Giáo dục

Phụ huynh lo học phí trường công chất lượng cao lên 5,3 triệu đồng

Một số người cho rằng sẽ bất công khi trường công chất lượng cao được nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, nhưng học phí tăng tới 5,3 triệu đồng mỗi tháng thì chỉ người giàu mới đủ khả năng cho con theo học.

HĐND TP Hà Nội ngày 6/12 thông qua mức trần học phí của cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao áp dụng từ năm học 2016-2017 đến hết năm học 2019-2020. Trường mầm non và tiểu học, mức trần học phí năm học 2016-2017 là 3,9 triệu đồng/tháng; trường THCS và THPT là 4,1 triệu đồng. Mỗi năm, mức trần sẽ tăng luỹ tiến 400.000 đồng, đến năm học 2019-2020 đạt 5,1-5,3 triệu đồng/tháng.

phu-huynh-lo-hoc-phi-truong-cong-chat-luong-cao-len-5-3-trieu-dong

Nhiều phụ huynh có con đang theo học và dự tính cho con học ở trường công chất lượng cao tỏ ra lo lắng. Chị Minh (quận Long Biên) cho biết, phải xem xét lại việc chuyển trường cho con từ tiểu học Sài Đồng sang trường chất lượng cao đô thị Sài Đồng. Lý do là chênh lệch học phí quá lớn.

"Ở trường tiểu học Sài Đồng, con tôi không phải đóng học phí. Muốn con được học trong môi trường chất lượng cao, vợ chồng tôi tính kỳ tới chuyển con đến tiểu học đô thị Sài Đồng. Học phí ở đấy đang là 2,4 triệu đồng/tháng, so với thu nhập viên chức văn phòng của gia đình là chấp nhận được. Tuy nhiên, nếu học phí tăng lên, gia đình sợ lo không nổi", chị Minh chia sẻ.

Một phụ huynh có con học tại trường THCS công lập chất lượng cao Nam Từ Liêm (quận Nam Từ Liêm) cho biết, hiện học phí của con là 1,7 triệu đồng/tháng. Với mức thu này, con được học trong môi trường có bể bơi, sân chơi thoải mái với nhiều hoạt động ngoại khóa... Từ khi nhận thông báo trần học phí sẽ tăng, có thể lên hơn 5 triệu đồng/tháng, người mẹ lo lắng, nhưng đành tặc lưỡi "đâm lao thì phải theo lao". 

phu-huynh-lo-hoc-phi-truong-cong-chat-luong-cao-len-5-3-trieu-dong-1

PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Lương Thế Vinh (Hà Nội).

Học phí trường công bình thường hiện nay ở thủ đô là 60.000 đồng/tháng với trường THPT khu vực thành thị, 30.000 đồng với khu vực nông thôn và 8.000 đồng với khu vực miền núi. Nếu so sánh, học phí trường chất lượng cao gấp hàng trăm lần. Nhiều người cho rằng sự chênh lệch này tạo bất công trong xã hội khi trường công chất lượng cao dùng ngân sách nhà nước là thuế của toàn dân để đầu tư cơ sở vật chất, nhưng chỉ một bộ phận người giàu mới được học.

"Sao không để tiền định thu tăng lên ấy đầu tư xây dựng tiếp 20 trường chất lượng cao khác, chi cho việc nâng cấp các trường công lập bình thường, để đại trà học sinh được học trong môi trường chất lượng tốt", PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) đặt câu hỏi.

PGS Cương cho rằng học phí 5 triệu đồng/tháng là quá cao và "tiêu gì cho hết" bởi trường Lương Thế Vinh thu bằng 1/3 số đó và phải tự lo cơ sở vật chất, vẫn đủ chi, trả lương cho cán bộ, giáo viên.

Thầy Cương và một số phụ huynh lo ngại, học phí cao, trường công chất lượng cao sẽ mất dần học sinh dẫn đến lãng phí cơ sở vật chất.

Chia sẻ với VnExpress, Hiệu trưởng trường Nam Từ Liêm Ngô Thị Thanh cho hay, chưa có kế hoạch tăng học phí trong thời gian tới. Mức tăng nếu có, sẽ phải căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, thu nhập của người dân. "Sẽ không tăng đến trần tối đa", Hiệu trưởng Thanh trấn an phụ huynh và cho biết hiện trường chỉ thu đạt 72% mức trần cũ chứ chưa nói đến trần mới.

Bà Thanh tin rằng, nếu trường công chất lượng cao chứng minh được chất lượng đào tạo tốt, dù học phí tăng lên cũng không lo thiếu học sinh, lãng phí cơ sở vật chất. 

Quỳnh Trang

>>Hà Nội đề xuất tăng học phí cơ sở giáo dục chất lượng cao
>>Hà Nội tăng học phí trường công lập từ 1/1/2016

VNExpress

trường công chất lượng cao, trần học phí, phụ huynh


© 2021 FAP
  854,947       2/1,026