Giáo dục

Thầy giáo 14 năm 'cắm đảo'

Ngoài giờ lên lớp, thầy Sơn tranh thủ ngày cuối tuần theo ngư dân đi hớt tép, nhặt hà, rắc lưới kiếm cá cải thiện bữa ăn.

Xã đảo Ngọc Vừng nằm cách cảng Vân Đồn (Quảng Ninh) khoảng 50 km, nối bờ bằng hai chuyến tàu trong ngày. Nơi đây có 3 thôn với hơn 240 hộ, tổng cộng trên 800 nhân khẩu. Cuộc sống người dân còn nghèo, chủ yếu làm nghề chài lưới, các hoạt động vui chơi giải trí hầu như không có.

Xã có trường PTCS Ngọc Vừng, gồm cả cấp 1 và 2. Rất nhiều thầy cô giáo đã gắn bó với xã đảo, mong muốn mang con chữ đến trẻ em nghèo. Thầy Lưu Thế Sơn (38 tuổi) là một trong những giáo viên như thế.

thay-giao-14-nam-cam-dao

Thầy Lưu Thế Sơn là giáo viên dạy hai môn Văn, Địa của trường PTCS Ngọc Vừng. Ảnh: M.Anh.

Năm 2002, thầy giáo 24 tuổi mới tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh được phân công về xã đảo Ngọc Vừng dạy học hai môn Văn và Địa. Đưa vợ con theo, cả gia đình bắt đầu cuộc sống nơi đảo xa mà không nghĩ sẽ gắn bó 14 năm với nơi này. 

Lúc mới đến, Ngọc Vừng rất hoang sơ, đường đi lại, sân trường đều là cát. Giờ ra chơi, học trò chạy nhảy còn tạo thành những hố cát lún lỗ chỗ trên sân. Trường học là dãy nhà cấp 4 đơn sơ, các cấp học chung với nhau, tiểu học buổi sáng, trung học buổi chiều. Cả xã không có điện lưới, không có điện thoại tiện dụng như bây giờ nên mỗi khi cần trao đổi về tình hình học sinh, thầy cô phải chân đất xuống tận nhà, bởi đường cát, đi dép chân nặng không bước nổi.

Ngoài dạy các lớp chính quy ban ngày, buổi tối thầy cô ở Ngọc Vừng chia nhau dạy bổ túc hai lớp khoảng 70 học sinh lứa tuổi 7X, 8X nghỉ học giữa chừng. Học sinh lớn tuổi hơn cả thầy, lại thường xuyên đi biển nên vận động rất khó. Có hôm đến giờ học, hay tin học sinh chuẩn bị ra khơi, thầy vội vã chạy xe Minsk - chiếc xe duy nhất của xã đảo chạy được trên đường cát xuống giao bài tập để vừa đi đánh cá, vừa học bài rồi mới "thả" cho đi biển tiếp. Hết lớp 9, lớp bổ túc ấy được tổ chức thi, chứng nhận hoàn thành chương trình như học sinh bình thường.

"Cũng hơi vất vả nhưng sau này các anh chị ấy đều đọc thông viết thạo, tính toán được nên coi như không uổng phí công bọn mình", thầy cười nói.

Những công sức mà thầy Sơn và giáo viên trường Ngọc Vừng bỏ ra dần được vun đắp qua nhiều thế hệ học sinh xã đảo. Năm 2013, trường PTCS Ngọc Vừng được xây mới khang trang, có hai dãy nhà cao tầng, sân trường, đường đi được đổ bê tông. Trường có 122 em và hầu như không còn học sinh bỏ học. Các em tốt nghiệp lớp 9 lại vào bờ học tiếp phổ thông, đi đại học như học sinh vùng khác.

thay-giao-14-nam-cam-dao-1

Gian ngoài của ngôi nhà là tiệm sửa xe nhỏ của thầy giáo. Ảnh: M. Anh.

Ngoài giờ lên lớp, cuộc sống của thầy Sơn không khác một ngư dân. Tranh thủ ngày cuối tuần được nghỉ, thầy giáo theo ngư dân đi hớt tép, nhặt hà, quăng lưới cải thiện bữa ăn. Có hôm đi biển cùng học trò, thầy bị các em trêu "nhìn thầy chẳng giống khi lên lớp".

14 năm "cắm đảo", gia đình thầy chuyển nhà 7 lần, hết đi mượn rồi thuê của người dân trên đảo. Căn nhà mới xây gần trường, còn chưa quét vôi ve, là nơi ở thứ 7 của cả gia đình. Nhà được tích cóp từ tiền lương nhiều năm dạy học, sửa xe và vay ngân hàng vài trăm triệu đồng. Gian ngoài vừa là nơi tiếp khách, vừa là tiệm sửa xe nhỏ của thầy Sơn.

Thầy Đỗ Đức Đạt, Hiệu trưởng PTCS Ngọc Vừng cười bảo "Anh ấy sửa xe lành nghề lắm, nhiều thợ từ đất liền ra đây cũng không cạnh tranh nổi đâu". Trong câu chuyện của đồng nghiệp, người dân, thầy Sơn được nhắc đến như một phần của đảo, là người nói ít, làm nhiều. Thầy giáo lại càng trầm lặng hơn sau sóng gió khiến hạnh phúc gia đình tan vỡ bởi cuộc sống khó khăn.

Trong câu chuyện, dân đảo cũng nhắc đến bóng dáng chị Nguyễn Thị Tiềm, người vợ thứ hai đầy nghị lực của thầy Sơn. Thương chồng, chị bỏ công việc trong đất liền theo anh ra đảo. Giờ, chị ở nhà cơm nước, chăm con gái (14 tuổi) và con trai (9 tuổi) cho chồng đi dạy học. Gia đình nhỏ cũng chuẩn bị đón thêm con gái thứ ba.

"Sau giờ lên lớp là anh ấy làm suốt ngày và việc gì cũng làm được. Mình cũng thương anh nhưng chỉ đỡ đần được việc nhà, không san sẻ được gì nhiều vì chưa có công việc, lại sắp sinh", người phụ nữ 31 tuổi chia sẻ và nói rằng chị thấy hạnh phúc, yêu thích cuộc sống bình yên trên hòn đảo.

thay-giao-14-nam-cam-dao-2

Lúc rảnh rỗi, thầy giáo lại đi rắc lưới giống hệt ngư dân trên đảo. Ảnh: H. Phương. 

Gắn bó với đảo, thi thoảng thầy Sơn mới đưa vợ con về thăm nhà ở xã Vạn Yên (Vân Đồn). Mỗi lần từ đảo về đất liền mất khoảng 2 tiếng rưỡi. Hỏi nếu có cơ hội về bờ dạy học thì có đi không, thầy bảo Ngọc Vừng giờ là nhà rồi.

"Hồi mới ra đây mình còn trẻ, nhiệt huyết đấy nhưng suy cho cùng cũng chưa trải đời, chưa có suy nghĩ sâu sắc như bây giờ. Cứ nghĩ công tác vài năm rồi sẽ được luân chuyển vào đất liền, dạy ở nơi tốt hơn, ai ngờ gắn bó lâu vậy. Giờ thì quen và yêu cuộc sống thoải mái nơi đây rồi, như người trong bờ quen với đất liền mà không muốn ra đảo ấy", thầy nói.

Năm 2016, chương trình Chia sẻ cùng thầy cô do Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tổ chức, tuyên dương 42 giáo viên đang dạy học tại các trường nằm trên đảo. Đó là những thầy cô có thời gian công tác trên đảo từ 3 năm trở lên, có tư cách đạo đức, lối sống tốt, chuyên môn cao, nhiều sáng kiến trong dạy học và tinh thần vượt khó hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy.

Cùng khởi động với lễ vinh danh là cuộc thi Nghĩ về thầy cô biển đảo để học sinh và thầy cô giáo nơi thành thị, đồng bằng có thể gửi bài viết, chia sẻ những cảm nhận về đồng nghiệp đang công tác ở vùng ven biển, hải đảo.

Chương trình sẽ được triển khai trong 5 năm (2015-2019). Năm ngoái, chương trình vinh danh 64 thầy cô giáo cắm bản, dạy học ở vùng cao.

Hoàng Phương

VNExpress

đảo Ngọc Vừng, Vân Đồn, Quảng Ninh, thầy giáo, dạy học ở đảo, chia sẻ cùng thầy cô.


© 2021 FAP
  875,542       8/572