Phát âm chữ “iz” trong tất cả từ có đuôi “es”; phát âm tiếng Anh bằng cách “đánh vần”; nói sai ở cuối từ... là một số lỗi của người Việt.
1. Phát âm chữ “iz” trong tất cả từ có đuôi “es”
Đôi khi, bạn có thể cảm thấy bối rối và thật vô lý khi một số từ có đuôi “es” mà lại không phát âm là /ɪz/. Một ví dụ tiêu biểu là từ “clothes” được phát âm là /kloʊð-z/ thay vì /’kloʊ-ðɪz/, hay planes là /pleɪnz/ chứ không phải /pleɪnɪz/. Ấy vậy mà, cũng đuôi “es”, từ “roses” lại được phát âm là /’roʊ-zɪz/.
Khi gặp những từ như vậy, tin tốt là bạn có thể biết được lúc nào thì “es” được phát âm là /ɪz/, lúc nào không. Nếu bạn để ý, từ “rose” có âm cuối là /z/ - một âm gió - nên khi thêm “es” vào sau, sẽ được đọc là /’roʊ-zɪz/.
Còn từ “clothe” hay “plane” có âm cuối là /ð/ nay /n/ - không phải âm gió - nên khi thêm “es” vào sau sẽ không đọc là /ɪz/.
2. Phát âm tiếng Anh bằng cách “đánh vần”
Nhiều người đã quá quen thuộc với cách đánh vần trong tiếng Việt, nên họ hy vọng có thể tìm được “quy tắc” đánh vần tiếng Anh. Điều này là không thể.
Bạn có thể đánh vần tiếng Việt (và một số ngôn ngữ khác) vì mỗi chữ cái đều tương ứng với một âm. Ví dụ, chữ “á” được phát âm giống nhau, bất kể đó là “cá”, “cát”, “cánh” hay “cám”. Điều này không đúng với tiếng Anh. Ví dụ, chữ “u” trong “put” và “but” có cách phát âm hoàn toàn khác nhau; hoặc chữ “oo” đọc khác nhau trong các từ “blood”, “foot” và “food”.
Nếu nhìn vào cách viết, bạn sẽ không thể phát âm chính xác từ “comfortable” hay “phoenix”. Trong tiếng Anh, chỉ có 40% số từ có cách đọc giống cách viết. Vì vậy, nếu bạn đủ tỉnh táo, hãy quên đánh vần tiếng Anh đi.
Ngoài ra, nhiều người mới học tiếng Anh dễ cảm thấy bối rối nhất là khi gặp những từ như “not” và “note” hoặc “bit” và “bite”. Nếu chưa biết cách đọc đúng, họ có khuynh hướng sẽ đánh vần tiếng Anh theo kiểu: no-te và bi-te.
3. Phát âm sai ở cuối từ
- /d/ là /t/; /b/ là /p/; và /g/ là /k/
Trong tiếng Việt, không có từ nào có âm cuối là /d/, /b/ hay /g/ cả. Nên một “thói quen khó bỏ” của người Việt Nam là hễ đứng cuối từ là một trong 3 âm này, thì sẽ được phát âm tương ứng là /t/, /p/ và /g/. Ví dụ “rob” sẽ được phát âm là “rốp”; “trade” sẽ được phát âm là “trết”; và dog là đóc.
Từ "dog" không phải phát âm là "đóc". |
- “th” là /t/; /f/ là /p/; /ks/ là “ch”
Các âm cuối “th” như “breath” được đọc là “bờ-rét”; âm cuối “f” như “if” được đọc là “íp”; “six” được đọc là “xích”.
4. Hoặc tệ hơn, ở cuối từ, vài âm cuối có thể bị loại bỏ
Các âm cuối như /k/ trong “like” hay “think” thường xuyên không được phát âm bởi người Việt Nam. Các âm cuối khác như /f/ như trong từ “safe” sẽ biến mất: “sây” .
Các cụm âm cuối khó hơn có thể bị lược bớt cho dễ đọc hơn, ví dụ “build” thường đơn giản được đọc là “biu” - âm /ld/ hoàn toàn biến mất (thật ra là âm “u” trong từ này không được đọc); hay “milk” được giản lược thành “miu” - âm /lk/ cũng “gone with the wind”.
5. Âm gió đọc “loạn xị ngậu”
Âm gió là khái niệm rất mù mờ với người Việt Nam. Một phần lý do là không có sự tương đồng giữa các âm gió tiếng Việt (“xờ nhẹ”, “sờ nặng”, “ch chó”, “tr trâu”) với âm gió tiếng Anh.
Các âm gió được sử dụng tương đối tùy tiện, nên “see” và “she” đôi khi được phát giống nhau. Âm /z/ nếu đứng đầu từ được đọc là “d”, ví dụ “zoo” được phát âm là “du”; còn cuối từ thì… biến mất, như “plays” thì được đọc là “pờ-lây”.
6. Trọng âm từ là một sự xa xỉ
Trọng âm, mặc dù rất quan trọng trong phát âm tiếng Anh, xem ra không mấy quan trọng với phần lớn người Việt Nam. Thật ra, ít người Việt Nam quan tâm trọng âm là cái gì khi nói tiếng Anh. Ví dụ “download” đơn giản được đọc là “đao-loát”; “literature” được đọc là “lít-tờ-rây-chờ”.
Phát âm tiếng Anh kém là lý do chính khiến người Việt Nam gặp khó khăn trong việc nghe tiếng Anh. Hơn nữa, khi người Việt nói thì rất khó hiểu. Hệ quả là, người Việt luôn thuộc tốp nói tiếng Anh tệ nhất châu Á. Nếu muốn thay đổi tiếng Anh của mình, việc đầu tiên bạn cần phải làm là cải thiện phát âm tiếng Anh.
Nguyễn Xuân Quang, Moon ESL
phát âm, tiếng Anh, người Việt, lỗi phát âm, đánh vần, âm cuối, âm gió, trọng tâm