Thi THPT quốc gia sẽ đổi mới theo hướng giao cụm thi về Sở Giáo dục, nhiều môn trắc nghiệm trên giấy, chấm trên máy, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo chia sẻ trong họp báo chiều 4/9 trước thềm năm học 2016-2017.
- Năm học 2016-2017 có những thay đổi gì ở kỳ thi THPT quốc gia, thưa Bộ trưởng?
- Chủ trương năm nay không phải đưa ra một phương án thay đổi mà kế thừa phương án của năm 2016. Phương án thi và tổ chức xét tuyển sẽ được điều chỉnh theo hướng chỉ còn một cụm thi, giao cho các Sở Giáo dục chủ trì, hạn chế huy động cán bộ các trường về địa phương
Nội dung và hình thức thi sẽ được điều chỉnh. Những năm trước, đề thi tự luận còn khiến dư luận chưa yên tâm, chấm thi theo barem cũng có sự du di. Đề năm nay sẽ mở rộng kiến thức để tránh học lệch, học tủ. Các môn Toán, Ngoại ngữ, Khoa học xã hội, Khoa học nhân văn thi trắc nghiệm trên giấy, chấm trên máy.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong chấm thi sẽ hạn chế tiêu cực, nhìn bài nhau. Thực tế cho thấy 3 năm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội rất thành công. Bộ sẽ tăng cường kiểm tra chất lượng cơ sở giáo dục, tránh tình trạng chỉ tiêu không khớp số lượng đăng ký tuyển sinh.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trong cuộc họp báo chiều 4/9. Ảnh: P.X. |
- Nhiều ý kiến cho rằng thay đổi liên tục và quá nhanh trong giáo dục giống như đem thí sinh ra làm "thí nghiệm", "chuột bạch", Bộ trưởng nghĩ sao?
- Tôi xin khẳng định một lần nữa những thay đổi năm nay chỉ là kế thừa năm học trước. Giáo dục đang chuyển từ nhồi nhét kiến thức sang đánh giá năng lực. Bỏ đổi mới đi thì không còn là giáo dục, chỉ có điều đổi mới làm sao cho có hiệu quả. Trong giáo dục cần có lộ trình vững chắc, có sự chuẩn bị tốt thì tạo ra nền tảng tốt. Giáo dục đổi mới hôm nay không phải mai phát huy hiệu quả mà có khi chục năm sau mới thấy tác dụng.
- Ngành giáo dục đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Song chất lượng hiện nay chưa xứng với kỳ vọng, Bộ có giải pháp gì?
- Hơn 30 năm đổi mới, chúng ta phải nhìn nhận chất lượng giáo dục có những bước tiến đáng kể, song chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội. Việc này có nhiều nguyên nhân. Rõ ràng, để đổi mới căn bản, toàn diện rất khó. Tôi ví von thế này, nếu xây một căn nhà mới thì đơn giản. Nhưng trong bối cảnh vừa sửa móng, vừa làm nhà thì vô cùng khó khăn, đụng chỗ này, mắc chỗ kia.
Đáng báo động nhất là giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và đào tạo tiến sĩ. Giải pháp thì có nhiều, một trong những biện pháp sắp thực hiện là kiểm định chất lượng. Các đại học sẽ được kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế, để thấy được các trường đang đứng ở đâu. Chúng ta có thể yếu song không được lạc điệu với các nước khác.
Nâng cao năng lực giáo viên cũng là nhiệm vụ trọng tâm, quyết định thành bại của sự nghiệp đổi mới toàn diện giáo dục. Nhiều thầy cô tâm huyết với nghề nhưng tâm huyết thôi chưa đủ mà còn cần năng lực. Bộ có chương trình rà soát để xây dựng quy chuẩn giáo viên. Sẽ có những khóa học ngắn hạn để bồi dưỡng thầy cô.
Thầy cô coi sự nghiệp đổi mới như nhu cầu tự thân thì lúc đó sự nghiệp đổi mới chất lượng giáo dục mới có tác dụng. Bộ đang triển khai dự án để thực hiện việc này chứ không nói chơi.
- TP HCM có quy định cấm dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Nhiều phụ huynh, học sinh đã phản ứng với lý do năm nào cũng đổi mới thì việc dạy thêm, học thêm để "chạy" cho kịp chương trình là điều tất yếu. Xin cho biết quan điểm của Bộ và cách giải quyết vấn đề này?
- Dạy thêm học thêm là nhu cầu, nguyện vọng của không riêng Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới. Nên cấm dạy thêm một cách tràn lan, không đúng mức, như cố tình đưa chương trình học chính vào học thêm. Song muốn giảm dạy thêm, học thêm phải có lộ trình mà quan trọng nhất là thay đổi nội dung chương trình, sách giáo khoa.
- Theo Đề án thay đổi sách giáo khoa được Quốc hội phê duyệt, năm 2018 sẽ bắt đầu lộ trình đổi mới, thực hiện cuốn chiếu theo từng cấp học. Xin cho biết chương trình tổng thể, chương trình bộ môn bao giờ được công bố?
- Đúng là lộ trình thay đổi sách giáo khoa đang chậm trễ, song quan điểm của Bộ là "chậm mà chắc". Bởi sách giáo khoa phải được xây dựng trên một chương trình tổng thể tốt. Giờ chương trình tổng thể chưa có, chương trình môn học cũng chưa tính cụ thể. Song Bộ cũng đã có kế hoạch làm và trong tuần tới sẽ triển khai.
Việc kiến tạo sách giáo khoa cũng có những điểm mới. Việc xây dựng sách giáo khoa không chỉ bó hẹp ở một nhóm chuyên gia mà sẽ công khai, minh bạch cho các thầy cô đóng góp ý kiến, tránh tình trạng làm xong rồi lại phải sửa. Chúng ta có đội ngũ giáo viên giỏi ở trường sư phạm, trường phổ thông. Bộ chưa đặt vấn đề hoãn, song sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ và trình Quốc hội ở thời điểm thích hợp.
- Đà Nẵng cho học sinh nghỉ trọn 3 tháng hè, nhiều địa phương khác không làm được điều này. Quan điểm của Bộ?
- Vấn đề này Bộ xin tiếp thu, song không máy móc. Các địa phương có sự sắp xếp hợp lý, cố gắng cho các cháu nghỉ hè thoải mái, cũng không nhất thiết phải nghỉ đủ 3 tháng hè mà có thể tăng thời gian nghỉ đông, bởi thời điểm giáp Tết trời cũng khá lạnh. Bộ sẽ lắng nghe, điều chỉnh hợp lý để ngày khai giảng là ngày vui của học sinh, chứ không phải chỉ riêng Đà Nẵng mới có niềm vui.
Phương Hòa ghi
bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đổi mới thi THPT quốc gia 2017, đổi mới giáo dục, cấm dạy thêm, học thêm.