Các đại sứ quán, nhất là những cơ sở ngoại giao đóng gần các điểm tuần hành ở Bangkok, lo ngại căng thẳng ở Thái Lan sẽ leo thang trước giờ G - ngày 13-1, ngày "đóng cửa Bangkok", theo chiến dịch của phe đối lập chống lại Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Thủ tướng Yingluck Shinawatra chào những người ủng hộ khi bà đi trên chuyến tàu từ tỉnh Surin đến tỉnh Sisaket. Ảnh: AP |
Thư ký Thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Sihasak Phuangketkaew ngày 8-1 xác nhận thông tin trên sau khi các nhà ngoại giao nước ngoài bày tỏ quan ngại về các cuộc biểu tình chống chính phủ. Theo đó, ông Sihasak dẫn lời một số nhà ngoại giao nước ngoài lo lắng về biểu tình quy mô lớn dự kiến diễn ra vào ngày 13-1 tới sẽ “đóng cửa” nhiều giao lộ. Song, các nhà ngoại giao mong muốn các phương tiện của họ có thể ra vào đại sứ quán mà không gặp phiền toái nào.
Ông Sihasak nói rằng, khoảng 20 đại sứ quán gần các điểm tuần hành có thể bị ảnh hưởng. Ông nhấn mạnh: Chính phủ Thái Lan sẽ giải quyết các vấn đề trong hòa bình, theo nguyên tắc dân chủ. Người đứng đầu Hội đồng An ninh quốc gia Paradorn Pattanatabut cho hay, Thủ tướng Yingluck Shinawatra sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp nếu biểu tình có xu hướng leo thang thành bạo lực. Tuy nhiên, theo bà Yingluck, tình trạng khẩn cấp chỉ là giải pháp cuối cùng trong việc đối phó với những người biểu tình.
Trong lúc đó, biểu tình vẫn diễn ra nhằm kêu gọi Thủ tướng Yingluck từ chức. Trang Thailandnews.net dẫn lời nhà lãnh đạo này bày tỏ sự không đồng tình với các nhận định cho rằng mọi việc mà chính phủ của bà đã nói hoặc làm đều sai. Bà Yingluck vừa được Ủy ban quốc gia phòng chống tham nhũng (NACC) xóa cáo buộc tham nhũng và lạm dụng quyền lực nhưng 308 nghị sĩ, chủ yếu thuộc đảng Puea Thai cầm quyền của bà, sẽ bị buộc tội lạm dụng quyền lực. Các nhà phân tích cho rằng, sự việc này sẽ khiến cuộc tổng tuyển cử ngày 2-2 tới, theo đề xuất của bà, trở nên bế tắc.
NACC sẽ dẫn đầu cuộc điều tra và 308 nghị sĩ có thể bị cấm tham gia chính trị trong vòng 5 năm. Họ bị cáo buộc phạm pháp khi tham gia soạn thảo và đề xuất những thay đổi Hiến pháp, dẫn tới khủng hoảng chính trị tại Thái Lan hiện nay.
Theo Hiến pháp, các nghị sĩ bị cáo buộc “hành động bất hợp pháp” này sẽ không thể thực hiện nhiệm vụ cho đến khi Thượng viện đưa ra giải pháp. NACC khẳng định sẽ có quyết định trong vòng 15 ngày. Song, nếu việc này kéo dài vài tháng thì hầu hết trong số 308 nghị sĩ - những người tái tranh cử trong cuộc bỏ phiếu sắp tới - không thể giữ được chiếc ghế của mình, và đảng cầm quyền cũng không thể đề xuất ứng viên thay thế. Hơn thế nữa, với quyết định của NACC, 308 nghị sĩ có thể phải đối mặt với các hình phạt pháp lý ở mức cao hơn.
Động thái của NACC được cho là “đổ thêm dầu vào lửa”. Những người ủng hộ bà Yingluck chỉ trích cơ quan chống tham nhũng quốc gia muốn loại bỏ đảng cầm quyền.
Lực lượng chống chính phủ quyết tâm lật đổ bằng được bà Yingluck và yêu cầu không tổ chức bầu cử cho đến khi chính phủ thực hiện cải cách chính trị. Tuy nhiên, việc cải cách có thể mất đến 2 năm. Anh của bà Yingluck, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, từng bị kết án 2 năm tù vì tội tham nhũng. Phe biểu tình cho rằng, sự giàu có của gia đình Thaksin đã mang lại cho ông những lợi ích chính trị, vì vậy cần có những thay đổi để kết thúc tham nhũng và “chính trị tiền bạc”.
PHÚC NGUYÊN