Một bài văn nghị luận đạt điểm cao trước hết phải đủ ý và để đảm bảo điều đó học sinh cần lập dàn ý trước khi bắt tay vào viết.
Với câu hỏi nghị luận xã hội, đề bài thường ra bởi ba dạng chính: nghị luận về một tư tưởng đạo lý, nghị luận về một hiện tượng đời sống, nghị luận về một vấn đề trong một tác phẩm văn học. Mỗi dạng lại sẽ bao gồm những dạng bài nhỏ hơn. Ví dụ, dạng bài nghị luận về một tư tưởng đạo lý có thể yêu cầu bàn luận về một ý kiến, một châm ngôn, danh ngôn; cũng có thể yêu cầu trình bày quan điểm cá nhân về một khái niệm phẩm chất tính cách nào đó.
TS Trịnh Thu Tuyết. |
Sau khi đã xác định được kiểu dạng đề, học sinh nên dành 5 phút để lập một dàn ý ngắn gọn tương ứng với kiểu đề. Trong dàn ý của bài văn nghị luận, học sinh cần chú ý những bước chính sau:
Giới thiệu ngắn gọn vấn đề cần bàn luận. Phần này yêu cầu viết ngắn gọn, chính xác, nhất thiết phải nêu được vấn đề theo yêu cầu của đề bài. Ví dụ, nêu nguyên văn ý kiến, châm ngôn, danh ngôn...; khái niệm chỉ tính cách hay trạng thái tâm lý; nêu hiện tượng cần bàn luận... Phần này cũng chính là mở bài, vì thế học sinh tránh diễn giải dài dòng, chỉ nêu ý khái quát.
Giải thích khái niệm (nếu có), tức là trả lời câu hỏi "là gì?". Phần này có thể giải thích nghĩa đen, nghĩa bóng... tùy theo từng vấn đề.
Nêu những biểu hiện của vấn đề trong cuộc sống, trong văn chương, tức là trả lời câu hỏi "như thế nào?".
Lý giải nguyên nhân vấn đề, hiện tượng hay phẩm chất, tức là trả lời câu hỏi “vì sao?”.
Bàn luận về vấn đề, đánh giá phẩm chất, hiện tượng..., đặt ra một số câu hỏi lật ngược lại vấn đề, nhìn vấn đề sâu hơn ở nhiều góc độ... Ví dụ hiện tượng/phẩm chất/ý kiến ấy có luôn đúng/sai/tốt/xấu?
Rút ra bài học về nhận thức và hành động cho bản thân. Một bài học nhận thức nên là suy nghĩ chân thành, sâu sắc chứ không phải sáo rỗng, hô khẩu hiệu như nhiều học sinh thường làm. Phần này thường là phần kết bài của bài văn nghị luận xã hội.
Học sinh có thể lựa chọn hình thức viết thư, tản văn, nhật ký... Mọi cách làm đều có thể đạt kết quả cao nếu có sự phù hợp, chân thành, sâu sắc; tránh viết theo hội chứng đám đông, hãy chọn cách viết phù nhất với mình.
Đối với phần nghị luận văn học - phần chiếm nhiều thời gian, công sức, đòi hỏi cao nhất về kiến thức và kỹ năng, học sinh cần tìm hiểu đề kỹ, xác định đúng vấn đề nghị luận, khoanh vùng phạm vi dẫn chứng.
Vì vậy, khi lập dàn ý cho bài văn nghị luận, học sinh cần xác định rõ những luận điểm chính, luận cứ đi kèm và dẫn chứng sẽ sử dụng nhằm sáng tỏ luận điểm đó. Quan trọng không phải là đề bài ra tác phẩm gì mà là đề bài yêu cầu gì. Bởi vì, mỗi tác phẩm, đề thi có thể khai thác với nhiều yêu cầu khác nhau. Ví dụ, cùng bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, đề có thể hỏi theo các cách sau đây:
Trình bày cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu qua bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh.
Trình bày cảm nhận về hình tượng sóng trong bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh.
Phân tích đoạn thơ sau đây (...) trong bài Sóng của Xuân Quỳnh.
Với mỗi dạng đề, cần có sự bắt đầu, triển khai ý, huy động kiến thức cho phù hợp với yêu cầu nghị luận dù cùng một đối tượng nghệ thuật.
Sau đó, học sinh hình thành một dàn ý xác định hướng triển khai các luận điểm, luận cứ trong bài; dàn ý ấy có thể thay đổi, sửa chữa đề có một bài làm mạch lạc, cân đối, nhất là không lan man, lệch hướng.
Căn cứ vào dạng bài (nghị luận về một đoạn thơ/bài thơ/đoạn trích, nghị luận về một nhân vật/nhóm nhân vật, nghị luận về một ý kiến bàn về tác phẩm, nghị luận về một tình huống truyện…), học sinh hình thành dàn ý khác nhau.
Sau khi đã có một dàn ý, các em bắt đầu viết bài trong tâm thế bình tĩnh, huy động cao nhất kiến thức, kỹ năng đã được thầy cô giáo cung cấp trong quá trình học tập. Phần mở bài, nên nêu ngắn gọn các kiến thức về tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận; phần thân bài, cần có sự kết nối logic, chặt chẽ giữa các luận điểm, cần làm rõ vị trí của vấn đề nghị luận với giá trị nội dung và nghệ thuật cơ bản của tác phẩm. Phần kết luận cần khẳng định lại các giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm trên cơ sở những vấn đề vừa nghị luận.
Khi lập dàn ý, học sinh có thể ước lượng khối lượng kiến thức, dẫn chứng mình sẽ truyền đạt để đảm bảo bài thi mạch lạc và độ dài vừa đủ. Phần nghị luận xã hội cần làm theo yêu cầu khoảng 600, tương ứng khoảng 3-4 trang giấy thi. Phần nghị luận, thí sinh viết theo khả năng kiến thức của mình, tránh sơ sài phản cảm, độ dài của bài viết phần nào thể hiện năng lực và bề dày kiến thức của thí sinh.
Ngữ văn không phải là môn học chỉ cần đặt bút và tùy hứng viết đến độ dài cần thiết. Việc lập dàn ý sẽ giúp học sinh làm chủ và điều khiển được bài thi của mình, cùng với kiến thức và cảm xúc tạo nên một bài văn hay. Vì vậy, học sinh nên dành 5-10 phút để lập dàn ý chi tiết trước làm bài.
TS Trịnh Thu Tuyết
Hệ thống giáo dục HOCMAI
TS Trịnh Thu Tuyết: 'Trước khi hay, bài văn cần phải đủ ý' - VnExpress