Xinh đẹp, nết na nhưng chị Hoan phải chịu nhiều bất hạnh. Sau khi ly hôn, chị sinh một mình, được ít lâu thì bị sát hại dã man.
Ngày 4/2, TAND tỉnh Bắc Giang thông báo hoãn phiên xử Lý Nguyễn Chung (trú thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang)về hành vi giết người, cướp tài sản do nghi can Chung không có mặt tại phòng xử. Chung là hung thủ trong vụ án oan nổi tiếng của ông Nguyễn Thanh Chấn cách đây hơn 10 năm. Nạn nhân trong vụ án này là chị Nguyễn Thị Hoan (chủ tiệm tạp hóa gần nhà Chung và ông Chấn), bị sát hại ngày 15/8/2003.
Chị Hoan là con gái thứ hai trong gia đình 4 anh chị em, có tiếng ngoan ngoãn, chăm làm. Năm 12 tuổi, chị đã biết giúp mẹ làm công việc nhà, đạp xe từ Bắc Giang lên tận Hà Nội mua giấy sỉ về bán lẻ kiếm lãi.
Không những tháo vát, chị Hoan càng lớn càng xinh đẹp nức tiếng trong vùng. Năm 17 tuổi, một lần đi buôn giấy, bà chủ cửa hàng thấy chị hiền lành nết na đã ngỏ lời giới thiệu cho con trai mình. Chỉ sau vài tháng quen biết, họ nên duyên vợ chồng.
Cả hai sống ở nhà chồng tại thị trấn Nhã Nam (huyện Tân Yên). Chung sống hơn 7 năm, con trai tròn 6 tuổi thì gia đình tan vỡ. Theo bà Hoàng Thị Hội (65 tuổi, mẹ nạn nhân Hoan), thời gian đầu hai người làm ăn thuận lợi. Nhưng càng về sau, do càng ngày buôn bán càng ế ẩm, lâm nợ nần nên vợ chồng rơi vào cảnh lục đục.
Di ảnh nạn nhân Hoan. |
Ngày ly hôn, chị Hoan chỉ được nhà chồng cho đem theo túi áo quần về nhà ngoại. “Nó với chồng làm ăn khá lắm, thời đó mua được cả xe máy là giàu lắm rồi. Nhưng nhà chồng giữ lấy hết, giành cả đứa cháu”, bà Hội kể.
Chị Hoan quyết tâm làm lại cuộc đời, vay mượn họ hàng đứng ra mở cửa hàng buôn bán phân bón, hàng tạp hoá tại trung tâm thôn Me (xã Nghĩa Trung). Nhờ khéo léo lại có duyên kinh doanh, cửa hàng luôn đông khách.
Về đời tư, chị thổ lộ với mẹ sẽ không “đi bước nữa” mà chỉ kiếm mụn con làm chỗ nương tựa cuối đời. Năm 2002, chị sinh đứa con trai thứ hai đang học lớp 7. Nhờ công việc thuận lợi, chỉ vài năm sau đó chị Hoan trả được phần nào nợ, xây cửa hàng khang trang hơn, cùng con trai ăn ở luôn tại quán cho tiện việc kinh doanh.
Mọi chuyện đang diễn ra suôn sẻ thì tai hoạ ập xuống. Tối ngày 15/8/2003, bà Hội đang ăn cơm thì nghe đứa cháu họ gọi giật giọng: “Chị Hoan đi đâu mà để thằng Đức khóc quá. Bà lên xem thế nào”. Bà tất tưởi chạy lên, gọi mãi nhưng không nghe tiếng con trả lời, đứa cháu thì khát sữa khóc ré.
Đẩy cửa vào, bà lạnh sống sưng thấy con nằm bất động trên giường. Hình ảnh ấy hàng chục năm vẫn ám ảnh bà. “Con Hoan bị đánh ở hai bên bả vai, mặt, đầu. Máu be bét đến nỗi lúc đầu tôi còn tưởng lầm ai làm đổ nước ra sàn nhà. Con bé bị đánh đập dữ lắm, còn bị bịt gối vào mặt cho tắt thở”, giọng bà Hội run run.
Những ngày sau đó bà đau đớn điên loạn, lo tang lễ cho con, chứ chưa tính đến chuyện ai là thủ phạm. Đúng 49 ngày mất của chị Hoan, công an bắt ông Nguyễn Thanh Chấn. Cả gia đình chị Hoan lẫn dân làng đều ngớ người, không ai nghĩ ông Chấn lại dã man đến thế.
“Hôm công an về khám nghiệm hiện trường, ông Chấn còn giúp mổ gà nấu cháo cho nhà tôi ăn đêm lấy sức”, bà nói. Cả thôn Me bấy giờ chỉ có 2 cửa hàng bán phân bón và hàng tạp hoá, cửa hàng chị Hoan lớn và đông khách hơn cửa hàng ông Chấn. Vì vậy nhiều ý kiến hoài nghi ông Chấn ghen ghét cửa hàng “đối thủ” đông khách.
Em trai chị Hoan nói: “Thực tình tôi không tin ông Chấn hành động như vậy. Nhưng mọi chuyện đều do công an điều tra và kết luận. Ông Chấn với chị gái tôi quan hệ lối xóm bình thường, hai bên chưa hề xích mích gì, có khi còn nhường nhau mối giao hàng nữa”.
Hiệu tạp hóa nơi Chung sát hại chị Hoan. |
Bà Hội tâm sự, chồng bà bị viêm tắc động mạch phải cắt bỏ lần lượt 2 chân vào các năm 1979, 1980. Rồi từ khi con gái bị giết, vợ chồng bà phải nuôi thêm đứa cháu ngoại vừa 16 tháng tuổi. “Đêm nào thằng bé cũng khóc vì thiếu mẹ. May rằng nó chịu bú sữa hộp thay thế. Từ ngày con gái mất, bao nhiêu sữa tồn lại cửa hàng đều để lại cho cháu uống, nhờ thế nó mới sống được”, bà nói.
Nuôi chồng tàn tật lại cưu mang thêm đứa cháu sơ sinh, bà lão ngày càng gầy hóp. Từ 54 kg, bà chỉ còn 37 kg. Đứa trẻ ngày càng lớn, ăn uống càng khoẻ, bà nhớ lại: “Mỗi ngày nó có thể uống hết 8 hộp sữa nhỏ. Nhiều hôm chẳng biết lấy tiền đâu mua sữa cho cháu, tôi chỉ biết ôm mặt khóc”.
Đám tang con gái vừa xong, nhiều người kéo đến hỏi chuyện nợ nần. Bấy giờ, bà mới té ngửa trước khoản nợ gần 30 triệu đồng của con gái, từ vay xây quán đến nợ tiền hàng. Cũng bởi nợ nần của chị gái chết đột ngột để lại, người em trai đành bỏ học giữa chừng đi phụ hồ kiếm tiền trả. Vợ chồng bà Hội nuôi thêm lợn, gà để gom tiền trả nợ cho con gái.
“Hơn 3 năm sau từ ngày chị tôi qua đời, gia đình mới trả hết nợ. Nhiều chủ nợ đến đòi tiền không có, vào tận bếp lục lấy gạo mang đi”, người em trai trình bày. Tai họa chưa dừng lại. Năm 2012 bà Hội mổ sỏi thận. Năm 2013 bố chị Hoan lâm bệnh qua đời. Năm nay, bà lại mổ cắt bỏ một bên thận. Những nỗi đau như chồng thêm nỗi đau từ ngày con gái bạc mệnh của bà qua đời.
Theo cáo trạng, đêm 15/8/2003, Chung (trú thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên) tới tiệm tạp hóa của cô hàng xóm Nguyễn Thị Hoan mua dầu gội đầu. Nhìn thấy hộp đựng tiền trong tủ kính bày hàng, Chung nảy lòng tham nên đoạt mạng chủ quán cướp đi hai nhẫn vàng, 59.000 đồng và bỏ trốn ngay sau đó. Thời điểm gây án, Chung chưa tròn 15 tuổi.
Công an huyện Việt Yên cho rằng ông Nguyễn Thanh Chấn (cùng trú thôn Me) là thủ phạm nên bắt giam. Hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm sau đó đều xác định ông Chấn có tội, tuyên án tù chung thân về tội giết người.
Hơn 10 năm bị bắt, ông Chấn liên tục kêu oan. Ở bên ngoài, vợ ông cũng nỗ lực minh oan cho chồng, ròng rã "gõ cửa" nhiều cơ quan công quyền và cho rằng thủ phạm thực sự là người cùng làng Lý Nguyễn Chung. Tháng 7/2013, xem xét đơn của bà, Cục điều tra VKSND Tối cao đã vào cuộc.
Lý Nguyễn Chung trong phiên tòa mở cuối tháng 9/2014. |
Ngày 25/10/2013, ông Chấn được "giải oan" khi Chung ra đầu thú. Hai ngày sau khi được VKSND Tối cao tạm tha về nhà, ngày 6/11/2013 TAND Tối cao trong phiên tái thẩm đã hủy hai bản án kết tội ông Chấn.
Hơn 4 tháng trước, phiên xử Chung sau ít phút được mở đã phải tạm hoãn do xuất hiện một số tình tiết về trách nhiệm bồi thường dân sự cho con nạn nhân, trong đó có việc hai bản án tuyên ông Chấn phải trả tiền cấp dưỡng vẫn chưa được tuyên hủy.
Chủ tọa cho hay trước thời điểm mở phiên xử ngày 4/2, từ trại tạm giam Chung nhờ tòa án chuyển đơn cho bố mẹ để đề nghị bồi thường giúp thiệt hại cho gia đình nạn nhân. Bố của Chung cho hay sẽ bồi thường theo khả năng cao nhất có thể. Hiện ở tuổi 65, ông vẫn đi phụ hồ, vợ làm ruộng.
"Chúng tôi chỉ mong gia đình bị hại đồng ý cho bồi thường dần dần chứ đùng một lúc biết lấy đâu ra, hơn nữa cũng phải xem tòa ra phán quyết bồi thường như thế nào", mẹ kế của Chung nói.
Theo Pháp Luật Việt Nam, VnExpress
Phận hồng nhan bạc mệnh của nạn nhân vụ án ông Chấn - Ngôi sao