Nhiều cha mẹ muốn ngành giáo dục tập trung vào dạy và học tốt tiếng Anh trước thay vì thí điểm nhiều ngoại ngữ với bậc tiểu học.
Có con đang học lớp 2, chị Nguyễn Thành Tâm (Hà Nội) chia sẻ rất hoang mang khi biết Bộ Giáo dục và Đào tạo dự định thí điểm dạy tiếng Nga, tiếng Trung từ lớp 3 đến lớp 12 theo chương trình hệ 10 năm, bắt đầu từ 2017. Đây là sự lãng phí lớn cả về nhân lực, vật lực của ngành giáo dục. Thời điểm này và trong tương lai, tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới nên việc đưa tiếng Nga "quay trở lại" và thí điểm tiếng Trung là "thừa thãi".
Nhiều phụ huynh cho rằng, nên để học sinh tiểu học tập trung vào học tốt tiếng Anh trước. Ảnh: Ngọc Thành. |
Chị Tâm từng có 3 năm THPT (1998-2001) học tiếng Nga nhưng ra trường không thể sử dụng và không hỗ trợ gì cho thế hệ 8X như chị. Đó là khóa cuối cùng học tiếng Nga ở trường huyện. "Tôi không ủng hộ việc thí điểm tiếng Nga, tiếng Trung vào bậc tiểu học vì không muốn các con mình đi vào lối mòn như thế hệ chúng tôi. Tuổi các cháu còn nhỏ, chỉ nên tập trung tốt một loại ngoại ngữ là tiếng Anh", chị Tâm nói.
Từ thực tế của con trai, chị thấy việc dạy học tiếng Anh theo kỳ vọng của Bộ Giáo dục là trở thành "ngôn ngữ thứ hai" sau tiếng Việt cũng thất bại. Thời lượng 2 tiết/tuần giống như "cưỡi ngựa xem hoa". Chị cho rằng nếu nhìn thấy trẻ em tiểu học thời điểm này có thể nói được tiếng Anh thì là do năng lực cá nhân và sự đầu tư của gia đình chứ không phải nhờ 2 buổi trên lớp mỗi tuần.
Cũng không ủng hộ thí điểm tiếng Trung, tiếng Nga ở bậc tiểu học, chị Hương Linh (Hà Nội) cho rằng học sinh tiểu học không cần thiết phải học thêm ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh. Thời lượng 4 tiết/tuần theo quy định vẫn là quá ít, cần tăng thêm thực hành cho trẻ. Nếu bố trí học thêm ngoại ngữ nữa sẽ mất thêm thời gian và làm trẻ xao nhãng ngoại ngữ đang học, nhà trường khó bố trí thêm tiết.
"Trẻ em cần tập trung và học tốt ít nhất một ngoại ngữ ngoài tiếng mẹ đẻ, chưa cần thiết biết nhiều", bà mẹ có con đang học lớp 3 ở một trường tiểu học Cầu Giấy nói và đề xuất, việc học tiếng Nga, tiếng Trung hoặc ngoại ngữ khác chỉ nên áp dụng với học sinh cấp 3 hoặc đại học. Việt Nam nên học một số nước Đông Nam Á, cho học sinh học môn chính bằng tiếng Anh để nâng cao khả năng ngoại ngữ, hướng đến hội nhập thế giới. Sách giáo khoa nên tham khảo của Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc - những nước có nền giáo dục tiên tiến, lại cùng khu vực.
Theo phụ huynh, chương trình học hiện nay đã khá nặng, nên để cho học sinh được tự lựa chọn ngoại ngữ cho mình. Ảnh: Giang Huy. |
Anh Nguyễn Cường, phụ huynh có con bước vào lớp 6 cũng không mấy hào hứng trước thông tin có thể thí điểm dạy tiếng Nga, tiếng Trung. "Tôi được biết Đề án này có kinh phí hàng nghìn tỷ đồng, nhưng giai đoạn 1 thực hiện không mấy hiệu quả. Bộ nên rút kinh nghiệm, tránh để vài năm sau việc thí điểm hoặc dạy ngoại ngữ không đạt được hiệu quả thì vừa tốn tiền, mà hậu quả đổ lên đầu chính các thế hệ học sinh", anh nói.
Phụ huynh này băn khoăn, tiếng Nga trước đây rất được chuộng trong các trường học, nhưng rồi không thông dụng, không ứng dụng được nhiều. Thế hệ học sinh vào đại học lại bắt đầu với tiếng Anh, thầy cô giáo chuyển sang ngoại ngữ khác để đáp ứng dạy học theo yêu cầu mới. Vậy vì sao lại đưa tiếng Nga trở thành ngoại ngữ thứ nhất - nghĩa là ngoại ngữ bắt buộc với học sinh?
Theo anh Cường, nếu thí điểm thêm các loại ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Nga, Trung thì tùy từng nhu cầu của người học và điều kiện của địa phương. Ví dụ học sinh các tỉnh vùng biên giới phía Bắc nên được học tiếng Trung để thuận lợi trong giao tiếp, buôn bán và phục vụ mục đích an ninh quốc phòng. Học sinh THPT có lựa chọn ngành nghề liên quan đến tiếng Trung, tiếng Nga thì cũng được chọn lớp. Nếu ai có nhu cầu học để phục vụ cho mục đích công việc thì chọn các trung tâm bên ngoài, không nhất thiết phải áp dụng vào học sinh vì hiện chương trình phổ thông đã quá nặng.
Kết quả khảo sát trên VnExpress. |
Xung quanh vấn đề này, VnExpress nhận được hàng nghìn ý kiến của độc giả. Bạn Vo Ninh chia sẻ kinh nghiệm bản thân: "Tôi từng phải học tiếng Pháp trong 4 năm THCS, quả thực rất phí phạm vì lên cấp 3 và bậc đại học, sau đại học đều học tiếng Anh. Tôi lo ngại nếu áp dụng vào các trường học vùng quê, học sinh sẽ không được lựa chọn ngoại ngữ mà bị bắt buộc học tiếng Trung, tiếng Nga theo chỉ tiêu, sau đó lên bậc cao hơn thì học tiếng Anh từ đầu".
Độc giả Giang Lương cũng là giáo viên tiếng Anh nhận thấy nhiều em học lên đến lớp 11, 12 chỉ giao tiếp được bập bẹ vài câu, nghe không ra, viết cũng không được. Như vậy không thể học các ngoại ngữ khác khi tiếng Anh chưa thạo và không có thời gian nghỉ ngơi. Bạn Nguyen Nga thì cho rằng việc đưa nhiều ngoại ngữ vào chương trình giáo dục phổ thông cần nghiên cứu kỹ, lấy ý kiến rộng rãi, nếu không sẽ khó hiệu quả. Ngoài ra, phải tính đến việc bố trí giáo viên vào các trường sao cho hợp lý, tránh tình trạng có thầy nhưng không có trò và ngược lại.
Giai đoạn 2016-2020, Đề án ngoại ngữ Quốc gia dự định xây dựng chương trình môn học tiếng Nga, tiếng Trung Quốc theo chương trình mới hệ 10 năm, từ lớp 3 đến lớp 12. Theo Bộ Giáo dục, việc này nhằm đảm bảo cho người học khi hoàn thành chương trình tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đạt được các chuẩn đầu ra quy định theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam đã được ban hành.
Phương Hòa
Xem thêm:
>> Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam thế nào
>> Đề án ngoại ngữ gần 9.400 tỷ sau 8 năm làm được những gì
Bộ Giáo dục, thí điểm, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc, đề án ngoại ngữ 2020, ý kiến phụ huynh.