(ĐNĐT) - Sáng 14-1, hàng ngàn người biểu tình chống chính phủ Thái Lan đã tuần hành tới các tòa nhà chính phủ tại thủ đô Bangkok...
Ngày 13-1, người biểu tình đã chốt chặn các khu mua sắm tại quận Pathumwan ở thủ đô Bangkok. Ảnh: AP |
Những người biểu tình đe dọa chặn các quan chức đi làm ở một số bộ chủ chốt nhằm gây thêm sức ép lên Thủ tướng Yingluck.
Sáng sớm nay, hàng ngàn người đã kéo tới bên ngoài Cục Hải quan Thái Lan để không cho các viên chức tại đây vào làm việc.
Cục trưởng Hải quan, Rakop Srisupaat cho biết: “Chúng tôi đã đóng cửa toàn bộ cơ quan cục, nhưng không đóng cửa các điểm kiểm tra hải quan. Chúng tôi sẽ xem diễn tiến của tình hình”.
Ngày hôm qua, nhiều bộ và ngân hàng trung ương Thái đã bị buộc phải làm việc ở các văn phòng dự bị sau khi những người biểu tình do ông Suthep Thaugsuban dẫn đầu đã chặn không cho các nhân viên vào làm việc.
Tối qua, ông Suthep nói với những người ủng hộ rằng: “Chúng ta phải bao vây các tòa nhà chính phủ, đóng cửa chúng trong buổi sáng và chiều thì rời khỏi đó”.
Các nhóm biểu tình đã tuần hành hòa bình từ 7 trại biểu tình lớn của họ tới các bộ, Cục hải quan, Cục kế hoạch và các cơ quan chính phủ khác vào ngày hôm nay với mục đích làm tê liệt chính phủ.
Nhiều ngã ba, ngã tư vẫn đang bị chốt chặn tại Bangkok với loa phóng thanh phát đi những bài diễn văn khoa trương, sau khi những người biểu tình phát động việc đóng cửa ngày thứ hai, gây ra sự gián đoạn tại trung tâm bán lẻ và khách sạn ở Bangkok.
Một bộ phận cứng rắn của phe biểu tình đã dọa sẽ bao vây trụ sở giao dịch chứng khoán và thậm chí là đài kiểm soát không lưu Bangkok nếu bà Yingluck không ra đi trong vài ngày tới.
Ngày hôm qua, Thủ tướng Yingluck đã phải làm việc tại các căn cứ của Bộ Quốc phòng ở ngoại ô Bangkok. Các quan chức cho biết, cuộc họp nội các thường kỳ ngày hôm qua cũng đã bị hủy bỏ.
Bà Yingluck đã mời các thủ lĩnh biểu tình và các đảng phái chính trị tới họp vào ngày thứ Tư (15-1) để thảo luận về một đề nghị của Ủy ban bầu cử là chuyển cuộc bầu cử tới tháng Năm. Tuy nhiên, ông Suthep cho biết, ông không quan tâm tới bất kỳ cuộc bầu cử nào mà chỉ muốn thay thế chính phủ hiện nay bằng một “hội đồng nhân dân” không qua bầu cử mà sẽ thay đổi hệ thống bầu cử như là một phần của các cải cách vốn làm suy yếu gia đình Thaksin.
Quang Hiển (Theo CNA, Reuters)