Gia cảnh thiếu trước hụt sau, nhưng Bin học rất chăm và ước mong mai sau trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho ba mẹ, người nghèo.
Ánh nắng mùa thu dịu dàng chiếu lên những hàng cây xanh đang xào xạt lá như đón chào lũ chim sâu bé nhỏ đùa vui chuyền cành trong nắng ấm. Cơn mưa đêm qua thật to, để lại dấu ấn trên đường bờ ruộng gập ghềnh, đường sình lầy, nếu ai đi không quen rất dễ bị rớt xuống ruộng. Tôi và cô giáo chủ nhiệm đi bước thấp bước cao theo đường bờ đến nhà em Nguyễn Văn Bin, học sinh lớp 3B - Trường tiểu học Long Thuận A, xã Long Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, thăm ba em bị té vì tai biến nhẹ.
Trước mắt tôi là người phụ nữ tuổi trạc ngũ tuần với những đường nét khắc khổ, vất vả hiện lên trên gương mặt phúc hậu. Nếu không có nụ cười làm sáng thêm khuôn mặt đen sạm kia thì sự bươn chải đã làm cho đôi mắt của chị càng thêm mệt mỏi giữa cuộc sống đầy khó khăn, cơ cực này.
Chị tên là Kim Loan, người nuôi dưỡng cháu Bin từ hồi còn đỏ hỏn. Chị kể như trong truyện cổ tích vậy. Cách nay 9 năm, trời tờ mờ sáng, những giọt sương sớm còn đọng lại trên đồng ruộng mênh mông một màn sương dày đặc, thì vợ chồng chị nghe tiếng khóc trong bụi tre trước nhà. Hai vợ chồng đến gần và thảng thốt khi thấy trong cái thúng có một đứa bé còn đỏ hỏn đang oa oa khóc ngất từng cơn. Hai anh chị nghĩ có lẽ bé đang đói bụng lắm. Mặt nó tím tái vì lạnh. Vợ chồng chị vội vàng bế bé lên và cùng nhìn nhau cười trong nước mắt.
Vì gia đình chị thuộc hộ nghèo Trung ương nên được xây nhà Đại đoàn kết 7 triệu đồng. Trên 10 năm nay, trong ngôi nhà trống huơ này, mỗi đêm Bin có thể cùng gia đình nhìn xen qua khung cửa sổ (gọi là cửa sổ cho oai, thật ra chỉ là khung hình vuông không có song sắt và cánh cửa) để đếm những vì sao lấp lánh trên bầu trời và mơ ước về một tương lai cùng nhiều hy vọng phía trước.
Trong ngôi nhà ấy đã có 3-4 cháu nhỏ độ 5-6 tuổi do anh chị nhận nuôi từ những người bà con nghèo. Ba mẹ các bé phải bỏ xứ đi làm ăn xa, có tháng đưa tiền góp gạo, còn không thì vợ chồng chị tự lo cho lũ nhỏ.
Chồng chị thì bệnh liên miên do cụp xương sống hồi năm trước, giờ lại thêm tai biến nhẹ. Chị vay mượn tiền để đưa chồng đi bệnh viện điều trị. Hiện anh chỉ làm gần nhà những việc nhẹ nhàng như trồng rau, ớt... Còn chị thì làm thuê, mướn theo mùa. Có hôm chị gói khoảng 50-60 bánh ít, bánh tét nhân chuối, bánh ú lá tre. Cứ trưa 12 giờ là chị gói bánh và nấu đến 21-22 giờ thì bánh chín.
Khi trời còn đậm màn sương muối, chưa rõ mặt người là chị lại vội vàng thức dậy, lấy bánh ra thúng, rồi chạy chiếc xe cà tàng đi bán thật sớm trong xóm mồ côi cho người dân đi làm đồng. Nơi chị ở có địa danh là xóm mồ côi, do nằm heo hút và chơ vơ một mình trên những con đường đất đỏ khúc khuỷu, quanh co và đất sét chèm nhẹp khi mùa mưa đến...
Chị bán đến trưa thì hết bánh và lời được khoảng 60.000 đồng. Ngoài ra, chị còn nhận thêm việc đưa đón trẻ đến trường mẫu giáo và trường tiểu học. Một cuốc đi từ sáng và trưa đón về, lớp 2 buổi trong ngày thì đón đưa 4 bận, chị thu được khoảng 15.000 đồng, cũng chỉ đủ bữa cháo, rau qua ngày.
Nhìn thằng bé đỏ hỏn trên tay, nhưng vợ chồng chị không nỡ bỏ. Thôi thì cái số thằng nhóc này nghèo nên đến gặp anh chị để vui cái phúc nghèo ấy. Anh chị đặt tên cho bé là Bin.
Thời gian chín năm ròng, nhưng người mẹ của Bin cũng không đến nhận con. Thằng nhỏ rất kháu khỉnh, khi cười để lộ hai cái đồng tiền nhìn rất duyên và khuôn mặt thêm sáng. Chị kể Bin tuy nhỏ người do thiếu ăn, bị suy dinh dưỡng song rất khôn ngoan. Bin cứ đeo theo chị mà gọi mẹ suốt. Điều này khiến chị phải bật cười và quên đi bao nhọc nhằn, đắng cay giữa cuộc đời này.
Thời gian trôi đi, năm nay Bin cũng bước vào lớp 3. Em được thư viện của nhà trường cho mượn sách học, tập và dụng cụ khác thì nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ. Bin rất siêng năng chăm học, tuy nhiên do cha mẹ nuôi còn bận rộn nhiều việc cho cuộc sống, nên em hoàn toàn tự học. Về đến nhà là Bin lại phụ lau lá, cắt thêm lá chuối để mẹ gói bánh, quét nhà, rửa chén... Em làm bài tập, học bài trên chiếc giường tre duy nhất, sau đó mới ăn cơm.
Khi được hỏi: "Con có ước mơ gì?". Bin rơm rớm nước mắt: "Cô ơi, con muốn học giỏi thành, mai sau trở thành bác sĩ để trị bệnh cho cha mẹ và nhiều người nghèo". Nụ cười lại nở trên môi em: "Con hứa sẽ cố gắng chăm học hơn nữa cho ba mẹ và thầy cô vui".
Ngoài sân, khoảng trời xanh lấp lóa trong nắng mùa thu đang chiếu sáng vạn vật, như nụ cười rạng rỡ của Bin bừng lên những tia hy vọng vào tương lai đang đến thật gần.
Nguyễn Hồng Lan
Từ ngày 8/8 đến 16/10, Báo VnExpress phối hợp cùng nhãn hàng Dutch Lady tổ chức cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm". Độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2) đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường. Chương trình kéo dài 10 tuần, hàng tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) để trao học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng). Độc giả có bài viết giới thiệu nhận vật được chọn trao giải học bổng sẽ nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài. Gửi bài dự thi tại đây.
VnExpress, Học bổng Đèn Đom Đóm, nhãn hàng Dutch Lady, học bổng