Kinh tế gia đình khó khăn nhưng không làm nản chí cô học trò nhỏ với 6 năm liền đều đạt học sinh giỏi và luôn chăm ngoan.
Tôi đang là giáo viên cấp 2 tại trường THCS Phan Công Hớn, thuộc xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP HCM. Là giáo viên bộ môn, tôi có cơ hội được dạy nhiều lớp và tiếp xúc với nhiều em học sinh. Mỗi năm học mới, khi nhận được lịch dạy của mình, tôi đều mang cảm xúc khó tả, đặc biệt là những ngày bắt đầu năm học mới.
Đứng trước bục giảng, nhìn xuống gương mặt của các em học sinh, mỗi em đều đem lại cho tôi nhiều ấn tượng khác biệt. Trong đó, tôi nhớ như in em Võ Huỳnh Thúy Nga với ánh mắt hân hoan nhưng có gì đó chất chứa nhiều cảm xúc. Ở cái tuổi học sinh vô tư vô lo thì em Nga khiến tôi có nhiều băn khoăn và suy ngẫm.
Sau khi quan sát và tìm hiểu về Nga, tôi mới biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình em, mà có lẽ chính vì điều đó, Nga có phần hơi rụt rè và ánh mắt chứa nhiều nỗi niềm. Chính nỗi lo về kinh tế gia đình luôn ám ảnh cô học trò nhỏ này.
Gia đình Nga có 3 anh em, Nga là út đang học lớp 7, anh hai 17 tuổi đã nghỉ học đi làm thuê cho người ta, còn anh thứ 3 thì đang học lớp 8. Hiện tại gia đình em đang sống ở căn nhà nhỏ được ông bà cho lại ở ấp Hưng Lân. Nhà của em tương đối cũ kỹ, đồ đạc gần như không có gì nhiều, chỉ là các đồ dùng cơ bản. Căn nhà khá nhỏ nên mọi sinh hoạt đều diễn ra tại đây, ban ngày thì dùng làm nơi sinh hoạt ăn cơm, còn buổi tối là nơi cả nhà cùng nhau trải chiếu ra ngủ.
Anh em Nga thì mỗi ngày một lớn nên rất nhiều điều bất tiện. Ba của em làm nghề chạy xe ôm đầu ngõ, cứ sáng sớm là đem xe ra đậu, khi nào có khách thì chở đi, kiếm vài đồng lẻ đến tối khuya mới về. Nghề chạy xe ôm vất vả, dãi dầm nắng mưa nhưng thu nhập rất thấp. Bây giờ phương tiện xe buýt nhiều, giá lại rẻ nên việc chạy xe ôm của ba em trở nên khó khăn hơn.
Còn mẹ Nga thì đi phụ nấu cơm cho trường Tiểu Học Bùi Văn Ngữ, cũng ở xã Bà Điểm. Mỗi ngày người chủ sẽ trả cho mẹ em vài chục nghìn đồng. Do học sinh chỉ học từ thứ 2 đến thứ 6, nên cuối tuần mẹ Nga không có việc để làm. Thu nhập của cả nhà cộng lại hàng tháng chỉ vỏn vẹn vài triệu đồng. Phần lo tiền ăn học của anh em Nga dần trở thành gánh nặng quá lớn với ba mẹ.
Trước sức ép của thời buổi kinh tế khó khăn, nhiều lúc ba mẹ của em cũng kiệt sức, nhưng lại không nỡ để hai anh em phải nghỉ học, nên vay mượn được ai thì vay. Nhưng có vay mãi mà không trả được thì cũng không ổn, thế là anh hai của Nga đã phải nghỉ học khi mới tuổi 15. Anh hai đành hy sinh việc học và đi làm thuê cho người ta để kiếm tiền phụ ba mẹ lo cho 2 em.
Bản thân Nga là em út, nhưng vẫn hiểu được bao nỗi khó khăn của gia đình cùng những hy sinh của ba mẹ và anh hai. Em gần như chỉ chuyên tâm lo học hành và về nhà là phụ ba mẹ làm bao việc trong gia đình. Bù lại khó khăn của kinh tế gia đình thì điều đáng mừng là em Nga học rất giỏi. Với thành tích 6 năm liền học sinh giỏi là nguồn động lực vô cùng lớn lao cho ba mẹ của em. Ngoài học tốt, Nga biết phụ mẹ nấu cơm và quét nhà. Mỗi ngày em tự đi học bằng xe đạp. Em siêng năng và chăm chỉ nên thầy cô rất thương.
Là một giáo viên, tôi rất thương và đồng cảm với hoàn cảnh của Nga. Em không thể vô tư hoàn toàn chỉ lo chuyện học như các bạn đồng trang lứa, mà phải mang bao nỗi lo cùng cha mẹ. Khi biết được thông tin của chương trình, tôi gọi Nga sang nhà nói chuyện và tâm sự với em. Cô bé hiền lành nở một nụ cười vui vẻ và chia sẻ mong muốn được tiếp tục việc học. Em mong anh ba cũng vậy. Hiện em ước mơ anh hai được quay lại với trường lớp để hoàn tất bậc phổ thông. Em nói nhìn anh hai đi làm thuê bằng những công việc tay chân cho người ta nên rất cực. Em ước mơ sau này đi làm cùng với 2 anh chăm lo và đền đáp công ơn của ba mẹ.
Hoàng Phúc
Từ ngày 8/8 đến 16/10, Báo VnExpress phối hợp cùng nhãn hàng Dutch Lady tổ chức cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm". Độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2) đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường. Chương trình kéo dài 10 tuần, hàng tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) để trao học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng). Độc giả có bài viết giới thiệu nhận vật được chọn trao giải học bổng sẽ nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài. Gửi bài dự thi tại đây.
VnExpress, Học bổng Đèn Đom Đóm, nhãn hàng Dutch Lady, học bổng