Sử dụng 2 phương pháp skimming và scanning, bạn có thể tăng tốc trong việc làm bài thi đọc tiếng Anh cũng như nghiên cứu các tài liệu.
Người đọc có thể tiết kiệm thời gian mà vẫn lấy được thông tin cần thiết dù không cần đọc cả bài. Điều quan trọng là bạn phải xác định được thông tin mình cần tìm kiếm và từ đó lựa chọn phương pháp phù hợp.
Kỹ năng đọc giúp bạn làm bài thi IELTS hiệu quả hơn. |
1. Skimming (đọc lướt)
Skim là phương pháp bạn chỉ tìm kiếm ý chính của bài đọc. Với skim bạn không cần đọc toàn bộ bài mà vẫn nắm được ý chính, nhờ đó tăng tốc độ đọc và tiết kiệm được thời gian.
Làm thế nào để skim? Nhiều người nghĩ rằng đó là việc đọc lướt qua thật nhanh bài đọc, nhưng không phải vậy. Để skim một cách có hiệu quả thì bạn không phải đọc tất cả bài, mà sẽ có một cấu trúc. Cái bạn đọc quan trọng hơn cái bạn bỏ qua. Vậy thì đâu là phần nên đọc và đâu là phần có thể bỏ qua?
Bây giờ bạn đang nghiên cứu một chương rất dài hoặc website. Bằng cách đọc đoạn văn đầu tiên một cách chi tiết, bạn sẽ có được cái nhìn tổng quát về nội dung sẽ được bàn đến trong cả bài. Phần cần đọc sẽ ở đầu, vì vậy bạn có thể bắt đầu đọc dòng đầu tiên của mỗi đoạn văn - topic sentences (câu chủ đề), chúng sẽ cung cấp ý chính của toàn đoạn. Nếu bạn vẫn chưa có được ý chính từ câu chủ đề hoặc nếu đoạn văn thu hút sự chú ý, bạn cần phải đọc thêm.
Vào cuối mỗi câu chủ đề, bạn nên đưa mắt nhìn lướt qua toàn đoạn văn để tìm kiếm thông tin như tên, ngày hoặc sự kiện trong đoạn văn đó. Tiếp tục đọc các câu chủ đề, nhìn lướt qua đoạn văn cho đến khi bạn đọc gần hết bài. Do một số đoạn văn cuối sẽ chứa thông tin tóm tắt, tổng kết, kết luận, vì vậy bạn có thể dừng việc skim và đọc một cách chi tiết. Nên nhớ rằng việc đọc hiểu toàn bộ khi dùng phương pháp này sẽ thấp hơn khi bạn đọc toàn bộ bài một cách chi tiết. Nếu trong khi đọc lướt cảm thấy đã nắm được ý chính, tức là bạn đã sử dụng phương pháp này một cách chính xác.
Khi nào nên dùng skim? Bạn nên dùng phương pháp này khi đang tham gia lớp kỹ năng thuyết trình và phải đưa ra một báo cáo trong vài ngày tới (thời gian ngắn) về chiếc máy tính đầu tiên được phát minh, bạn tìm được 6 cuốn sách và 4 bài báo về chủ đề này. Phải chuẩn bị cho bài đó một cách nhanh chóng, bạn không có đủ thời gian để đọc kỹ từng từ, nhưng vẫn cần thu thập lượng thông tin lớn và chính xác, đáng tin cậy. Skimming sẽ giúp bạn xác định thông tin một cách nhanh nhất, đảm bảo rằng đang sử dụng thời gian khôn ngoan.
Trong khi đọc, hãy tự hỏi bản thân những câu sau, nó sẽ giúp bạn quyết định có hay không dùng phương pháp skim. Nếu câu trả lời là có cho bất kỳ câu hỏi nào dưới đây, bạn nên dùng.
- Đây là tài liệu thuộc thể loại thực tế (non-fiction)/ Đây không phải là tài liệu thuộc thể loại viễn tưởng?
- Mình có rất nhiều tài liệu nhưng chỉ có ít thời gian để đọc chúng?
- Mình đã biết gì về đề tài này chưa?
- Có tài liệu (phần) nào có thể bỏ qua không?
2. Scanning (đọc quét)
Scan là công cụ khác cho việc tăng tốc trong việc đọc. Không giống skimming, khi scanning, bạn chỉ tìm thông tin chi tiết hoặc một phần thông tin mà không cần đọc toàn bộ bài. Bạn sử dụng phương pháp đọc quét khi tìm kiếm số điện thoại trong danh bạ hay tìm kiếm kết quả thể thao trên báo. Để việc scan đạt hiệu quả, bạn cần hiểu cấu trúc của tài liệu đang đọc để xác định được thông tin cụ thể. Scanning còn cho phép bạn tìm chi tiết và thông tin khác khi không có nhiều thời gian.
Làm thế nào để scan? Bởi vì bạn đã scan nhiều loại tài liệu trong cuộc đời, vì vậy mà việc học về scanning sẽ dễ dàng hơn. Xác định mục tiêu, các tài liệu phù hợp và biết về cấu trúc của thông tin trước khi bạn bắt đầu đọc là cần thiết.
Tài liệu mà bạn scan thường được sắp xếp theo các cách như: theo bảng chữ cái, thứ tự thời gian, không theo thứ tự bảng chữ cái (ví dụ danh sách kênh trên TV), theo thể loại…
Học cách sử dụng tay khi scanning là rất hữu ích trong việc xác định vị trí của thông tin cụ thể. Bạn có dùng tay khi tìm một từ nào đó trong từ điển? Để tìm kiếm thời gian của một cuộc họp trên lịch, hay khi đọc lịch trình của xe bus, tàu hỏa, việc dùng tay là rất có ích trong việc tập trung sự chú ý và xác định được đúng vị trí khi đọc quét.
Tầm nhìn ngoại vi cũng giúp bạn scan một cách hiệu quả. Khi tay di chuyển xuống một danh sách tên, bạn không chỉ nhìn thấy tên mà ngón tay đang chỉ vào, mà còn nhìn thấy cái tên ngay phía trên và phía dưới. Hãy để mắt của bạn làm việc khi tìm kiếm thông tin.
Hãy ghi nhớ nội dung của từ khóa (key word) trong tâm trí bạn khi đọc quét. Mục tiêu của bạn là tìm kiếm từ khóa. Ví dụ bạn đang tìm kiếm thời gian cho chuyến tàu từ thành phố New York tới Washington D.C, vậy thì từ khóa là “từ New York” và "tới Washington D.C”. Còn khi bạn tìm kiếm giá của chiếc máy in với mã số PX-70, vậy từ khóa để xác định vị trí trong danh sách một loạt máy in là “PX-70”.
Khi nào thì bạn scan? Câu trả lời là, bạn scan khi mục đích là tìm kiếm thông tin cụ thể. Nếu bạn đang nghiên cứu cho một bài thuyết trình, có thể scan mục lục của các quyển sách, website và tài liệu liên quan. Bạn cũng có thể tìm hiểu liệu chúng có chứa bất kỳ thông tin nào bạn cần hay không và trang nào có thể tìm thấy thông tin đó.
Trước đây có thể bạn scan mà không biết rằng mình đang làm việc đó. Nhưng từ bây giờ, với thông tin trên, bạn có thể sử dụng phương pháp scan có chủ đích và thường xuyên hơn. Càng luyện tập nhiều, hiệu quả của việc scan cũng tăng lên.
AMVNX tổng hợp
đọc, phương pháp, kỹ năng, IELTS