Từ một chương trình giới thiệu nhà trọ, sau 15 năm, Tiếp sức mùa thi đã trở thành bạn đồng hành của hàng triệu học sinh trên cả nước.
Trung ương Hội sinh viên Việt Nam, Bộ Giáo dục Đào tạo, Báo Thanh Niên và Tập đoàn Thiên Long vừa tổ chức lễ tổng kết chương trình Tiếp sức mùa thi 2016 và kỷ niệm 15 năm hoạt động.
Theo đó, từ năm 1996 đến nay, Tiếp sức mùa thi đã hỗ trợ, đồng hành với hơn 12 triệu thí sinh khắp cả nước, góp phần vào sự thành công của mỗi kỳ thi đại học, cao đẳng bằng những câu chuyện đậm tính nhân văn.
Từ một chương trình giới thiệu nhà trọ cho thí sinh mang tên “Hỗ trợ thí sinh đi thi đại học”, sau 15 năm, với sự chung tay góp sức của nhiều nguồn lực xã hội, chương trình lan tỏa thành hoạt động quan trọng trong mùa thi.
Ông Lê Quốc Phong cho biết, Tiếp sức mùa thi đã hỗ trợ hàng triệu thí sinh trong suốt 15 năm qua. |
Chia sẻ chặng đường hoạt động của chương trình, ông Lê Quốc Phong, Bí thư Thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam cho biết, năm đầu tiên, chương trình chỉ có 625 tình nguyện viên tại 7 tỉnh, thành phố tham gia. Đến năm 2016 có hơn 74.400 tình nguyện viên tham tiếp sức cho thí sinh và người nhà, tại tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước.
"Với ý nghĩa nhân văn, Tiếp sức mùa thi trở thành hoạt động tình nguyện được đánh giá cao bởi thí sinh, các cơ quan, tổ chức, xã hội”, ông Phong nhận định.
Trong 15 năm qua, chương trình đã liên tục sáng tạo, đổi mới để hỗ trợ tốt nhất cho thí sinh. Chẳng hạn, năm 2016, khi kỳ thi THPT quốc gia lần đầu diễn ra tại 63 tỉnh thành, chương trình chủ động thành lập đội hình và tiếp sức thí sinh ở tất cả địa phương.
Những con người giản dị với tấm lòng đẹp đã làm nên thành công của Tiếp sức mùa thi. |
Chia sẻ tại lễ kỷ niệm 15 năm Tiếp sức mùa thi, chị Phùng Thu Trang - Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ Tình nguyện Hà Nội cho biết, khi tham gia mô hình “Cùng bạn đi thi”, chị đã gặp không ít câu chuyện cảm động.
“Năm đó, tôi và đội tình nguyện của mình hỗ trợ một thí sinh có hoàn cảnh rất khó khăn. Sắp đến ngày thi, đội tình nguyện chúng tôi nhận tin mẹ em đang nằm viện, sau nhiều đắn đo, trăn trở, đội tình nguyện đã quyết định báo cho em biết tin và cùng về nhà thăm mẹ", chị Trang kể. Với quyết định khó khăn nhưng nữ thí sinh sau đó được mẹ động viên tiếp tục đi thi, thực hiện giấc mơ vào giảng đường.
Còn vợ chồng ông Thạch Ngọc Khanh và bà Võ Thị Nguyệt - hành nghề xe ôm thì cho biết, gắn bó với chương trình nhiều năm nay vì thương thí sinh. “Vợ chồng tôi không dư giả gì nhưng khi nhìn nhiều thí sinh đi thi mà không có cơm ăn, thậm chí có gia đình phải bán từng con heo, con gà để lo cho con đi thi, chúng tôi thấy thương quá. Nếu không giúp được bằng tiền thì chúng tôi góp sức, góp lòng”, bà Nguyệt chia sẻ.
Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa - Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long cho rằng Tiếp sức mùa thi là “tài sản lớn” của giáo dục và xã hội. |
Theo tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa - Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long, chương trình không còn là của riêng đơn vị nào mà là của toàn xã hội. “Trong 15 năm qua, chương trình có sự chung tay góp sức của nhiều nguồn lực từ các bạn thanh niên tình nguyện đến bác xe ôm, cô chú chủ nhà, mạnh thường quân, tổ chức, doanh nghiệp”, tiến sĩ Nghĩa khẳng định.
Ngọc Anh
Nhân lễ tổng kết chương trình năm 2016 và kỷ niệm 15 năm Tiếp sức mùa thi, Tập đoàn Thiên Long đã đón nhận Huân chương Lao động Hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng.
Không chỉ đồng tổ chức Tiếp sức mùa thi suốt 15 năm qua, Thiên Long còn thực hiện nhiều chương trình liên quan đến lĩnh vực giáo dục như Chia sẻ cùng thầy cô, Tri thức trẻ vì giáo dục…
Tiếp sức mùa thi, hỗ trợ thí sinh, hoạt động tình nguyện