việt Nam đánh bại Pháp tại Điện Biên Phủ, báo L’Essor (Mali) đã viết: “Ngoài nền độc lập, Algeria không còn mong muốn gì hơn nữa. Nếu Pháp khăng khăng giữ thái độ của mình, không chỉ có một Điện Biên Phủ mới đang được chuẩn bị, mà còn là số phận của chính nước Pháp đang lâm nguy”. Thiết nghĩ, những dòng đó đủ để chứng minh cho ý nghĩa “khởi đầu và lan tỏa” của chiến thắng Điện Biên Phủ.

60 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hai nước láng giềng có quan hệ trực tiếp đến trận đánh này 60 năm trước - Trung Quốc và Lào - đã tổ chức hội thảo khoa học để kỷ niệm một sự kiện được đánh giá như mốc son lịch sử trong quan hệ Việt - Trung và Việt - Lào. Truyền thông Pháp, nước thất trận năm 1954, cũng có những bài viết đánh giá cao ý nghĩa của trận đánh tại thung lũng Điện Biên Phủ, một địa danh Việt Nam đã đi vào từ điển Larousse của Pháp.

“Chiến thắng Điện Biên Phủ, trước hết là thắng lợi của nhân dân Việt Nam, thắng lợi của chính nghĩa, là sự lãnh đạo tài tình, chính xác của Đảng Cộng sản Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Chiến thắng này cũng thể hiện tinh thần đoàn kết tương trợ giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc khi đó”. Đó là khẳng định của các nhà khoa học Trung Quốc tại Hội thảo Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhớ về lịch sử, kế thừa tình hữu nghị, tăng cường hợp tác do Viện khoa học xã hội Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức ngày 4/5.

Binh lính Pháp bại trận tại Điện Biên Phủ - Ảnh: Tư liệu TTXVN

Nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Thứ trưởng Bộ Thông tin, văn hóa và du lịch Lào Bounguen Sapouvong đã có bài viết quan trọng ca ngợi “chiến thắng Điện Biên Phủ là biểu tượng sinh động của tình đoàn kết đặc biệt, hữu nghị và liên minh quân sự lớn giữa Lào và Việt Nam”. Ông viết, 60 năm sau sự kiện này, người dân Lào và các quốc gia yêu chuộng hòa bình trên thế giới vẫn nói về nó với lòng ngưỡng mộ và niềm tự hào. Điện Biên Phủ là một chiến thắng không chỉ của ba nước Đông Dương mà còn là của tất cả các nước bị áp bức trên thế giới.

Ngày 5/5, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế Chiến thắng Điện Biên Phủ - sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại tại Hà Nội. Tham luận tại hội thảo của nhà sử học Pháp Alain Ruscio nói rằng, đầu năm 1954, khi nhận thấy thất bại khó tránh của quân viễn chinh Pháp, báo chí Pháp đã ngưng ca ngợi chiến thuật của tướng Henri Navarre trong việc lập ra tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, mà chuyển sang ca ngợi lòng dũng cảm của lính Pháp trong chiến hào.

Truyền thông Pháp chỉ trở lại đề tài chính khi sự kiện bi thảm diễn ra và hầu hết tất cả các báo thời đó đều cùng giật tít: Điện Biên Phủ thất thủ! Mùa hè năm 1954, trên báo Pháp có nhiều bài về Hiệp định Genève về đình chiến tại Đông Dương và sự kiện trao trả tù binh. Sau thời điểm đó, báo chí Pháp ít đả động đến Điện Biên Phủ, một sự kiện bi thảm tác động mạnh tới lịch sử nước Pháp trong thế kỷ XX, một vết thương tưởng chừng vẫn chưa lên da non sau 60 năm.

Clip Lễ diễu binh kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại thành phố Điện Biên sáng  07/05/2014

 THANH HẢI (Theo AFP, BBC, Xinhua, VOV)

www.phunuonline.com.vn

Điện Biên Phủ, chiến thắng Điện Biên Phủ, báo chí Pháp


© 2021 FAP
  263,093       1/967