Giáo dục

10 học sinh nhận giải 'Học bổng Đèn Đom Đóm' tuần 7

Hình ảnh cậu bé với gương mặt phúc hậu cõng trên vai người bạn có thân hình teo rút để lại nhiều xúc động cho bạn đọc ở tuần 7 của cuộc thi.

Những câu chuyện về các em học sinh cấp 1, cấp 2 với tinh thần và ý chí vươn lên trong học tập, cuộc sống được miêu tả qua ngôn ngữ và đem lại nhiều cảm xúc cho độc giả ở tuần thứ 7 của cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm".

Ấn tượng với bạn đọc trong số những câu chuyện cảm động đó là "6 năm không ngại gian khó cõng bạn đến trường" của tác giả Nguyễn Thị Kim Phụng. Bài viết thể hiện tinh thần vượt khó cõng bạn đến trường trong suốt 6 năm liền của em Trần Hoài Tân.

Đôi bạn Phạm Văn Bẩm và Trần Hoài Tân cùng học lớp 6/2 trường Trung học cơ sở Hưng Lễ. Tân sinh ra như bao đứa trẻ bình thường và may mắn hơn người bạn của mình. Vì gần nhà, 2 em đã chơi chung với nhau từ nhỏ. Đôi bạn trở nên gắn bó hơn từ khi hai em bắt đầu đi học lớp 1.

Em Phạm Văn Bẩm bị di chứng chất độc da cam từ lúc mới sinh, tay chân teo rút, nên việc đi lại và vận động rất khó khăn. Tuy thế, em vẫn giữ vững quyết tâm đến trường, đến lớp. Nhiều năm liền em luôn phấn đấu và đạt học lực khá. Em không thể dễ dàng đi lại, chạy nhảy chơi đùa như bao bạn khác. Nhìn thấy cảnh ấy, Tân quyết định mình sẽ làm "đôi chân của bạn", vì em bảo “Thấy bạn tội nghiệp quá”.

Tân đã tự nhận lấy một trách nhiệm như một người anh với đứa em kém may mắn của mình và 6 suốt năm liền làm "đôi chân" cho bạn đến trường tìm con chữ. Không chỉ tiến bộ trong học tập mà 2 em còn cùng giúp nhau tiến bộ trên đường đời. Bẩm là tấm gương vượt khó vươn lên, Tân là tấm gương về lòng tương thân, nhân ái. Tấm gương của đôi bạn là bài học về cuộc sống cho bao người, bài học làm người có ích.

10-hoc-sinh-nhan-giai-hoc-bong-den-dom-dom-tuan-7

Tai họa ập đến khi mẹ mất hẳn bàn tay, Quế Anh chưa dám mơ ước gì nhiều, trước mắt em chỉ muốn "làm cánh tay" để đỡ đần giúp mẹ trong câu chuyện "Con sẽ là bàn tay của mẹ" của tác giả Hằng khiến cho người đọc không khỏi cảm động và xót xa.

Bố mẹ li dị nhau từ khi em 5 tuổi, bố lập gia đình khác không quan tâm đến cuộc sống của mẹ con em. Kể từ đó, cuộc sống của 3 mẹ con Quế Anh rất khó khăn. Nhà không có ruộng vườn, mẹ không có tài sản nào đáng giá ngoài tình cảm của 2 con dành cho mẹ. Gánh nặng lại dồn hết về cho mẹ em.

Tác giả cho biết, một biến cố lại xảy đến với 3 mẹ con. Trong một lần đi làm, tai nạn bất ngờ mẹ đã bị máy nghiền đất nghiền nát một bàn tay. Cuộc sống lại càng chồng chất khó khăn. Mẹ Quế Anh nghỉ làm tại lò gạch và ở nhà làm thuê như nhặt hạt điều thuê, nuôi gà... nhưng không đem lại thu nhập gì nhiều nhặn vì hết điều làm theo mùa, còn gà thì hết dịch bệnh lại bị trộm vào bắt hết.

Dù điều kiện sống khó khăn nhưng em vẫn luôn cố gắng chuyên cần đến lớp, tham gia tốt các hoạt động của Đội, của nhà trường. Trong học tập em chăm chỉ luôn đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, được bạn bè thầy cô yêu quý. Ngoài việc học trên lớp em còn làm giúp phụ mẹ công việc nuôi gà, nhặt điều khi vào mùa, hướng dẫn cho em học tập, dọn dẹp nhà cửa...

10-hoc-sinh-nhan-giai-hoc-bong-den-dom-dom-tuan-7-1

Dù mang căn bệnh tim bẩm sinh khiến cho sức khỏe không tốt, nhưng Như vẫn cố gắng học giỏi để sau này làm cô giáo dạy cho các em có hoàn cảnh khó khăn cũng là tinh thần vượt khó đáng để học tập trong câu chuyện "Vượt qua bệnh tật để học thật giỏi" của tác giả Huỳnh Chí Trung cũng để lại nhiều ấn tượng cho bạn đọc.

Tác giả trải lòng, Quỳnh Như sinh ra và lớn lên trong gia đình thuộc diện hộ khó khăn của địa phương. Năm 2015, căn bệnh tim của Quỳnh Như được phát hiện do khi đó sức khỏe của em yếu, không thể vui chơi như bạn bè chung lớp. Căn bệnh tim quái ác nhiều lúc cũng như thử sức bền và kiên trì của Quỳnh Như, nhưng không vì thế mà kết quả học tập của em sa sút. Dù ngày nắng hay mưa, em đều đến lớp để học tập, tiếp thu những kiến thức mới.

Hoàn cảnh gia đình nghèo là thế, nhưng căn bệnh tim trong người vừa là khó khăn mà cũng là động lực để cô học trò nghèo vùng biên giới Hồng Ngự có thêm động lực vượt khó, học giỏi. Như cũng mong muốn học thật giỏi để sau này làm cô giáo dạy cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn và giúp đỡ ba mẹ có cuộc sống đầy đủ hơn.

10-hoc-sinh-nhan-giai-hoc-bong-den-dom-dom-tuan-7-2

Sóng gió của cuộc đời, những hoàn cảnh éo le còn hiện hữu trong nhiều câu chuyện cảm động khác ở tuần 7 của cuộc thi. Trong số đó là hàng nghìn tấm gương hiếu học đang cần sự giúp đỡ để vượt qua những khó khăn của cuộc sống.

Dưới đây là 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) nhận học bổng với mỗi suất trị giá 3 triệu đồng. 10 tác giả có bài viết giới thiệu nhân vật được chọn trao giải học bổng trong tuần này cũng nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài.

STT Tác phẩm Tác giả
1 Cô bé bán vé số nuôi dưỡng ước mơ đến trường Thanh Hiền
2 Tinh thần vượt khó ham học của cậu bé mồ côi mẹ Minh Quân
3 Cảnh đời 4 chị em nghèo không cha mẹ Trần Thị Mai
4 Con sẽ là bàn tay của mẹ Hằng
5 Ý chí của cô bé nghèo có người mẹ bệnh tật Nguyễn Thị Ngọc
6 Những đứa trẻ có mảnh đời bất hạnh vẫn muốn tiếp tục đi học Cao Văn Quang
7 6 năm không ngại gian khó cõng bạn đến trường Nguyễn Thị Kim Phụng
8 Vượt qua bệnh tật để học thật giỏi Huỳnh Chí Trung
9 Tương lai mờ mịt của cậu học trò nghèo ở Mỏ Cày Bắc Bùi Văn Miên
10 Gia cảnh khó khăn của cô bé lớp 3 Nguyễn Thị Ngọc Ánh

Sau khi kết thúc chương trình, ban tổ chức sẽ gửi học bổng và nhuật bút cho các tác phẩm và tác giả đoạt giải theo đường bưu điện.

Cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm" do Báo VnExpress phối hợp với nhãn hàng Dutch Lady tổ chức là nơi để độc giả chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), THCS sở (cấp 2) nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường. Ban tổ chức tiếp nhận bài dự thi từ ngày 8/8 đến hết 16/10.

Độc giả có thể chia sẻ những hoàn cảnh cần giúp đỡ đến cuộc thi để các em được tiếp thêm sức mạnh, vững bước đến tương lai, thông qua những suất học bổng của chương trình. Gửi bài tham dự tại đây.

Hưng Thịnh

VNExpress

VnExpress, Học bổng Đèn Đom Đóm, nhãn hàng Dutch Lady, học bổng


© 2021 FAP
  876,660       2/575