Giáo dục

Nữ sinh bại liệt ở Sài Gòn ước mơ làm dịch giả

Hơn 20 năm sống với đôi chân co quắp, Liên vẫn miệt mài học cho ước mơ trở thành dịch giả, đền đáp công lao của người mẹ - "đôi chân" thứ hai của cô.

Giữa cái nắng gắt buổi trưa cuối tháng 11, chiếc xe lăn của Lê Thị Liên (21 tuổi, quê Thanh Hóa) chầm chậm chen qua dòng xe hối hả ở làng đại học Thủ Đức, TP HCM. Mẹ Liên đưa cô về nhà trọ ăn uống, nghỉ ngơi để lấy sức chiều học tiếp.

Ăn vội bữa cơm được nấu từ sáng sớm, Liên ngồi ôn bài trên chiếc bàn xếp nhỏ trong căn phòng trọ rộng chừng 10 m2. Đôi mắt sáng trên gương mặt trẻ con của Liên thỉnh thoảng gợn nét buồn vì đôi chân nhói đau.

nu-sinh-bai-liet-o-sai-gon-uoc-mo-lam-dich-gia

Liên được mẹ đưa về nhà trọ ở làng đại học. Ảnh: Mạnh Tùng

Chưa tròn một tuổi, Liên bị sốt bại liệt, gia đình chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh không giảm. Cô bé lớn lên với đôi chân co quắp, đi đâu cũng phải có người ẵm bồng.

Thấy con yếu, cha mẹ không muốn đưa con đến trường sợ bé cực khổ. Nhưng khi thấy các bạn được mặc áo trắng, thắt khăn quàng tung tăng đi học qua nhà, Liên nằng nặc đòi cha mẹ cho theo.

Thương con, cha mẹ cô bé gắng đưa đón đến trường rồi trở về đi làm thuê. Dù chỉ ngồi một chỗ, thường đau yếu mỗi khi trời trở lạnh nhưng Liên học rất giỏi, được cô giáo khen là tiếp thu nhanh. 12 năm phổ thông, Liên đều được giấy khen. Năm cuối cấp ba, nữ sinh còn được chọn đi thi học sinh giỏi tiếng Anh ở tỉnh và đoạt giải ba.

Liên thích tiếng Anh bởi hồi nhỏ không được chơi trốn tìm, nhảy dây cùng chúng bạn nên thường ở nhà xem phim hoạt hình tiếng Anh. Nghe nhiều, tiếng Anh như ngấm vào máu, Liên bắt chước nói theo.

Hết phổ thông, Liên trúng tuyển vào ngành Ngôn ngữ Anh, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM (Đại học Quốc gia TP HCM).

nu-sinh-bai-liet-o-sai-gon-uoc-mo-lam-dich-gia-1

Liên hiện là sinh viên năm hai khoa Ngữ văn Anh, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Hằng ngày, Liên được mẹ đưa lên xe lăn đẩy vào tận lớp học. "Việc học của tôi không mấy khó khăn so với các bạn khác, trừ việc đi lại hơi bất tiện", nữ sinh nói giọng lạc quan.

Ở lớp Liên khá tập trung nên về nhà chỉ ôn qua bài là nhớ. Thời gian còn lại, cô  cộng tác dịch tin cho một số trang web để kiếm thêm kinh nghiệm dịch thuật.

Do đặc thù ngành học, cô phải dành nhiều thời gian học từ vựng và cách phát âm. Ở bất cứ nơi nào, hễ gặp người nước ngoài là Liên mạnh dạn làm quen, nói chuyện để rèn khả năng giao tiếp.

Liên bảo, lý do vào Sài Gòn học vì nơi này thời tiết ấm hơn Hà Nội, sẽ tránh được những cơn đau buốt mỗi khi trời trở lạnh. Gần hai năm ở đây cô chưa biết được nhiều nơi, những địa điểm và công trình nổi tiếng của thành phố cô chỉ nhìn thấy qua cánh cửa xe bus mỗi khi có việc phải lên trung tâm.

"Tôi muốn làm dịch giả bởi nghề đó phù hợp với sức khỏe của mình, nhưng ước mơ đó còn xa lắm, tất cả còn ở phía trước. Chỉ biết mỗi ngày phải cố gắng thật nhiều vì tôi học không chỉ cho mình, mà học cho mẹ nữa", nữ sinh thổ lộ.

nu-sinh-bai-liet-o-sai-gon-uoc-mo-lam-dich-gia-2

Liên trong một buổi phỏng vấn để nhận học bổng. Ảnh: lvcfund.org.vn

"Đôi chân của tôi" – theo cách nói của Liên – là bà Lê Thị Tâm (44 tuổi), người mẹ đã đưa con gái đi học ròng rã hơn chục năm nay. Hằng ngày, tranh thủ thời gian con học trên trường, bà Tâm đi rửa chén cho các quán ăn ở làng đại học. Số tiền kiếm được cũng đủ trang trải tiền nhà trọ, điện nước sinh hoạt mỗi tháng.

Buồn vì xa quê, xa chồng và hai con nhỏ nhưng vì ước mơ của Liên nên người mẹ phải gác bỏ mọi chuyện. Nhiều đêm, nằm bên con gái đầu lòng ở Sài Gòn mà nước mắt bà chảy ròng khi đứa con út mới 4 tuổi ở quê đang bị ốm.

"Hồi trước học phổ thông, đưa con đi học cũng chỉ cách vài cây số, nay xa quê cả nghìn km nên chỉ hè và Tết mới được về. Liên yếu như vậy nên mỗi chuyến đi rất vất vả", người mẹ tâm sự.

Gạt vội giọt nước mắt lăn trên má, người mẹ nở nụ cười: "Mất cái này mình lại được trời ban cái khác. Liên học tốt lại chăm ngoan, được thầy cô bạn bè yêu mến, vậy là mừng lắm rồi".

Mạnh Tùng

VNExpress

nữ sinh bại liệt, nghị lực học tập, dịch giả


© 2021 FAP
  857,833       1/916