Giáo dục

Bộ Giáo dục cấp học bổng cho sinh viên chương trình chất lượng cao

Chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao của Bộ Giáo dục sẽ hỗ trợ trực tiếp cho sinh viên thông qua học phí, thay vì hỗ trợ tài chính cho các trường đại học như trước đây.

Ngày 30/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tổng kết 10 năm (2006 - 2016) thực hiện đề án đào tạo theo chương trình tiên tiến tại một số trường đại học Việt Nam.

Phát biểu tại đây, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định con số 3.600 sinh viên đã tốt nghiệp từ chương trình là "rất đáng trân trọng", và tiết kiệm được chi phí lớn so với việc đưa số lượng sinh viên này ra nước ngoài học. 

"Chương trình tiên tiến đã thành công cả về nhiệm vụ đào tạo lẫn lan toả, thúc đẩy sự phát triển của các chương trình đào tạo khác. Sứ mệnh tạo nền móng, nội lực cho các đại học của chương trình tiên tiến đã hoàn thành", ông Nhạ nói.

bo-giao-duc-cap-hoc-bong-cho-sinh-vien-chuong-trinh-chat-luong-cao

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đánh giá đề án đào tạo theo chương trình tiên tiến đã thành công. 

Cho rằng sẽ rất lãng phí nếu không phát triển tiếp chương trình đã tạo được thương hiệu, Bộ trưởng Giáo dục nói Bộ sẽ xây dựng đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao trên cơ sở kế thừa, phát triển chương trình tiên tiến và bám sát xu hướng thâm dụng công nghệ, năng suất… của nền kinh tế thị trường.

Điểm mới của chương trình nhân lực chất lượng cao là không hỗ trợ cho các đại học như chương trình tiên tiến, thay vào đó sinh viên sẽ nhận hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách. "Chúng tôi sẽ hỗ trợ học phí cho các sinh viên của chương trình chất lượng cao. Học bổng này cấp theo đầu sinh viên và có sự cạnh tranh, trường nào chất lượng đào tạo tốt hơn sẽ có nhiều sinh viên được nhận hỗ trợ", ông Nhạ nói.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục cũng cho biết, đề án nhân lực chất lượng cao sẽ thực hiện theo hướng mở về các ngành đào tạo; không hạn chế các ngành được chọn ban đầu như chương trình tiên tiến. Theo cách thức này, ngành nào, trường nào đào tạo không tốt sẽ bị "đào thải" và thay thế bằng những ngành/trường chất lượng hơn.

Trong đề án nhân lực chất lượng cao, ngành đào tạo được chọn dựa trên đề xuất của các trường, sau khi đã rà soát, phân tích và dự báo xu hướng của thị trường. Trước đây, một số ngành của chương trình tiên tiến không dựa vào dự báo, sau một thời gian trở nên lỗi thời, không tuyển được sinh viên.

Ngoài ra, chương trình tiên tiến bị phụ thuộc nhiều vào giảng viên nước ngoài, giảng viên trong nước do chưa được chuẩn bị tốt nên chất lượng không đảm bảo. Trong khi đó, theo Bộ trưởng Nhạ, "thầy nước ngoài chưa chắc đã giỏi, giáo sư nước ngoài thực sự giỏi thì ta không đủ tiền mời về". Chính vì vậy, trong thời gian tới, đề án nhân lực chất lượng cao sẽ sử dụng nhiều hơn nguồn lực trong nước.

Bộ trưởng Nhạ cho rằng, Việt Nam có nhiều GS, TS, nhà khoa học đi học ở nước ngoài về, có quá trình làm việc thực tế, khi giảng dạy được sinh viên rất thích. Đây chính là đội ngũ mà các đại học nên mời về giảng dạy chương trình chất lượng cao. Danh tiếng của những giảng viên ấy sẽ thu hút được nhiều sinh viên giỏi đến học và nâng tầm thương hiệu của nhà trường.

Dự kiến tháng 3/2017, Bộ Giáo dục sẽ hoàn thành đề án nhân lực chất lượng cao, trình Chính phủ phê duyệt.

Đến năm 2012, đề án đào tạo theo chương trình tiên tiến đã có 23 đại học triển khai thực hiện 35 chương trình đào tạo của 22 đại học trên thế giới. Gần 2.000 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ trong nước và hơn 1.800 lượt giảng viên nước ngoài, giảng dạy chương trình này.

Đến nay hơn 3.600 trong tổng số 13.270 sinh viên được tuyển, đã tốt nghiệp, hầu hết tìm được việc làm đúng nghề hoặc học tiếp lên trình độ cao hơn. Trong đó, khoảng 20 sinh viên tốt nghiệp chương trình tiên tiên Điều dưỡng của Đại học Y Hà Nội đã được chấp nhận sang làm việc tại Cộng hoà Liên bang Đức…

VNExpress

đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao, bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình tiên tiến


© 2021 FAP
  853,845       2/936