Giáo dục

Cô học trò đầy nghị lực

Dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng suốt 7 năm liền, Lê Trang Thùy Vân luôn là học sinh giỏi và hầu như năm em cũng đứng nhất lớp.

Tôi đã rất tâm đắc một bài báo về sự lựa chọn của con người khi sinh ra. Trong đó, 4 điều khi sinh ra con người không được lựa chọn; đó là nơi mình được sinh ra; hoàn cảnh gia đình như thế nào; cơ thể, khuôn mặt mình ra sao; và đặc biệt là không được lựa chọn bố mẹ cho mình.

Với tôi, điều này thật đúng.

Tôi muốn nói đến em - người cũng không được lựa chọn.

Đầu tiên, em đã không được lựa chọn hoàn cảnh gia đình. Em là sản phẩm kết tinh của bố - một công nhân xây dựng và mẹ là một người phụ nữ nghèo từ quê lên thành phố mưu sinh. Mẹ em làm việc trong quán cà phê và tình cờ gặp bố em. Rồi sau đó hai người nên duyên chồng vợ.

Cứ ngỡ gia đình nghèo khó nhưng em sẽ lớn lên trong sự bảo bọc và yêu thương của bố mẹ. Nhưng bố mẹ em lại quyết định ly hôn và em là nạn nhân trong sự ích kỷ của người lớn. Những cuộc cãi vã, đánh nhau và kéo ra tòa để giành quyền nuôi con. Mẹ em, người phụ nữ yếu ớt và mỏng manh đã mất quyền nuôi em.

Đường ai nấy đi. Mẹ em tiếp tục ở lại Sài Gòn tìm kiếm kế sinh nhai và bố em đã dẫn hai chị em cùng bà về Củ Chi lập nghiệp. Ngày tôi nhìn em theo bố, em đã khóc rất nhiều. Không được lựa chọn hoàn cảnh gia đình. Cái nghèo thật quá thiệt thòi với em.

co-hoc-tro-day-nghi-luc

Suốt bảy năm học liền, Vân luôn là học sinh giỏi và hầu như năm em cũng đứng nhất lớp.

Em cũng không được lựa chọn bố mẹ. Bố mẹ mỗi người một nơi. Bố và mẹ là những người lao động chân tay vất vả. Bố em bước thêm một bước nữa và có một con riêng với người vợ mới. Em cũng không được lựa chọn hình thể như thế nào. Nhưng cuộc đời rất công bằng, em rất dễ thương, tròn trịa và đôi mắt to, đen láy. Có lẽ vì thế mà nhiều người rất quý mến em. Khi nói chuyện với em, tôi cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng, thanh thản và em là động lực để tôi vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Em rất hồn nhiên, ý chí và ngoan.

Em tên là Lê Trang Thùy Vân, năm nay em học lớp 7. Hàng ngày, em được bà nội chở đi học bằng chiếc xe đạp cọt kẹt trên con đường làng. Thỉnh thoảng, vì thương bà mà em đi học bằng xe buýt. Bảy năm học liền, em luôn là học sinh giỏi và hầu như năm em cũng đứng nhất lớp. Tan học, em về nhà là bắt tay vào dạy em trai học và trông em nhỏ phụ mẹ kế. Em rất thích học Anh văn nhưng với điều kiện của nhà trường, em chưa có cơ hội tiếp xúc nhiều với môn ngoại ngữ này.

Một năm, em chỉ gặp mẹ ba hay bốn lần. Thời gian em gặp mẹ nhiều nhất là vào dịp hè. Mẹ em cũng không đủ chi phí để mở quán kinh doanh. Với một chiếc xe nhỏ bán chân gà nướng, bò lá lốt và hột vịt lộn. Khoảng 18h mỗi ngày, mẹ em đẩy xe ra đầu hẻm bán. Vất vả là thế nhưng mẹ em cũng tích góp được từng đồng gửi về Củ Chi lo cho em ăn học. Mỗi lần được bà nội dẫn lên thăm mẹ, em đều phụ mẹ bán tới 2-3 giờ sáng.

Mỗi lần, nhìn cách em lăng xăng mang từng trứng vịt lộn hay đĩa chân gà, chai nước ngọt... cho khách, tôi thầm thương em. Tôi tự hỏi sao em lại luôn yêu đời và tươi cười khi cuộc sống không cho em lựa chọn. Em đã chấp nhận cuộc sống và lấy những điều không may mắn làm nghị lực để tiếp tục bước qua sóng gió trong cuộc đời. Em cũng nhận được tình thương từ bố và mẹ. Nhưng tình thương đó không trọn vẹn, không phải là tình thương xuất phát từ gia đình hạnh phúc mà từ sự tan vỡ trong hôn nhân. Em đã không được lựa chọn cuộc đời của mình. Tôi thương em quá!

co-hoc-tro-day-nghi-luc-1

Vất vả bán buôn mỗi ngày, nhưng mẹ em cũng tích góp được từng đồng gửi về Củ Chi lo cho em ăn học.

Với những nỗ lực trong học tập và phụ giúp gia đình, Thùy Vân luôn tin vào tương lai tươi sáng của mình vào một ngày không xa. Và giờ đây, tôi cũng đặt niềm tin của mình vào chương trình “Học bổng Đèn Đom Đóm” dành cho em.

Nếu làm một phép so sánh thì có thể hoàn cảnh của em không khó khăn bằng các bạn khác, nhưng hãy nhìn ở một góc độ khác, em rất quyết tâm và siêng năng học tập, ngoan và thương bố mẹ. Tôi nghĩ em xứng đáng đón nhận một phần thưởng từ chương trình, xem như món quà nhỏ bù đắp cho những mất mát và khích lệ em mạnh mẽ hơn trong cuộc sống.

Lê Thùy Anh

Từ ngày 8/8 đến 16/10, Báo VnExpress phối hợp cùng nhãn hàng Dutch Lady tổ chức cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm". Độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2) đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường. Chương trình kéo dài 10 tuần, hàng tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) để trao học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng). Độc giả có bài viết giới thiệu nhận vật được chọn trao giải học bổng sẽ nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài. Gửi bài dự thi tại đây.

VNExpress

VnExpress, Học bổng Đèn Đom Đóm, nhãn hàng Dutch Lady, học bổng


© 2021 FAP
  924,262       10/1,175