Giáo dục

Chuyên gia giáo dục kêu gọi Nhật Bản thay đổi phương pháp dạy

Các phương pháp giảng dạy của Kazuya Takahashi, 35 tuổi, sử dụng khối Lego và nói hoàn toàn bằng tiếng Anh, có thể không là quy chuẩn trong hệ thống giáo dục Nhật Bản.

Nhưng với góc nhìn toàn cầu, Kazuya Takahashi, hiện giảng dạy tại trường trung học phổ thông và trung học cơ sở Kogakuin ở Hachioji, phía tây Tokyo, Nhật Bản, được xem là người tiên phong và giành được sự công nhận cho những nỗ lực thúc đẩy công dân toàn cầu.

Những phương pháp của anh có thể là điểm mới mà giáo dục Nhật Bản nên hướng đến. Nhật Bản vẫn thường bị chỉ trích về phương pháp giáo dục chỉ tập trung nhồi nhét kiến thức cho người học thay vì khuyến khích tư duy phản biện.

chuyen-gia-giao-duc-keu-goi-nhat-ban-thay-doi-phuong-phap-day

Takahashi đã có một bài thuyết trình tại diễn đàn Giáo dục và Kỹ năng toàn cầu ở Dubai, diễn ra trong hai ngày 12-13/3/2016. Ảnh: Japan Times

Tại diễn đàn Giáo dục và Kỹ năng toàn cầu ở Dubai, diễn ra trong hai ngày 12-13/3/2016, Takahashi đã có bài thuyết trình với tư cách là một trong 10 người tranh giải Giáo viên toàn cầu - vốn được biết đến như là giải Nobel trong lĩnh vực giáo dục. Sự kiện này đã thu hút 1.600 người từ 110 nước đến tham dự.

Mặc dù Takahashi không thắng được giải thưởng một triệu đô, được tài trợ bởi Quỹ khuyến học Varky, nhưng những nỗ lực của anh trong việc thúc đẩy sinh viên tham gia dự án giải quyết các vấn đề xã hội trên toàn cầu đã được công nhận.

Takahashi trình bày về phương pháp của mình. Đó là một thách thức trực diện với hệ thống giáo dục chú trọng các bài kiểm tra của Nhật Bản. Hiện học sinh Nhật Bản luôn bị ám ảnh về việc phải đạt được điểm số cao để có thể đỗ vào các trường đại học uy tín và sau đó được tuyển vào làm ở các tập đoàn tên tuổi lớn.

Anh tin rằng các lớp học nên truyền cảm hứng cho trẻ để có thể suy nghĩ sáng tạo và phát triển kỹ năng diễn đạt của chúng, không chỉ để cạnh tranh vì một câu trả lời đúng như những gì đang diễn ra ở Nhật Bản hiện nay.

“Giáo dục trên toàn thế giới đều có chung một mục tiêu. Chúng ta không dạy toán, chúng ta không dạy trẻ thành công dân toàn cầu để được vào đại học và kiếm được việc. Giấc mơ của chúng ta là dạy trẻ để biết chịu trách nhiệm cho những gì chúng học và sử dụng điều này cho những mục đích khác”, anh chia sẻ.

Để phát triển cá tính ở từng học sinh, Takahashi sử dụng các khối Lego trong lớp. Để nuôi dưỡng nhận thức về xã hội và các vấn đề nước ngoài, Takahashi tổ chức một cuộc thi với sự hợp tác của nhiều tổ chức như Hiệp hội thang máy vũ trụ Nhật Bản, Cơ quan Thám hiểm Vũ trụ Nhật Bản và các dự án về vấn đề xã hội ở Indonesia.

“Chúng ta phải dạy cho trẻ biết mọi người là khác nhau, và phải tôn trọng lẫn nhau”, anh nói. “Chúng ta phải nhìn họ từ những quan điểm khác nhau, thông qua các ống kính khác nhau”.

Kết thúc hai ngày diễn đàn, các nhà giáo dục và chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau đã thảo luận về vai trò của giáo viên trong việc đạt một mục tiêu của Liên Hợp Quốc cho năm 2030 là mang đến một nền giáo dục chất lượng cho tất cả trẻ em. Các chuyên gia đều đồng ý rằng nhận thức toàn cầu nên được đưa vào chính sách giáo dục của mỗi quốc gia, bao gồm cả Nhật Bản.

Ông Fernando Reimers, một giáo sư tại Trường Sau đại học về Giáo dục Harvard, chia sẻ với Thời báo Nhật Bản: “Bất kỳ quốc gia nào muốn thúc đẩy cơ hội cho người dân và cho chính quốc gia đó thì phải làm cho thế hệ học sinh có thể phát triển nhận thực toàn cầu”.

Ông Reimers, đang phụ trách chương trình Sáng kiến đổi mới giáo dục toàn cầu và chính sách giáo dục quốc tế tại Đại học Harvard, nói: “Tôi hy vọng những nhà lãnh đạo giáo dục Nhật Bản sẽ hiểu rằng việc thúc đẩy nhận thực toàn cầu và công dân toàn cầu là vô cùng quan trọng trong sự hội nhập về thương mại, chính trị và những tiến bộ công nghệ trong thế giới ngày này”.

Ông tin rằng một trong những cách tốt nhất để thực hiện điều này là thúc đẩy việc học ngoại ngữ và tổ chức trao đổi, tương tác giữa các sinh viên từ khắp nơi trên thế giới.

Để dẫn chứng cho những quan điểm của mình, ông đã chỉ ra những nỗ lực của Trung Quốc trong việc thu hút sinh viên tham gia dự án giáo dục quốc tế, ví dụ chương trình giảng dạy của các trường Thế giới Liên kết, nơi mà sinh viên được dạy bằng tiếng Anh tại các trường trên toàn thế giới. Ông nói: “Đó là một dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của giáo dục toàn cầu với người Trung Quốc”.

Theo ông Reimers, để nuôi dưỡng công dân toàn cầu, các giáo viên nên khuyến khích học sinh tham gia các cuộc thảo luận về các vấn đề phức tạp toàn cầu và chú trọng nhiều vào môn học về lịch sử thế giới, địa lý và toàn cầu hóa. Ông nói: “Trẻ em nên phát triển quan niệm về bản thân và những điều khác, sự giống nhau và khác nhau, và hiểu rằng có những cơ hội trong sự khác biệt”.

Ông cho biết thêm, hệ thống giáo dục cần được thiết kế để khuyến khích trẻ em tìm hiểu các cách tiếp cận vấn đề khác nhau thông qua nhiều góc nhìn thay vì đạt những mục tiêu cụ thể. Sự thay đổi từ “hướng đến hiệu quả” đến “hướng đến sự thích hợp” là quan trọng nhất trong tư duy và cần được thực hiện trong các chính phủ.

Theo Andreas Schleicher, giám đốc giáo dục và kỹ năng thuộc Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển, Nhật Bản nên chú trọng nhiều hơn vào các kỹ năng cảm xúc xã hội trong giáo dục. Đây là một trong những thách thức lớn nhất mà quốc gia này phải đối mặt.

Ông Schleicher cho biết Nhật Bản là một trong những quốc gia đạt điểm số cao theo PISA, chương trình khảo sát sinh viên quốc tế của OECD được thực hiện 3 năm/lần để kiểm tra xem những thanh thiếu niên 15 tuổi đã có được những kiến thức và kỹ năng quan trọng gì. Theo khảo sát PISA năm 2012, Nhật Bản đứng đầu về kỹ năng đọc và thành tích khoa học, đứng thứ hai trong toán học. Nhưng ông Schleicher cho rằng trẻ em cần được chuẩn bị cho “sự cam kết công dân” với những vấn đề toàn cầu và trách nhiệm xã hội nên là một phần lớn trong quá trình giáo dục.

Ông đề cao khái niệm về yutori kyoiku (chính sách giáo dục thoải mái), có hiệu lực vào năm 2007 để giảm bớt áp lực học tập đối với học sinh và mở rộng quan điểm, khả năng sáng tạo của họ với sự chú trọng hơn vào các lớp học độc lập về “nghiên cứu tổng quát”.

Theo ông, đó là một ý tưởng đúng, có chủ định nhưng cách thực hiện chưa tốt làm cho nó không hiệu quả. Giáo viên nên được trao quyền tự chủ hơn. Ông nói: “Đây là lúc mà Nhật Bản cần thực hiện một bước tiến táo bạo về việc phát triển phương pháp học tập chủ động”.

Quỳnh Linh (theo Japan Times)

VNExpress

chuyên gia, giáo dục, kêu gọi, Nhật Bản, thay đổi, phương pháp dạy


© 2021 FAP
  939,244       2/1,213