Giáo dục

'Khoanh bừa' bài thi trắc nghiệm khả năng được mấy điểm

Khẳng định không thể khoanh bừa đáp án môn thi trắc nghiệm THPT quốc gia mà được 10 điểm, tuy nhiên, chuyên gia giáo dục cho rằng thí sinh có thể dễ dàng kiếm 2,5 điểm nhờ chỉ chọn toàn A, hoặc B, hoặc C, hoặc D.

Sau khi thí sinh ở Nghệ An được 10 điểm Lý, 0 điểm Toán, nhiều người đặt câu hỏi có hay không chuyện khoanh bừa ở môn thi trắc nghiệm vẫn giành điểm cao.

TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT, sau khi phân tích kết quả thi THPT 2016 của thí sinh dự thi môn khoa học tự nhiên (hơn 850.000 bài thi Toán, khoảng 350.000 thi Hóa, 350.000 thi Lý và khoảng 150.000 thi Sinh)nhận được kết quả ấn tượng. 

Cụ thể, đối với các môn thi trắc nghiệm (Lý, Hóa, Sinh) chỉ khoảng 1% thí sinh có điểm dưới 2,5. Còn khi thi tự luận (Toán), số điểm dưới 2,5 là 17%. Thi tự luận hoặc trắc nghiệm, tỷ lệ thí sinh đạt 7,5 trở lên gần như nhau: khoảng 7%, riêng đề Lý phổ điểm lệch phải nhiều nên số thí sinh từ 7,5 trở lên chiếm 14%.

"Như vậy có thể thấy, để đạt điểm cao thì thi trắc nghiệm hoặc tự luận là khó như nhau. Còn để không bị điểm thấp, thi môn Toán khó gấp 17 lần thi các môn trắc nghiệm", TS Lê Trường Tùng đánh giá.

Theo thống kê của TS Lê Trường Tùng, số thí sinh thi môn trắc nghiệm Lý được dưới 2,5 điểm là 2.405, Hóa là 3.534, và Sinh là 2.848. "Những em này vừa không có kiến thức chuyên môn để giải bài, vừa không hiểu một quy luật. Đó là Bộ Giáo dục ra đề trắc nghiệm, mỗi câu hỏi có 4 lựa chọn A, B, C, D, và để tránh thiên vị theo phương án nào, Bộ ấn định số câu có câu trả lời đúng A, B, C, hoặc D là như nhau. Tức chỉ cần chọn bừa, chẳng hạn A hết, hoặc B hết, hoặc C hết, hoặc D hết, thế là có 2,5 điểm", ông Tùng nói.

khoanh-bua-bai-thi-trac-nghiem-kha-nang-duoc-may-diem

Thí sinh chuẩn bị làm bài trong kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: Hoàng Táo.

Có kinh nghiệm nghiên cứu và ra đề thi trong nhiều năm, một chuyên gia cho biết không có chuyện khoanh bừa đạt điểm 10 điểm môn trắc nghiệm. Còn việc chia đều đáp án đúng cho các lựa chọn A, B, C, D là có thật. Vì thế thí sinh cứ khoanh đúng một loại phương án ở tất cả câu hỏi thì sẽ được khoảng 2,5 điểm.

"Từ vài năm trước chúng tôi đã đề nghị phương thức chấm thi trắc nghiệm là khoanh đúng cho điểm và khoanh sai trừ điểm (với một lượng thích hợp). Tuy nhiên, đề nghị đó chưa được các cấp có thẩm quyền chấp nhận. Vì thế, với việc thi trắc nghiệm như hiện nay, một học sinh chỉ cần biết 4 chữ cái A, B, C, D là đảm bảo chắc chắn được 2,5 điểm ở môn thi trắc nghiệm", chuyên gia nói.

Theo vị này, nếu vẫn muốn có hình thức thi trắc nghiệm thì chỉ nên ở một mức độ, chứ không nên hoàn toàn trắc nghiệm như hiện nay. Phương án này đã được xem xét, tuy nhiên chưa được chấp nhận vì khâu coi thi sẽ phức tạp do sau phần thi trắc nghiệm phải thu bài, rồi lại phát đề phần tự luận cho học sinh làm tiếp.

Một phương án nữa cũng được xem xét là nâng cấp kiểu trắc nghiệm, tức là không chỉ đơn giản khoanh vòng quanh một chữ cái, nhưng cũng chưa khả thi vì như thế phải xây dựng lại ngân hàng câu hỏi.

TS Lê Trường Tùng cũng đồng tình, thi trắc nghiệm là hình thức tốt, cần duy trì, tuy nhiên cần có sự điều chỉnh như áp dụng trừ điểm đối với những câu sai (trừ đến khi về 0). Như vậy, học sinh sẽ ngại khi không biết gì mà đánh bừa, chỉ làm câu đúng vì nếu sai phải trả giá.

Bên cạnh đó, để tránh tình trạng ăn may, đáp án cho mỗi câu hỏi trắc nghiệm có thể nhiều hơn một lựa chọn, hoặc không có lựa chọn nào. Đồng thời, đã thi trắc nghiệm thì số câu phải đủ nhiều, ví dụ 120 phút 100 câu. "Thi trắc nghiệm nếu làm khéo sẽ thay thế được tự luận", ông Tùng nhận định.

Tuy nhiên, để xem xét việc thi trắc nghiệm hay tự luận theo các chuyên gia cần căn cứ vào nhiều chuyện khác nữa. "Mục đích tối thượng của mỗi kỳ thi là sát hạch, đánh giá năng lực (học tập, làm việc...) của người thi, chứ không phải nhằm tạo ra một môi trường để những người dự thi thư giãn, giải trí", vị chuyên gia nói. 

khoanh-bua-bai-thi-trac-nghiem-kha-nang-duoc-may-diem-1

Phổ điểm môn Toán tại cụm thi do trường đại học tổ chức. 

Trước đó dư luận đặc biệt quan tâm trước thông tin thí sinh Nguyễn Sỹ Hùng thi ở cụm Đại học Vinh (Nghệ An) được điểm 10 Lý, 8 điểm Hóa, song lại 0 điểm môn Toán. Hùng cho biết buổi thi Toán không làm gì, chỉ gập bài thi và ngủ. Các môn thi sau đó, vì không muốn trường THPT Tây Hiếu nơi mình theo học “mang tiếng xấu” có thí sinh bỏ thi và đạt cả 5 môn điểm 0, em đã làm bài. Nhưng với 3 môn trắc nghiệm là Hóa, Lý, tiếng Anh, em chỉ "khoanh bừa và ăn may".

Đại học Vinh đã thàm lập Ban kiểm tra xem xét toàn bộ bài thi của Hùng và khẳng định không có sai sót trong khâu chấm thi, việc thí sinh ngó bài nhau hay không thì không có cơ sở xác định. Vì không có quyền gặp gỡ thí sinh để hỏi, Đại học Vinh đã chuyển cơ quan điều tra vụ việc nhằm đảm bảo tính khách quan và đúng thẩm quyền.

Lan Hạ

Xem thêm:
>>Thành lập hội đồng kiểm tra thí sinh được 10 điểm Lý, 0 điểm Toán
>>Nam sinh 10 điểm Lý: 'Em khoanh bừa đáp án'
>>Công an xác minh vụ thí sinh được 10 điểm Lý, 0 điểm Toán

VNExpress

khoanh bừa, bài thi, trắc nghiệm, khả năng, được mấy điểm


© 2021 FAP
  936,316       1/1,197