Giáo dục

Cô bé 'hạt tiêu' không đầu hàng trước số phận

Không may sinh ra với thân hình nhỏ bé, nhưng Linh lại có ý chí, thông minh, lanh lẹ. Em vừa học vừa làm nhiều thứ kiếm thêm thu nhập phụ bà và mẹ.

Về Thôn Nam, xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình hỏi cô bé Trần Thị Ngọc Linh có lẽ ai cũng biết. Ở xã này, mọi người đã quá quen thuộc với hình ảnh cô bé Linh loắt choắt, hôm nào cũng chạy đôn chạy đáo khắp làng để tìm người mẹ bị tâm thần. Còn nói về cuộc đời của Linh thì có lẽ ai khi nghe đến cũng không khỏi xót xa. Gần chục năm nay, Linh sống với bà ngoại và mẹ trong căn nhà nhỏ do bà con trong xóm thương tình xây cho.

co-be-hat-tieu-khong-dau-hang-so-phan

Mẹ Linh bị bệnh tâm thần, thiểu năng trí tuệ từ nhỏ, lớn lên thường đi lang thang khắp trong xóm ngoài làng. Trong một lần lang bạt ra ngoại tỉnh, cô bị kẻ xấu lợi dụng và sau đó là sinh ra Linh. Hồi Linh ra đời, cảnh nhà rất khó khăn. Bà ngoại Linh đã ngoài 70 tuổi. Bà đã chịu đựng biết bao cảnh đắng cay vì con không được minh mẫn, lại còn bị mang tiếng chửa hoang.

Bà kể, lúc linh ra đời không lâu, mẹ của em vẫn bệnh cũ đày đọa, lang thang đó đây. Bà vừa làm bà vừa làm mẹ. Linh sinh ra được có hơn một cân, ốm yếu như con mèo hen và hay quấy khóc đòi mẹ. Bà cắn răng làm lụng nuôi mẹ con Linh khôn lớn. Nhà chỉ trông vào gần ba sào ruộng cấy. Bà giờ cũng già yếu, ruộng vườn mùa được mùa không nên bữa đói bữa no.

Cũng thật may là ông trời không bao giờ lấy đi của ai tất cả. Cô bé Linh lớn lên trong éo le, nhưng lại có một ý chí phi thường, thông minh, lanh lẹ và hiếu thảo với đấng sinh thành. Nhiều khi Linh bị bạn bè trêu chọc vì có mẹ tâm thần, nhưng em không hề ấm ức hay oán giận mà càng thương mẹ nhiều hơn. Chiều nào cũng thế, em chạy khắp xóm để dỗ mẹ về tắm rửa, ăn cơm, không một tiếng than thở, cáu giận. Bác hàng xóm đùa với tôi: “Nhiều khi không biết cái Linh là con hay là mẹ của bà tâm thần này nữa…”. Có lần, mẹ Linh lang thang ra tận thành phố Thái Bình, em phải đạp xe hơn ba mươi cây số, hỏi han đủ mọi người để tìm mẹ về.

Dù bé loắt choắt và đen nhẻm nhưng Linh rắn rỏi và chứng chạc so với tuổi lên tám. Em không bao giờ la cà với chúng bạn, mà cứ hết giờ học là lại về thẳng nhà giúp bà dọn dẹp nhà cửa, cho lợn, gà ăn, nấu cơm và chơi với mẹ. Lúc rảnh, em nhận tranh thêu chữ thập về tranh thủ làm kiếm thêm thu nhập. Tháng nào em chịu khó cũng kiếm được hơn trăm nghìn mua gạo và sách vở, đồ dùng. Em còn khoe hè năm nay em đã biết đi cấy cùng bà rồi. Bà khen em khéo tay lắm.

Linh cũng rất thích được đi học. Em bảo đi học rất vui và không nghĩ ngợi chuyện buồn của gia đình nữa. Ở lớp, em rất siêng năng học bài và luôn được thầy cô giáo khen ngợi về sự chăm chỉ, hoạt bát và thông minh. Năm nào em cũng được nhà trường tuyên dương về nghị lực vượt khó và thành tích học tập tốt ở tất cả các môn. Em đặc biệt học giỏi môn toán và tiếng Việt. Em hay được cô giáo chọn làm mẫu cho các bạn học tập. Ở nhà, em cũng thường dạy mẹ cách làm tính, viết chữ. Nhờ thế, mẹ Linh cũng bớt đi lang thang, tình cảm hai mẹ con cũng gắn bó hơn. Có lẽ cũng vì thế mà ước mơ làm cô giáo đã hình thành trong Linh. Em mơ sau này được đứng trên bục giảng để truyền kiến thức cho học sinh.

Tạm biệt cô bé 'hạt tiêu' không đầu hàng nghịch cảnh. Mong rằng em sẽ luôn lạc quan và theo đuổi ước mơ của mình.

Đinh Quang Hoạch

Từ ngày 8/8 đến 16/10, Báo VnExpress phối hợp cùng nhãn hàng Dutch Lady tổ chức cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm". Độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2) đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường. Chương trình kéo dài 10 tuần, hàng tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) để trao học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng). Độc giả có bài viết giới thiệu nhận vật được chọn trao giải học bổng sẽ nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài. Gửi bài dự thi tại đây.

VNExpress

VnExpress, Học bổng Đèn Đom Đóm, nhãn hàng Dutch Lady, học bổng


© 2021 FAP
  877,138       2/576