Từng vượt hàng chục km mỗi ngày đến trường bằng đôi chân dẻo dai, Mai sớm bộc lộ năng khiếu điền kinh và kiên trì theo đuổi bộ môn này.
Là con út trong gia đình làm nông ở huyện biên giới thuộc tỉnh Lào Cai, Nguyễn Thị Tuyết Mai khiến dân làng tự hào khi trở thành thủ khoa của Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội năm 2016. Chiều cao 1,63 m không quá nổi trội so với bạn cùng tuổi, tuy nhiên so với dáng thấp bé của bố mẹ, Mai là trường hợp đặc biệt trong gia đình có đủ thể lực để tham gia thể thao.
Mai có vẻ ngoài mềm mại và nữ tính hơn so với tưởng tượng của nhiều người. |
Thuở nhỏ, nhà cách trường hàng chục km, ngày ngày Mai vượt đèo, vượt suối thành quen, bản thân tự rèn luyện được độ bền. Cô gái sinh năm 1994 lần đầu biết đến điền kinh khi tham gia giải chạy việt dã của huyện Bảo Thắng nơi mình sinh sống vào năm lớp 7. Kết quả Mai chỉ xếp thứ 13 toàn đoàn và nhận được giải thí sinh nhỏ tuổi nhất.
Sau thời gian đó, em bắt đầu tập luyện điền kinh tại Trung tâm Huấn luyện Thể dục Thể thao tỉnh Lào Cai. Thầy Ngô Đức Trung là người đầu tiên giảng dạy cho Mai ở bộ môn này. “Lên lớp 10, em đăng ký vào Trung tâm Giáo dục Thường xuyên, thầy nói một câu mà em nhớ mãi, đó là học trường nào không quan trọng, quan trọng nhất là em có đủ sự tự tin và quyết tâm để thành công”. Nhớ lời thầy, Mai dành nhiều thời gian hơn cho các môn văn hóa và quyết tâm thi vào Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội.
Mai gặp phải chấn thương đầu gối vài tháng trước thời gian thi đại học. Ngoài các môn Toán, Sinh, cô còn phải thực hiện bài thi Năng khiếu nên đã cắn răng chịu đau để hoàn thành. 7 điểm Năng khiếu không phải là kết quả cao như mong đợi, song Mai đủ điểm vào trường, bắt đầu ngày tháng sinh viên xa gia đình.
Để tiết kiệm tiền, Mai không về quê thường xuyên, phần lớn thời gian tập trung học tập. Ngoài các môn thể lực, sinh viên trong trường còn được học môn Tâm lý học lứa tuổi, Y học Thể dục Thể thao, Nghiệp vụ lý luận… Để đạt được danh hiệu sinh viên giỏi và xuất sắc trong các năm học, Mai chia sẻ bí quyết là tập trung tối đa trong buổi học để hiểu sâu vấn đề, nắm được đâu là cốt lõi và ghi nhớ có chọn lọc, không học lan man, vừa tốn thời gian vừa nhanh quên. “Sức khỏe tốt cũng giúp đầu óc minh mẫn và khả năng tập trung được cải thiện”, Mai nói.
Tuy học trong môi trường thể thao nhiều nam, Mai không hề thể hiện sự thua kém khi mang về huy chương vàng nội dung 3.000 m giải điền kinh sinh viên toàn quốc năm 2012 và huy chương vàng nội dung 800 m giải điền kinh sinh sinh viên khu vực Hà Nội năm học 2012-2013.
Mai đạt kết quả cao trong các cuộc thi thể thao. |
Đằng sau thành tích xuất sắc là những giọt mồ hôi miệt mài rơi trên sân tập. “Nhiều hôm tập với cường độ cao do gần đến thời gian thi đấu, em bị nôn trên sân, về không ăn được cơm, trằn trọc, khó ngủ. Nhưng đam mê đã chảy trong người rồi, rất khó để dừng lại”, Mai hào hứng nói. Cô chia sẻ niềm hạnh phúc khi được gặp thần tượng của mình là “nữ hoàng điền kinh” Trương Thanh Hằng trong một giải đấu, dù không thi cùng nội dung.
Ngoài điền kinh, cô Bí thư chi đoàn còn chơi bóng chuyền, bóng rổ, bóng bàn. Theo nữ thủ khoa Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội, cho dù không học các trường đặc thù, các bạn sinh viên cũng nên tìm một môn thể thao để vận động, vừa tốt cho sức khỏe vừa có cơ hội giao lưu lành mạnh với bạn bè.
“Tuy thành phố Hà Nội có rất nhiều ưu đãi cho thủ khoa, nhiều cơ hội phát triển hơn nhưng em đã quyết định về tỉnh thi công chức, vừa được ở gần chăm sóc bố mẹ già yếu, vừa hy vọng có thể góp phần thay đổi tích cực hoạt động thể thao ở địa phương”, nữ giáo viên thể dục tương lai chia sẻ.
Phiêu Linh
thủ khoa, nữ thủ khoa, huy chương vàng, điền kinh, ĐH Sư phạm TDTT Hà Nội, thể thao, thể lực