Đưa lên một nghĩa trang có hai chiếc huyệt đào sẵn, con tin bị dọa rằng nếu không đưa 20 tỷ đồng thì sẽ chết.
Đầu tháng 3, anh Nguyễn Thế Anh (sinh năm 1975, trú tại phường Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội), Giám đốc một công ty TNHH sản xuất và xuất nhập khẩu thương mại vừa được giải cứu sau hơn 400 giờ bị bắt cóc ở Trung Quốc. Sự việc đã trôi qua nửa tháng nhưng tới giờ, anh vẫn chưa hết bàng hoàng.
Anh Thế Anh cho biết, nhiều đêm ký ức kinh hoàng ùa về khiến anh tỉnh giấc, mồ hôi đầm đìa. Dù rất từng trải trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam và ngược lại, song sự cố ngày 17/2 vừa qua khiến anh suốt đời không thể nào quên.
“Hôm đó, qua sự giới thiệu của bạn bè, tôi cùng với nhân viên của công ty, đồng thời là phiên dịch Vũ Đình Chiến có mặt tại Cao Bằng, gặp một doanh nhân người Trung Quốc tên Lủng. Lủng cao chừng 1,6m, đầu hói, hơn tôi một vài tuổi. Sau một vài câu hỏi làm quen xã giao, chúng tôi trao đổi số điện thoại, Lủng hẹn nếu có dịp sang Trung Quốc thì gặp gỡ tạo cơ hội làm ăn”, anh Thế Anh nhớ lại.
Chiều hôm đó, anh Thế Anh cùng phiên dịch làm thủ tục sang Nam Ninh (Trung Quốc) qua cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng) để thăm hỏi, chúc Tết các bạn hàng lâu năm. Trưa 18/2, trong khi anh và bạn bè đang ăn cơm, Lủng tạt qua nhậu cùng. Tối hôm đó, Lủng mời hai người đi uống trà. Lủng đánh xe, đưa anh Thế Anh và phiên dịch đến một quán trà khá vắng vẻ.
Nạn nhân nhớ lại những giây phút kinh hoàng trong tay bọn bắt cóc. |
Khoảng 21h cùng ngày, khoảng chục tên bất ngờ ập đến, có kẻ đội mũ, kẻ mặc áo có mũ trùm đầu với hung khí trên tay, vẻ mặt dữ tợn khống chế anh Thế Anh và anh Chiến. Chúng tịch thu điện thoại, tháo pin, vứt sim của hai người, đẩy lên ôtô phóng vút đi.
Sau khoảng 4h đồng hồ chạy lòng vòng, chúng nghe sự chỉ đạo từ xa của tên cầm đầu, dẫn hai con tin men theo đường núi, lên một khu nghĩa trang. Tại đó, đã có hai chiếc huyệt đào sẵn. Chúng trói giật cánh khuỷu hai người, rồi tên thì cầm gậy vụt, tên thì đấm đá… Một tên hung hổ xốc nách phiên dịch Chiến đứng dậy, nói: “Mày bảo ông chủ của mày mau nôn ra đây 600 vạn nhân dân tệ (khoảng 20 tỷ đồng) thì hai đứa sẽ được sống sót trở về”.
Anh Thế Anh nói: “Hôm nay chỉ sang đây chơi thăm bạn bè không mang nhiều tiền thế”. Tên nhóm trưởng tiếp: “Thế thì mày phải gọi điện về nhà, bảo người thân mau gửi tiền cho bọn tao”. Từ 600 vạn, chúng rút xuống còn 300 vạn, và “giá chốt” cuối cùng la 200 vạn nhân dân tệ. Để giữ tính mạng, anh Thế Anh đồng ý cho chúng 50 vạn nhân dân tệ.
Sau khi được lệnh của “ông chủ”, những tên này vẫn trói anh và anh Chiến, bắt quỳ suốt đêm bên bãi tha ma, mặc cho mưa gió rét buốt. Khoảng 5h sáng, chúng cởi trói rồi nhốt hai con tin ở hai phòng nhỏ tại miền rừng núi hoang vu huyện Ngọc Lâm (Quảng Tây).
Tại đây, bọn chúng thay phiên nhau ngồi canh giữ con tin, đến trưa hôm sau chúng mới cho hai con tin ăn một bát cháo. Tiếp đó, chúng đẩy hai người lên ôtô, đưa đến Thượng Tư rồi tách hai anh em ra, giam mỗi người ở một phòng.
Đêm 20/2, chúng đưa hai con tin về một làng thổ phỉ tại Phòng Thành (Đông Hưng, Quảng Tây). Cứ khoảng 1-2 ngày chúng lại tống hai người lên ôtô, đi chừng 30-100 km rồi bắt gọi điện thoại về nhà để giục người nhà nộp tiền chuộc. Chúng cũng không bao giờ cho nạn nhân gọi quá 2 phút điện thoại (để tránh bị định vị). Sau mỗi cuộc gọi, bọn chúng lập tức tắt máy, tháo sim.
Sau chừng một tuần bị bắt cóc, những tên này đã đưa Thế Anh đến thành phố Quảng Châu (Quảng Đông), nhốt tại tầng 3 của một khu nhà 4 tầng. Còn anh Chiến bị cầm tù tại Phòng Thành.
“Mỗi ngày chúng chỉ cho tôi ăn 2 bữa vào tầm 11h trưa và 19h tối. Bữa trưa thường là cháo, mì, phở. Bữa tối mới có cơm. Khi nằm ngủ cũng có một tên nằm bên cạnh. Cảm giác mình có thể bị chúng thủ tiêu bất cứ lúc nào…”, anh Thế Anh nhớ lại. Rất may trong quá trình chúng cho gọi điện về nhà, anh đã kịp cung cấp được vị trí nơi anh đang bị nhốt. Từ đó công an, biên phòng Việt Nam và Trung Quốc đã phối hợp giải cứu thành công.
Theo phiên dịch Vũ Đình Chiến, nhóm này tỏ ra rất chuyên nghiệp. Mỗi lần di chuyển chúng thường dùng ba chiếc xe (mỗi xe có chừng 10 ghế). Cứ đi được vài chục km thì dừng lại, thay đổi biển số; đồng thời cũng đảo vị trí con tin trên xe. Hằng ngày, chúng đến vài lần đưa cơm, cháo và nước uống.
Nhóm này cũng thường xuyên dựng con tin dậy vào ban đêm, yêu cầu chuyển tiền cho chúng thì sẽ được thả còn không chỉ có nước chết. Nhiều lần chúng còn dẫn anh Chiến ra khu vực ao cá, doạ sẽ đẩy xuống ao…
Sau khi nhận được đơn trình báo của gia đình bị hại, Cục C45 phối hợp với Văn phòng Interpol đã khẩn trương phối hợp với công an Trung Quốc tiến hành nhiều biện pháp để giải cứu con tin.
Qua sự trao đổi thông tin, Công an Trung Quốc đã xác định được nơi anh Thế Anh bị giam giữ. Khoảng 12h trưa ngày 5/3, gần 100 cảnh sát Trung Quốc đã tiến hành đột kích bắt toàn bộ nhóm kẻ xấu đang giam giữ nạn nhân cùng nhiều nhóm tội phạm khác đang trú ngụ tại khu vực này.
Chừng 2 giờ sau, một tổ công tác khác của công an Trung Quốc đã lần theo dấu vết nhóm này ở Nam Ninh. Khi ba tên đang dẫn anh Chiến di chuyển ra một khu vực khác thì bị tổ công tác đuổi kịp, bắt gọn. Sau khi tiến hành giải cứu, Công an Trung Quốc đã đề nghị anh Thế Anh và anh Chiến ở lại một thời gian để tiến hành ghi lời khai, truy bắt những tên cầm đầu, mở rộng vụ án.
Ngày 12/3, tại cửa khẩu Hữu Nghị Quan, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Lạng Sơn, đại diện C45 Bộ Công an đã tiếp nhận hai con tin người Việt Nam bị giang hồ Trung Quốc bắt cóc hơn nửa tháng, tương đương khoảng 400 giờ.
Anh Thế Anh và anh Chiến rất cảm kích đối với sự giúp đỡ của công an hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Đồng thời, anh Thế Anh cũng hy vọng sẽ sớm thu hồi được số tiền 60 vạn tệ mà mình đã vay của bạn bè để chuyển vào tài khoản ngân hàng của bọn bắt cóc.
Theo Tiền Phong, An Ninh Thủ Đô
400 giờ kinh hãi của giám đốc bị bắt cóc ở Trung Quốc - Ngôi sao