Mỗi bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội với 60 câu hỏi sẽ không đủ đánh giá năng lực của thí sinh để các trường đại học làm căn cứ xét tuyển.
Tại buổi mạn đàm về dự thảo thi THPT quốc gia 2017 của một số đại học lớn tại TP HCM ngày 13/9, TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác sinh viên Đại học Quốc gia TP HCM, cho rằng mỗi bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Lý, Hóa, Sinh) và khoa học xã hội (tổ hợp các môn Sử, Địa, Giáo dục công dân) có 60 câu là quá ít để đánh giá kiến thức, năng lực của thí sinh một cách toàn diện.
Hơn nữa, với dạng bài thi này, học sinh THPT sẽ có ít thời gian để làm quen với cách học. Bà Mai cũng băn khoăn về các chấm của bài thi tổ hợp vì dự thảo của Bộ Giáo dục chưa làm rõ sẽ chấm chung hay chấm riêng từng môn riêng lẻ.
Cùng quan điểm, ông Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng tuyển sinh Đại học Giao thông – Vận tải TP HCM cho rằng số lượng 20 câu hỏi cho mỗi môn trong các bài thi tổ hợp trên là quá ít. "Bộ Giáo dục nên có định hướng thay đổi theo hướng lâu dài chứ không nên mỗi năm thay đổi một kiểu. Nếu xét theo tổ hợp truyền thống thì các trường xét tuyển theo kiểu gì, Bộ phải nói rõ vì quy định là các trường phải công bố trước 3 năm", ông Vũ nói và đề nghị Bộ Giáo dục cần sớm có hướng dẫn cụ thể cho các trường đại học.
Thí sinh trước giờ thi môn Địa lý của kỳ thi THPT quốc gia 2016 tại TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng |
Cũng nói về bài thi tổ hợp, ông Nguyễn Ngọc Trung, đại diện Đại học Sư phạm TP HCM, đặt vấn đề: "20 câu hỏi trắc nghiệm cho mỗi môn thì khả năng phân loại học sinh như thế nào? Tôi chưa rõ vì sao đã gom chung các môn mà vẫn có những phần riêng biệt ?".
Theo ông Trung, việc chuyển đổi nhiều môn thi sang hình thức trắc nghiệm là phù hợp với xu thế trên thế giới, đảm bảo tính khách quan. Song, khác những năm trước, sự thay đổi chỉ diễn ra ở hình thức thi thì năm nay lại thay đổi cả cách đánh giá thí sinh.
Trong khi đó, TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM nhận xét, việc đưa môn Giáo dục công dân vào kỳ thi là tín hiệu tích cực khi môn học này được coi bình đẳng như các môn khác. Ngoài ra, đây là biểu hiện tốt cho phương châm "học gì thi nấy", thay vì "thi gì học nấy" như trước đây. Song, ông Nghĩa băn khoăn "liệu thi môn này có tác dụng đánh giá năng lực thí sinh và các trường sẽ dùng môn này để xét tuyển".
Ông Nghĩa cũng lo ngại, việc rút ngắn các môn trong một bài thi tổ hợp gồm 60 câu sẽ khó đánh giá được toàn diện năng lực của thí sinh và kiểm tra được các kiến thức cơ bản của môn học. "Thí sinh có phải làm hết các phần trong bài thi tổ hợp hay không? Ví dụ trong tổ hợp môn tự nhiên, thí sinh chỉ làm môn Lý và Hóa, bỏ môn Sinh thì có bị điểm liệt? Nếu có thì liệt bài thi hay liệt môn thi? Những điều này chưa rõ ràng", ông đặt vấn đề.
Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM kiến nghị Bộ Giáo dục sớm công bố phương án thi THPT quốc gia 2017 và có định hướng lâu dài để các trường THPT định hướng việc giảng dạy, hướng nghiệp cho học sinh.
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017. Dự kiến kỳ thi THPT 2017 sẽ gồm 5 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Nhiều giáo viên THPT tại TP HCM đã lên tiếng lo ngại hình thức thi trắc nghiệm môn Toán như trong dự thảo sẽ làm hao mòn tư duy học sinh còn thầy cô không kịp thời gian để chuẩn bị.
Mạnh Tùng
thi THPT quốc gia 2017, phương án thi, kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh, tuyển sinh, tổ hợp