Giáo dục

Minsk Việt Nam qua con mắt người nước ngoài (phần 1)

'Sống ở Hà Nội 6 năm, tôi chứng kiến không ít Minsk xuống phố. Và ghét chúng. Vì nó thường xuất hiện với hình ảnh những chiếc ba lô to đầy hành lý, tiếng nổ ầm ĩ và khói thoát ra từ ống xả như địa ngục!'.

Dave Lemke, phóng viên kiêm nhiếp ảnh gia tự do người Canada sống ở Việt Nam hơn 6 năm. Đam mê xe cộ, am hiểu văn hóa đất nước Đông Nam Á khiến chàng trai người Canada bén duyên và gắn bó với nơi này, có vợ con người Việt. Trải nghiệm về Minsk và những cung đường hùng vĩ là một trong những niềm yêu thích của anh.

Dưới đây là lược dịch bài viết của Dave Lemke từ tiếng Anh từng đăng tải trên tạp chí như Cycle Torque Feature hay InsideMotorcycles.

Nhập cuộc

Việt Nam là mảnh đất của xe máy. Người ta sử dụng xe máy ở khắp nơi, từ miền núi phía Bắc cho tới đồng bằng sông Mekong. Xe máy xuất hiện từ những năm 1950, đóng vai trò quan trọng trong văn hóa, lịch sử và xã hội đất nước này.

Mỗi xe có lịch sử riêng, nhưng câu chuyện hấp dẫn tôi nhất là Minsk. Minsk du nhập vào Việt Nam theo người du học và làm việc ở Nga về nước, đây cũng là một trong số ít những mẫu xe có thể băng băng trên những con đường xấu miền quê. Điều gì khiến cho Minsk nổi bật hơn các đối thủ? Nguyên nhân là rẻ và dễ sửa.

DSC-5825-2771-1393930683.jpg

Dave Lemke và bạn bè trong chuyến phượt cùng những chiếc Minsk.

Sống ở Hà Nội 6 năm, tôi chứng kiến không ít những chiếc Minsk xuống phố. Ai sẽ lái những chiếc xe này? Tôi tự hỏi. Đó là câu chuyện từ 2008. 5 năm sau, quan điểm không thay đổi. Nhưng tháng 5/2013, tôi gạt hiềm khích sang một bên để tham gia phượt Tây Bắc bằng Minsk.

Có hai lựa chọn. Một chiếc Minsk "zin" hoặc chiếc chế động cơ Honda Fortune 125 do bạn tôi tên Cường làm. Tôi chọn chiếc độ, giống như đa số những người bạn khác trong đoàn. Chỉ có 2 trong số 6 người sử dụng xe zin với xăng pha nhớt, khói dày đặc. Bắt đầu di chuyển từ Hà Nội theo triền đê sông Hồng, chỉ 20 phút sau trời bắt đầu mưa gió. Đây rồi, dũng khí và sự dẻo dai có đất trải nghiệm. 

Tôi phải dừng lại để xác định xem mình đang ở đâu, cách làm thường ngày khi di chuyển ở Việt Nam. Đất nước này mất nhiều người vì tai nạn giao thông hơn cả các căn bệnh hiểm nghèo, trung bình mỗi ngày tới 29 người. Trên con đường đê nhỏ, phải đối mặt với cát, rác, xe hơi, xe tải, xe máy ngược nhiều đang lao rất nhanh trong cơn mưa xối xả. 

Việt Nam không bao giờ thiếu sự phấn khích tuy rất căng thẳng. Bây giờ thì hãy cùng Minsk ra khỏi thành phố!

Đường Hồ Chí Minh và những thử thách

Chuyến đi đưa tôi tới nhiều vùng nông thôn Việt Nam. Đường Hồ Chí Minh cách Hà Nội chỉ vài giờ chạy xe, nhưng lại dễ lạc vì vô vàn làng xóm quanh co. Chạy qua cánh đồng lúa bát ngát, khu công nghiệp hiện đại cho tới khi tôi chắc chắn rằng mình đang ở đâu: "nơi chưa người da trắng nào từng tới". 

Có điều thu vị là đoàn xe thu hút nhiều người. Bất cứ nơi nào dừng chân, người dân đều tròn mắt ngạc nhiên và hỏi han. Đã có quãng thời gian Minsk là môtô duy nhất có mặt ở vùng quê Việt Nam, nhưng từ sau mở cửa, làn sóng xe máy Nhật, Trung Quốc ồ ạt kéo vào. Đặc biệt thời gian đầu là Dream, Wave và Win Trung Quốc.

DSC-4992-6232-1393930683.jpg

Đường Hồ Chí Minh đẹp như một đường băng.

Chúng tôi đến một ngôi làng khác, đi xuyên tới khu đang xây dựng ngổn ngang. "Đâu thế này?", tôi tự hỏi. "Đây không phải là điểm bắt đầu cho quốc lộ nối liền Nam Bắc chứ"? Tôi đã sai, sau khi xem định vị, băng qua một số cây cầu và đoạn đường xấu thì hiện ra trước mắt là một công trình khổng lồ giữa không gian bao la không kém. Đường Hồ Chí Minh, thực sự là một đường băng.

Đường Hồ Chí Minh đẹp, phẳng, lý tưởng để leo lên xe và xoắn ga. Phong cảnh thay đổi khi chúng tôi tới Pù Luông. Chân đồi toàn những mảng đá vôi, đá lăn lóc khắp nơi. Con đường thì tự nó uốn lượn theo một cách riêng xuyên qua thiên nhiên đẹp đẽ. Chúng tôi kết thúc quãng đường cao tốc để đối mặt với đoạn đường đầy bùn đất, lồi lõm ổ gà để tới thung lũng của đồng bào dân tộc thiểu số. Thung lũng đẹp được bao quanh bởi các dãy núi, những cánh đồng lúa đung đưa. Từ đây đường khá tốt, đi lại dễ. Hay là do tôi nghĩ thế?

Dẫn đường cho chúng tôi là Cường, người sở hữu một công ty du lịch, có danh tiếng trong giới du lịch mạo hiểm. Tôi nào đâu biết, anh ta chuẩn bị những khó khăn cho chúng tôi thử thách, và thử nghiệm đầu tiên chính là 2 km cuối cùng. Con đường đất dẫn sâu vào rừng, trên một chiếc cầu treo ọp ẹp. Cường dừng ở một ngã ba dẫn lên đỉnh núi, từ đây chúng tôi phải đối mặt với một con dốc điên rồ. Dốc đứng và con đường nhỏ nghiêng về phía vực, không có rào chắn.

Với những người đi trước, bất cứ ai chở nhiều đồ nặng trên xe đều có nguy cơ "ngã ngựa". Xe bám đầy bùn đất vì rơi vào đoạn lầy lội do những cơn mưa mới qua để lại. Khi chúng tôi đến nhà trọ, cảm giác viên mãn vì chinh phục một khó khăn thực sự trong cuộc đời. Nhưng tôi nhận ra sự tinh quái trong ánh mắt Cường, người sắp đặt tất cả những chuyện này.

Sáng hôm sau chúng tôi rời nhà trọ lên đường, con đường xuống núi khó khăn không kém, những chiếc xe chất đầy đồ đạc. Trượt bánh bất cứ lúc nào nếu không phanh cẩn thận. Nhưng trong khó khăn lại có niềm vui, là tận hưởng những tia nắng ấm áp của buổi sớm qua tán cây rừng.

Một khi chạy xe lên những dãy núi của Việt Nam, người ta rất dễ đánh mất bản thân. Quên mình đang lái xe mà đắm chìm vào khung cảnh hùng vĩ.

(Còn nữa)

>> Thêm ảnh những khó khăn trong chuyến đi

Đức Huy lược dịch

VNExpress

Minsk Việt Nam qua con mắt người nước ngoài (phần 1) - VnExpress


© 2021 FAP
  980,098       1/1,508