Giáo dục

Cô nữ sinh trung học lớn lên từ tình thương của ông bà nội

Thương ông bà nội vất vả mưu sinh lo cho các cháu nên Quỳnh Giao học hành chăm chỉ, suốt 8 năm liền đều đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Buổi sáng, sương phủ khắp cành cây, bãi cỏ. Tôi thường thấy bóng dáng một người đàn ông chạy xe ôm đang đứng đợi khách bên đường. Dáng người tiều tụy. Tôi cũng thường thấy một cô bé hay mang cho người đàn ông ấy một ổ bánh mì, có khi là gói xôi. Khi tôi hỏi thăm thì mới biết đó là ông nội của em Phạm Trần Quỳnh Giao. Em đang là học sinh lớp 9/5, trường THCS Hùng Vương, thị trấn Trảng Bom, thuộc huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Men theo con đường thuộc xóm 4, ấp Quảng Phát, xã Quảng Tiến, tôi tìm đến gia đình em Quỳnh Giao. Gia đình em đang ở trọ. Qua trò chuyện với ông bà nội của Giao, tôi phần nào hiểu thêm về ước mơ làm cô giáo của em.

co-nu-sinh-trung-hoc-lon-len-tu-tinh-thuong-yeu-cua-ong-ba-noi

Ông của Giao kể lại một câu chuyện thương tâm suốt 14 năm qua mà ông muốn chôn kín trong lòng. Nước mắt ông tuôn rơi, lòng tôi cũng xót xa. Lúc em ra đời, niềm vui của gia đình chưa được bao lâu thì biến cố ập đến. Bố em bị tai nạn giao thông qua đời khi em vừa gần hai tuổi. Còn mẹ em thì mất trí. Từ nhỏ em thiếu vắng tình thương của bố mẹ, em khát khao một lần được gọi bố, gọi mẹ cho khuây nỗi nhớ thương trong lòng. Nhiều lúc bạn bè còn chọc em là đứa không cha, không mẹ. Em đã khóc rất nhiều cho sự bất hạnh của mình.

Quỳnh Giao được ông bà nội cưu mang từ khi còn là tấm bé. Vì thế, em thương ông bà nội như bố mẹ thứ hai của mình. Ông nội em tuy gần 60 tuổi nhưng vẫn chạy xe ôm, mỗi ngày kiếm được khoảng 60-70 nghìn đồng; còn bà nội em bị tật ở chân, đi đứng còn khó khăn nhưng vì thương ông, thương cháu nên nhận may thú bông… Ông bà nội phải gói ghém chi tiêu trong gia đình. Lúc bị bệnh, ông bà nội thường chịu đựng một mình, không dám mua viên thuốc vì phải để dành tiền nuôi cháu ăn học.

Bữa cơm đạm bạc chỉ có rau luộc, trứng rán, bữa ngon nhất là cà pháo chấm mắm tôm, thỉnh thoảng cũng có ít thịt luộc chấm mắm, con cá kho. Quỳnh Giao lớn lên từ tình thường yêu của ông bà nội. Mỗi bữa cơm, khi thấy ông bà nội nói cười vui vẻ, em cảm thấy mình còn hạnh phúc so với các bạn khác.

co-nu-sinh-trung-hoc-lon-len-tu-tinh-thuong-yeu-cua-ong-ba-noi-1

Trong một lần tình cờ, nghe ông bà nội trò chuyện. Quỳnh Giao mới biết ông nội đã bị cắt đi một quả thận do bị ứ nước, quả thận còn lại đang suy giảm chức năng. Còn bà nội thì hay đau ốm, đi đứng còn khó khăn do chân bị tật. Đó là câu chuyện thương tâm mà ông bà nội cố giấu trong lòng, để cháu yên tâm học hành, nhưng không ngờ Quỳnh Giao vô tình nghe được. Lúc ấy, Quỳnh Giao chỉ biết khóc, vì thương ông bà nội quá nhưng nhà túng nghèo, không có tiền chữa trị cho nội.

Mỗi ngày, Quỳnh Giao thường nhịn ăn sáng để góp tiền mua thuốc bổ cho ông bà nội. Hàng ngày, đi học về, em phụ giúp ông bà nội việc cơm nước, giặt quần áo, lau nhà, bóc vỏ hành. Ngoài ra, em còn nhặt ve chai phụ giúp ông bà nội trang trải cuộc sống. Quỳnh Giao thương ông bà nội nên ra sức học hành nên suốt 8 năm liền đều đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường. Em còn là học sinh gương mẫu, hiếu thảo với ông bà, lễ phép với thầy cô, luôn giúp đỡ bạn bè vượt qua những khó khăn.

Hiện giờ sức khỏe ông bà nội em suy yếu. Cả nhà chỉ trông chờ vào rổ hành để kiếm sống qua ngày. "Bóc vỏ hành bữa nào khỏe thì được 50.000 đồng, có hôm cũng chỉ được 30.000 đồng", bà nội em tâm sự. Số tiền ít ỏi ấy sẽ được dùng để trang trải mọi thứ, từ tiền phòng trọ, điện, nước, cơm gạo đến các khoản chi tiêu khác… Do gia đình em ở tạm trú, không thuộc diện xóa đói giảm nghèo, nên mọi thứ khó khăn càng thêm chồng chất.

co-nu-sinh-trung-hoc-lon-len-tu-tinh-thuong-yeu-cua-ong-ba-noi-2

Tâm sự cùng Giao, tôi cảm nhận được niềm ham học của em một cách sâu lắng. Em đang nuôi dưỡng ước mơ trở thành cô giáo để đem con chữ đến tất cả mọi người, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn như em. Nhưng gia cảnh của Giao như thế thì liệu em có thể tiếp tục đến trường? Em dự tính học xong lớp 9 sẽ xin ông bà nội cho nghỉ học, đi nhặt ve chai hay bán vé số để có tiền chăm lo cho gia đình.

Khi tôi hỏi, nếu may mắn có giải thưởng từ chương trình “Học bổng Đèn Đom Đóm”, em sẽ làm gì?. "Dạ thưa thầy, nếu có may mắn đó, em sẽ dùng tiền chữa bệnh cho ông bà nội", Giao tâm sự.

Hy vọng chương trình “Học bổng Đèn Đom Đóm” sẽ thắp sáng ước mơ trở thành cô giáo của em. Tôi cũng hy vọng em có giải thưởng từ chương trình để có tiền chữa bệnh cho ông bà nội.

Nguyễn Quốc Toàn

Từ ngày 8/8 đến 16/10, Báo VnExpress phối hợp cùng nhãn hàng Dutch Lady tổ chức cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm". Độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2) đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường. Chương trình kéo dài 10 tuần, hàng tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) để trao học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng). Độc giả có bài viết giới thiệu nhận vật được chọn trao giải học bổng sẽ nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài. Gửi bài dự thi tại đây.

VNExpress

VnExpress, Học bổng Đèn Đom Đóm, nhãn hàng Dutch Lady, học bổng


© 2021 FAP
  888,886       5/645